Sinh viên ĐH FPT sáng tạo bộ công cụ tổng hợp lương cho FPT Edu

Với mong muốn phát triển một bộ công cụ giúp giảm tải thời gian và công sức cho bộ phận nhân sự FPT Edu khi tính toán thù lao, đáp ứng được yêu cầu về độ bảo mật và tính chính xác, nhóm 6 sinh viên ĐH FPT đã gây ấn tượng mạnh trong buổi bảo vệ đồ án tốt nghiệp với sản phẩm “FPIST 2.0 (FPT Education Paid Item Summary Toolkit 2.0)”.

Tính toán thù lao luôn là một vấn đề nhạy cảm, cần độ chính xác cao cũng như yêu cầu về bảo mật thông tin tuyệt đối ở mọi doanh nghiệp. Nhất là với những đơn vị có quy mô nhân sự lên đến hàng trăm, hàng nghìn nhân viên thì tính rủi ro, độ sai số càng dễ xảy ra, gây hậu quả nghiêm trọng. Trước nay, việc tổng hợp thù lao cho giảng viên trong các trường học thường được thực hiện qua MicroSoft Excel. Tuy nhiên, công cụ nay lại không đáp ứng ứng được tính bảo mật, chính xác và còn tốn rất nhiều công sức, thời gian. Do đó, FPIST 1.0 (FPT Education Paid Item Summary Toolkit) đã ra đời nhằm giảm tải công việc cho các nhân viên của Phòng đào tạo và Phòng nhân sự FPT Edu khi thực hiện đầu việc này.

“FPIST được chia thành 2 app nhỏ, 1 app cho phòng đào tạo, 1 app cho phòng nhân sự. Hàng tháng, bộ phận đào tạo sẽ tổng hợp công việc của các giảng viên rồi gửi cho bộ phận Nhân sự để tính lương. Tuy nhiên, do phiên bản 1.0 chưa đáp ứng được những yêu cầu từ người dùng cũng như cách thức nhập liệu vẫn mất thời gian nên không được áp dụng trong thực tế. Nhóm mình đã phát triển FPIST 2.0 với kỳ vọng có thể thay thế được cách tính lương lạc hậu, nhiều sai sót như hiện nay” – Bạn Bùi Ngọc Sơn, trưởng nhóm đồ án phát triển FPIST 2.0 chia sẻ.


Nhóm 6 sinh viên ĐH FPT gây ấn tượng trong buổi bảo vệ đồ án tốt nghiệp với sản phẩm là bộ công cụ tính lương FPIST 2.0.

Ngoài Ngọc Sơn, tham gia nghiên cứu và sáng tạo bộ công cụ tính lương FPIST 2.0 còn có 5 nam sinh gồm: Nguyễn Mạnh Hiếu, Chu Quang Huy, Tô Việt Anh, Nguyễn Quang Linh và Bùi Thanh Hải. Trải qua hơn 4 tháng trời ăn ngủ cùng đồ án, nhóm 6 sinh viên ĐH FPT đã không khiến các cán bộ giảng viên của trường thất vọng khi phát triển thành công và đưa FPIST 2.0 vào ứng dụng thực tế ngày 16/4 vừa qua. Tuy còn một vài hạn chế nhất định nhưng FPIST 2.0 đã phần nào làm thỏa mãn người dùng với độ chính xác 100%. Bằng việc cung cấp những tính năng mới và tiện ích, bộ công cụ giúp giảm tải công sức và thời gian cho các bộ phận liên quan trong việc tổng hợp và tính lương hàng tháng.

Demo bộ công cụ tính lương FPIST 2.0 của nhóm sinh viên ĐH FPT.

Là một nhóm đặc biệt khi có tới 6 bạn cùng tham gia nghiên cứu và phát triển một đồ án, trưởng nhóm Ngọc Sơn cho biết đây vừa là một thuận lợi vừa là một thách thức cho mỗi thành viên. “Thông thường các nhóm đồ án chỉ có 2-5 thành viên nhưng nhóm mình có tới 6 bạn. Công việc sẽ được san sẻ và 6 người cùng góp sức thì ý tưởng cũng phong phú hơn. Tuy nhiên, nhóm đông thành viên đồng nghĩa với việc phân chia và quản lý các đầu việc, thống nhất các ý kiến không đơn giản. Các thầy cô cũng sẽ yêu cầu cao hơn nên chúng mình càng phải đoàn kết và cùng nỗ lực hết sức.

Khó khăn lớn nhất trong quá trình làm đồ án đó là việc cả 6 thành viên của nhóm đều là sinh viên ngành Japanese Software (kỹ sư cầu nối Nhật Bản BrSE). Do đặc thù của chuyên ngành nên cả nhóm đã không code từ kỳ 6. Trong khi đó, FPIST lại được xây dựng trên môi trường “.Net C#” khiến nhóm gặp khá nhiều khó khăn trong giai đoạn đầu. Nhưng nhờ có sự hướng dẫn chỉ bảo tận tình của thầy Phan Trường Lâm thì chỉ sau 2 tuần, ngôn ngữ cũng như các thuật toán không còn là vấn đề cản trở nữa” – Nhóm sinh viên tâm sự.

Nhóm sinh viên tại buổi thuyết trình và phản biện đồ án.

Hơn cả một thử thách, 6 nam sinh ĐH FPT cho rằng việc được đưa “đứa con tinh thần” của mình giới thiệu đến các thầy cô trong buổi bảo vệ đồ án tốt nghiệp là một cột mốc vô giá trong suốt 4 năm giảng đường. Bước vào phòng bảo vệ đồ án dù không tránh khỏi những hồi hộp, lo lắng, nhất là phần phản biện “căng não” với hội đồng chuyên môn, nhưng với 6 nam sinh, các thầy cô chính là đang giúp mình thấy được những lỗi sai, những kẻ hở của tài liệu cũng như sản phẩm để hoàn thiện hơn nữa.

“Những nhận xét, chia sẻ đó đều là hành trang quý giá cho chúng mình trong tương lai. Nhóm muốn gửi lời cảm ơn đến hội đồng và các thầy cô bên phòng đào tạo và phòng nhân sự rất nhiều vì đã cùng đồng hành trên con đường phát triển FPIST 2.0. Hiện tại, bộ công cụ này đang được dùng thử ở campus Hòa Lạc và định hướng tương lai sẽ là vươn ra tất cả các campus của ĐH FPT, rộng hơn nữa là áp dụng trên toàn hệ thống của tổ chức giáo dục FPT khắp cả nước” – Sinh viên Ngọc Sơn chia sẻ.

Theo FPT Edu