Sinh viên FPT được hỗ trợ 24.000 USD để khởi nghiệp

Nhóm sinh viên Đại học FPT nhận 2.000 USD mỗi tháng nhằm hiện thực hóa ý tưởng tạo ra thiết bị giúp người khuyết tật nâng cao khả năng giao tiếp.

Sáng kiến của đội Handication (Đại học FPT) được Ban tổ chức cuộc thi Smart City Hackathon Bình Dương 2016 đánh giá tích cực và nhận giải thưởng dành cho đội xuất sắc nhất sử dụng nền tảng IBM Bluemix để phát triển ứng dụng này.

Nhóm trưởng Trương Công Thái cho biết, khi nhìn thấy thiết bị đeo tay nhận biết xung cơ mang tên MYO Armband, anh và cộng sự đã nghĩ đến việc thiết kế một sản phẩm thông minh hiểu ngôn ngữ của cánh tay, giúp những người khuyết tật giao tiếp dễ dàng hơn.

Theo quy định của cuộc thi, trong vòng 24 tiếng, các đội sẽ xây dựng một sản phẩm thông minh giải quyết các vấn đề trong cuộc sống thuộc lĩnh vực giao thông, giáo dục, xã hội – sức khỏe, an toàn công cộng, môi trường, năng lượng – tài nguyên nước. Sau khi lựa chọn chủ đề, mỗi đội chọn một nền tảng cloud (đám mây) để lên ý tưởng. Ban tổ chức cung cấp cloud BlueMix của tập đoàn công nghệ máy tính IBM và ưu tiên cho những thí sinh sử dụng cloud này.

Với thời gian gấp rút, cả nhóm của Thái chỉ kịp nghiên cứu những động tác cơ bản của thiết bị, tương tác với các câu đơn giản như “tôi thích bạn”, “tôi thích hoa”… Để thuyết phục ban giám khảo, cả nhóm cố gắng demo một cách tốt nhất cả về kỹ thuật và ý tưởng.

Các sinh viên Đại học FPT nhận giải thưởng từ Phó chủ tịch IBM khu vực Châu Á Thái Bình Dương.

 Nhóm cũng gặp nhiều khó khăn khi xây dựng ứng dụng trên hệ điều hành Android, bởi hệ điều hành phổ biến đang được sử dụng cho những thiết bị tương tự là Window và iOS.

Mặc dù vậy, ý tưởng này sau đó đã thuyết phục các vị giám khảo khó tính bằng một ứng dụng hiểu cử động cánh tay và hiển thị trên điện thoại thông minh. Nhiều chuyên gia đánh giá, dự án này có tính thiết thực cao, áp dụng công nghệ mới. Các thành viên của nhóm là những người đầu tiên trên thế giới sở hữu thiết bị nhận biết xung cơ. Ban tổ chức đồng ý tài trợ 24.000 USD mỗi năm (2.000 USD mỗi tháng) để đội Handication thực hiện dự án khởi nghiệp của mình

“Nhóm xử lý nhiễu, chuẩn hóa dữ liệu đầu vào để ai cũng có thể sử dụng sản phẩm này. Điều thành công nhất trong cuộc thi là chúng tôi đã tạo ấn tượng với một tập đoàn công nghệ lớn”, nhóm trưởng Trương Công Thái chia sẻ. Trước mắt, nhóm sẽ hoàn thiện ứng dụng, sau đó tìm nhà đầu tư thích hợp để phát triển chương trình này.

Sản phẩm của nhóm Handication được trưng bày trong triển lãm Thành phố thông minh tại Bình Dương thu hút nhiều doanh nghiệp quan tâm. Có doanh nghiệp đề nghị Handication xây dựng thêm một ứng dụng mới cho Myo Armband để hỗ trợ thiết bị thực tế ảo.

“Dự án tiềm năng và ý nghĩa, nó giúp người khuyết tật có thể giao tiếp tốt hơn, Tuy nhiên, nhóm gặp nhiều khó khăn trong việc triển khai vì mức giá của các thiết bị này rất cao. Tôi sẽ khuyến khích các bạn trẻ khởi nghiệp bằng cách hỗ trợ cho dự án này”, ông Lưu Danh Anh Vũ, Giám đốc quan hệ khách hàng IBM Việt Nam (Senior Client Mananager) nói.

Đây là giải thưởng nằm trong khuôn khổ cuộc thi Smart City Hackathon Bình Dương 2016, diễn ra từ ngày 26-27/3 tại Trung tâm Hội nghị Bình Dương (thành phố mới Bình Dương).

Chương trình được tổ chức bởi Lãnh sự quán Hà Lan tại TP HCM, tỉnh Bình Dương cùng các tập đoàn lớn như IBM, Becamex… Thành phần ban giám khảo gồm đại diện Sở Khoa học công nghệ Bình Dương, Sở Thông tin và truyền thông và đại diện của một số doanh nghiệp.

Theo VNexpress