Là thành viên của đội thi, Trần Xuân Thạc cho biết: “Mình thật sự rất vui vì đây là lần đầu tiên tham dự cuộc thi liên quan đến học thuật ở cấp quốc tế. Mục tiêu ban đầu của mình và team là tham gia để học hỏi kinh nghiệm và làm đẹp CV của bản thân khi đi phỏng vấn. Nhưng được giải cũng khá cao và các thành viên đều được giải nên mình cảm thấy rất tự hào về team. Bọn mình nhận đề và giải quyết vấn đề đó trong vòng 48h, vừa phải làm về Business cho công ty và cũng làm một cái prototype để chứng minh solution của mình.”
Áp lực thời gian và chất lượng sản phẩm là yếu tố mà các chàng trai đến từ Đại học FPT Đà Nẵng thấy thú vị nhất. Vì nhờ đó, các bạn có thể vượt qua được giới hạn của bản thân, điều mà trước đó chưa ai dám thử.
Các đại diện đến từ Đại học FPT Đà Nẵng được đánh giá là những thí sinh có thực lực, điểm kiểm tra và điểm bảo vệ rất cao so với các thí sinh đến từ nước khác. “Các thầy cô bên trường Irkutsk đánh giá rất cao về sự thể hiện của các Team Việt Nam. Mình thấy là IT Việt Nam cũng không thua mấy nước khác, được đánh giá cao như vậy làm tụi mình vô cùng sướng”, Thạc hồ hởi chia sẻ.
Còn với Nguyễn Đông Phương – sinh viên k13 ngành Kỹ thuật Phần mềm, cậu bạn đã một mình tự tin chinh chiến tại cuộc thi ASEAN India Hackathon 2021. ASEAN India Hackathon 2021 có sự tham gia của các đội thi đến từ 10 quốc gia ASEAN là Malaysia, Indonesia, Singapore, Philippines, Brunei, Thái Lan, Myanmar, Campuchia, Lào và Việt Nam. Trong 36 giờ, 330 sinh viên và 110 cố vấn từ 10 quốc gia ASEAN và Ấn Độ đã cùng nhau làm việc trực tuyến, cạnh tranh với tư cách 55 đội để đưa ra các giải pháp sáng tạo cho 11 vấn đề. Các vấn đề tập trung vào hai chủ đề chính là Kinh tế Xanh và Giáo dục.
“Ở cuộc thi này, mình cùng với hai bạn người Ấn Độ và hai bạn người Singapore được xếp thành một team để giải quyết vấn đề của BTC đưa ra. Sau tầm một tuần cùng nhau làm việc thì team sẽ trình bày giải pháp của mình. Rất may mắn là team đã trình bày tốt và đem về cho mình vị trí thứ 2. Qua cuộc thi này thì mình có rất nhiều trải nghiệm thú vị như việc lần đầu phải làm việc với thành viên nước bạn, trình bày với hội đồng nước ngoài. Mình thấy sinh viên nước bạn rất giỏi, rất đáng để học hỏi.”, Phương kể.
Đông Phương chia sẻ vui rằng: “Ban đầu mình cũng không tính tham gia các cuộc thi do deadline ở công ty dí dữ quá. Thế nhưng khi thi các cuộc thi quốc tế, mình tự nhủ đã không thi thì thôi, mà đã thi là phải làm cho ra ngô ra khoai. Vì qua những cuộc thi như thế này, anh em quốc tế hay những chuyên gia đầu ngành nước bạn sẽ có ít nhiều những đánh giá hay suy nghĩ riêng về anh em dev của Việt Nam. Nghĩ tới điều này thì mình cũng tự có động lực mà làm cho ngon. Tích tiểu thành đại, mỗi người góp một ít để thay đổi cách nhìn của quốc tế, rồi từ từ họ sẽ có cái nhìn khác vào giá trị của anh em dev Việt Nam mình cũng như sinh viên Đại học FPT có thực lực như thế nào. Và rồi chuyện ông em họ 96 học Bách Khoa sẽ không còn là giai thoại của anh em Voz nữa (cười).”
Hiện tại, Đông Phương đang được trải nghiệm vị trí dev fullstack trong một product ở FPT Software. Nam sinh cho biết kiến thức và kỹ năng được học ở FPTU rất là hữu ích. FU không chỉ dạy về kiến thức chuyên ngành, mà còn tạo ra được một môi trường tốt để sinh viên có thể cải thiện kỹ năng cũng như phong cách làm việc. Nhờ những điều này mà hiện tại sinh viên FU luôn được các doanh nghiệp đánh giá rất cao.
Bước ra những sân chơi quốc tế, sinh viên Đại học FPT Đà Nẵng hoàn toàn có thể tự tin vượt qua các thử thách, đem về thành tích cao cùng nhiều trải nghiệm thú vị. Đây sẽ là bàn đạp cho tất cả các sinh viên nhà F Đà Nẵng mạnh dạn, tự tin để tham gia các cuộc thi mang tầm quốc tế.
FPTU ĐN