Sinh viên ĐH FPT tìm biện pháp tạo cảm hứng học tiếng Anh cho dân không chuyên

Những vấn đề khiến sinh viên thiếu động lực học tiếng Anh cũng như giải pháp và cách nâng cao chất lượng chương trình học tiếng Anh đã được nhóm sinh viên ngành Ngôn ngữ Anh, ĐH FPT Hà Nội trả lời trong buổi bảo vệ khóa luận tốt nghiệp học kỳ Fall 2020.

Mặc dù việc học tiếng Anh đã trở nên phổ biến, nhiều HSSV ở Việt Nam vẫn không thể đạt được trình độ tiếng Anh ở mức khá. Theo số liệu từ trang VnExpress (2020), HSSV ở Việt Nam đạt điểm trung bình tiếng Anh là 4,38, với hơn 63% đạt điểm dưới 5. Nguyên nhân chủ yếu được đưa ra là thiếu động lực để học tập và câu chuyện đi tìm cảm hứng học tiếng Anh vẫn được thảo luận suốt hàng thập kỷ qua.

Từ thực trạng này kết hợp với thực tế học tiếng Anh tại ĐH FPT với các chương trình như LUK (Little UK), các lớp Transition (Lớp chuyển tiếp giữa LUK và chuyên ngành), lớp chuyên ngành… nhóm sinh viên ĐH FPT Hà Nội gồm Trần Lan Anh, Nguyễn Thị Lệ, Đỗ Lục Anh Dũng và Lê Nguyên Linh đã thực hiện khảo sát, nghiên cứu để tìm ra những nguyên nhân khiến sinh viên Việt Nam nói chung, sinh viên ĐH FPT nói riêng mất đi cảm hứng học tiếng Anh. Đây cũng là khóa luận tốt nghiệp của nhóm, được bảo vệ tại Kỳ bảo vệ khóa luận tốt nghiệp học kỳ Fall 2020.

Nhóm sinh viên tại buổi bảo vệ khóa luận

Sau hơn 3 tháng tiến hành nghiên cứu, nhóm đã thực hiện các buổi khảo sát với 282 sinh viên thuộc ba nhóm: Sinh viên LUK, sinh viên các lớp Transition và sinh viên theo học chương trình tiếng Anh cũ tại ĐH FPT Hà Nội cùng với đó là 17 buổi phỏng vấn sâu với các sinh viên và giảng viên tại ĐH FPT hiện đang giảng dạy các chương trình học tiếng Anh tại trường. Nhóm đã tìm ra 4 nguyên nhân chính: Sự phức tạp của tiếng Anh, môi trường nói tiếng Anh, trải nghiệm của người học và chương trình học thiếu cân đối.

Theo số liệu từ nhóm, có đến 63,8% người tham gia khảo sát cho rằng từ vựng tiếng Anh quá nhiều để ghi nhớ, 45,4% cho rằng một vài từ tiếng Anh quá khó để phát âm và 42,9% cho rằng tiếng Anh có nhiều thì quá phức tạp. Đây là những lý do chính khiến nhóm khẳng định sự phức tạp của tiếng Anh là một trong những nguyên nhân làm giảm sự hứng thú khi học.

Số liệu thống kê cũng cho thấy, việc bạn học cùng lớp ít khi nói tiếng Anh (41,5%), phát âm chưa chuẩn (33%) và thiếu cơ hội để nói tiếng Anh (32,5%) là những lý do chính khiến sinh viên chưa thật sự có môi trường nói tiếng Anh tốt.

Bên cạnh đó, nhóm số liệu của nguyên nhân đến từ trải nghiệm của người học cũng cho thấy nhiều điều thú vị như: Vì sinh viên học rất chăm chỉ nhưng vẫn không thể đạt điểm cao (35,8%), ngại giao tiếp trong lớp (31,2%), sợ bị “mất mặt” (28,7%), lo lắng khi học lớp quá đông (27,7%)… dẫn đến các bạn có trải nghiệm “tệ” với tiếng Anh và không còn yêu thích môn học này.

Nguyên nhân liên quan đến chương trình học tuy không được những người tham gia khảo sát đề cập đến nhiều như 3 nguyên nhân trên nhưng cũng là một trong những yếu tố đáng lưu ý và được nhắc tới nhiều trong những buổi phỏng vấn sâu. Theo đó, việc một số nội dung trong giáo trình chưa phù hợp với sinh viên Việt Nam, chương trình học còn chưa phân cấp rõ rằng hay thậm chí cả vấn đề về đường truyền kết nối Internet tại phòng học cũng được đưa ra.

Số liệu tổng hợp của nhóm về nguyên nhân liên quan tới chương trình học

Từ 4 nguyên nhân trên, nhóm nghiên cứu cũng khảo sát để tìm hướng giải quyết cho vấn đề. Theo đó, để có thể khơi gợi cảm hứng học tập với tiếng Anh cho sinh viên, các chương trình học tiếng Anh nên được cải thiện, thay đổi một số điểm để phù hợp hơn với văn hóa của người Việt Nam, chia lại các cấp độ, nên có những tài liệu offline dự trù trong các lớp học để đề phòng trường hợp đường truyền Internet mất kết nối và quan trọng nhất, các bạn sinh viên nên tham gia nhiều các hoạt động, sự kiện, cuộc thi tiếng Anh hoặc có sử dụng tiếng Anh để tự tạo động lực.

Đánh giá về kết quả của nhóm nghiên cứu, Hội đồng chấm khóa luận đã có những nhận xét rất tích cực khi cho rằng đây là một đề tài cấp thiết và nhóm cũng đã tìm được những câu trả lời tương đối thỏa đáng cho vấn đề. Lê Nguyên Linh (Trưởng nhóm nghiên cứu) chia sẻ: “Để thực hiện khóa luận, nhóm đã gặp không ít khó khăn để tìm được những sinh viên học chương trình cũ để so sánh, đánh giá, tham gia vào các lớp LUK để hiểu về chương trình cũng như phỏng vấn sinh viên… Nhưng sau tất cả, chúng mình chỉ mong rằng, sản phẩm của nhóm sẽ giúp thay đổi một điều gì đó, khiến sinh viên ĐH FPT nói riêng và sinh viên Việt Nam nói chung có thêm động lực để học tiếng Anh”.

Theo FPT Edu