Tối 3/5, sinh viên và giảng viên ĐH FPT đã tham dự buổi giao lưu cùng TS Timothy Chou với chủ đề “Internet vạn vật (IoT) – Nguyên lý, Thực thi và Giải pháp”.
Buổi giao lưu được tổ chức tại ĐH Bách Khoa Hà Nội. Đông đảo sinh viên công nghệ của các trường đại học trên địa bàn thành phố đã tham dự trong đó có đội sinh viên và giảng viên ngành Kỹ thuật phần mềm ĐH FPT.
Xoay quanh chủ đề “Internet vạn vật (IoT) – Nguyên lý, Thực thi và Giải pháp”, TS Timothy Chou cho rằng xu hướng công nghệ hiện nay đang dịch chuyển từ Internet con người (Internet of People – IoP) sang Internet vạn vật (Internet of Things – IoT). Trong bối cảnh Cách mạng Công nghiệp 4.0 đang tới gần, IoT sẽ được ứng dụng trong nhiều lĩnh vực: nông nghiệp, giáo dục, y tế… giúp cải thiện năng suất, nâng cao chất lượng sản phẩm và hiệu quả kinh tế.
“Với IoT, Things – Vạn vật có thể là con người, là máy móc, nhưng cũng có thể là chính dạ dày của bạn. Nếu các thiết bị cảm biến biết rõ trạng thái dạ dày của bạn, các phương pháp điều trị y tế sẽ chính xác và hiệu quả hơn, giảm thiểu các tai biến và phản ứng phụ khi điều trị bệnh.” TS Timothy Chou nói.
Những phần mềm ứng dụng IoT hoàn toàn có thể mang lại lợi ích kinh tế cao trong tương lai gần. Điều này cũng được TS Timothy Chou chia sẻ: “Các phần mềm cho Things có thể rất đơn giản và gần gũi, chẳng hạn giải pháp máy quét đường chính xác và tự động, hệ thống nuôi trồng thuỷ sản chính xác mà Việt Nam có thế mạnh, hay các ứng dụng chính xác khác trong nông nghiệp. Khi có hiệu quả tốt, các bạn có thể xuất khẩu các phần mềm đó đi khắp thế giới”.
Tham dự buổi giao lưu cùng TS. Timothy Chou với chủ đề “Internet vạn vật (IoT) – Nguyên lý, Thực thi và Giải pháp”, các sinh viên ĐH FPT mong muốn hiểu sâu về xu hướng công nghệ này và có thể áp dụng kiến thức đó vào công việc trong tương lai.
Đỗ Duy Tân (Sinh viên K11, ngành Kỹ thuật phần mềm) chia sẻ: “Mình từng đọc qua một số tài liệu về IoT nhưng thú thực chưa hiểu rõ lắm. Đến buổi giao lưu này, mình muốn được nghe chuyên gia chia sẻ, qua đó giải đáp những thắc mắc của bản thân”. Tân cùng nhóm 3 sinh viên ĐH FPT khác đang ấp ủ dự định phát triển một dự án nông nghiệp ứng dụng IoT.
“Hiểu nôm na, dự án của chúng mình là một Smartfarm, ứng dụng IoT để điều khiển và kiểm soát quá trình sinh trưởng của cây trồng, vật nuôi. TS Timothy Chou là người có nhiều kinh nghiệm đưa IoT vào các lĩnh vực đời sống trong đó có nông nghiệp nên chúng mình đến đây hy vọng học hỏi được nhiều từ những chia sẻ của ông”, Nguyễn Đình Dũng (Sinh viên K11, ngành Kỹ thuật phần mềm) cho biết.
Sau buổi giao lưu, các sinh viên ĐH FPT đã có thêm hiểu biết về xu hướng Internet vạn vật hiện nay. Duy Tân, Đình Dũng thể hiện quyết tâm ứng dụng IoT vào sản phẩm nông nghiệp đang ấp ủ. Như TS Timothy Chou chia sẻ, để làm được điều này, lộ trình là yếu tố quan trọng. “Các bạn sinh viên cần có ý thức tự rèn luyện ngay khi còn học trong trường về về kỹ năng lập trình, tối ưu hoá phần mềm, trí tuệ nhân tạo, các giải pháp Mechware – kết hợp giữa cơ khí máy móc và khoa học máy tính…” giảng viên ĐH Stanford cho biết.
TS Timothy là giảng viên hàng đầu với 35 năm kinh nghiệm trong giảng dạy về điện toán tại Đại học Stanford, Mỹ. Ông là người đi tiên phong trong lĩnh vực phần mềm doanh nghiệp, là diễn giả chính cho các doanh nghiệp và đối tác công nghệ ở Bắc Mỹ, Nam Mỹ và Châu Á. |
Ngọc Trâm/FE