Hàng trăm đồng tiền xu, tiền giấy quý giá và hiếm hoi của “Hai Lúa” Huỳnh Minh Hiệp đã được trưng bày trong khuôn viên Trường Đại học FPT thu hút sự thích thú của đông đảo sinh viên.
“Đây là lần đầu tiên, triển lãm những đồng tiền giấy từ năm 1945 của Việt Nam và tiền cổ từ thời Vua Đinh Tiên Hoàng được tổ chức tại khuôn viên của một trường đại học. Tôi thực sự muốn các thế hệ sinh viên có cơ hội biết đến tiền tệ của Việt Nam qua các thời kỳ”, Kỷ lục gia – nhà sưu tập Huỳnh Minh Hiệp cho biết.
Chỉ gói gọn trong khuôn viên nhỏ với 9 khung tiền xu cổ Việt Nam (mỗi khung từ 20-28 đồng tiền), với khoảng 200 đồng tiền xu từ các triều đại Phong kiến Việt Nam (từ thời Đinh tới Nguyễn) và 300 loại tiền giấy các giai đoạn lịch sử Việt Nam, triển lãm thực sự mang lại những kiến thức bổ ích cho sinh viên hiểu thêm về từng loại tiền tệ đã lưu hành và ý nghĩa của sự ra đời.
Đó là đồng bạc tài chính đầu tiên của chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh ra nghị định về việc phát hành tiền Việt Nam ngày 31/1/1946.
Tờ tín phiếu Trung bộ Liên khu V được phát hành sau ngày toàn quốc kháng chiến. Khi chiến sự bùng nổ, việc liên lạc giữa địa phương với Trung ương gặp khó khăn. Nên từ năm 1947 – 1954, mỗi địa phương phát hành một loại tiền riêng để tiện sử dụng. Ở Trung Bộ phát hành tín phiếu, Nam Bộ phát hành “tiền Nam Bộ”, phiếu tiếp tế, phiếu đổi chác… Ở các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, nhiều tờ tín phiếu ra đời mệnh giá 1 đồng, 5 đồng… có chữ ký của Đại diện Chính phủ Trung ương và Đại diện Uỷ ban Hành chánh Trung Bộ.
Giấy bạc của chế độ Sài Gòn cũ Sau hiệp định Genève 1954, Ngân hàng Quốc gia Việt Nam lần lượt phát hành một số giấy bạc dùng chữ Việt, hình ảnh đất Việt, con người Việt.
Những tờ giấy bạc thống nhất tiền tệ năm 1978. Triển lãm cũng trưng bày những tờ giấy bạc của Việt Nam sau khi miền Nam hoàn toàn giải phóng với 8 loại tiền giấy và 3 loại tiền nhôm.
Đặc biệt, triển lãm còn trưng bày đồng tiền bằng bạc thuộc Vương Quốc Phù Nam (thế kỷ 1-7) và tiền Thưởng Đời Vua Gia Long, trên mặt tiền đúc nổi 4 chữ theo hàng dọc Gia Long niên tạo – 嘉 隆年 造 (tạo tác trong niên hiệu Gia Long, 1802 – 1820), lưng tiền đúc nổi 4 chữ Tinh ngân nhất lạng – 精銀 壹両 (Bạc dòng 1 lạng). Xung quanh còn có các dấu trung bình hiệu – 中平號.
Ngoài ra, còn có tiền Đông Dương, Phiếu tiếp tế Bến Tre – Vĩnh Long – Vĩnh Trà – Long Châu Sa, tiền Ngân hàng thành lập 6/5/1951, tiền Việt Nam Cộng Hoà (Đệ Nhứt và Đệ Nhị), tiền Mặt trận Dân tộc Giải phóng Miền Nam Việt Nam, bộ tiền 1959 (1 đồng 1959 bằng 100 đồng 1951), tiền tại sự kiện đổi tiền năm 1985 (1 đồng bằng 10 đồng cũ)…
Gần 30 năm lặn lội, tìm kiếm Kỷ lục gia- nhà sưu tập Huỳnh Minh Hiệp đã sưu tầm và lưu giữ bộ sưu tập khổng lồ tiền xu của 218 quốc gia, tiền giấy của 222 nước trên thế giới đủ các mệnh giá, cùng hơn 10.000 đồng tiền xu của các triều đại phong kiến Việt Nam.
Giá trị nhất trong bộ sưu tập tiền cổ của Huỳnh Minh Hiệp là khối tiền hóa thạch Ngũ Thù, có niên đại khoảng thế kỷ thứ 1, 2 sau Công nguyên, xuất xứ từ triều đại nhà Hán ở Trung Quốc. Các đồng tiền cổ vẫn còn nguyên dây xâu để trong thau đồng, cả khối nặng tới 20kg. Có cả chum tiền thời nhà Lê từ thế kỷ 15, được đào ở Thanh Hoá cách đây 26 năm.
Đối với Huỳnh Minh Hiệp, sưu tầm hiện vật, đồ cổ, đồ cũ… quả là niềm đam mê bất tận. Ngay trong lúc TP.HCM và cả nước căng thẳng, gồng mình chống dịch Covid-19, anh đã nghĩ ngay đến việc lưu lại những tờ giấy nhỏ xíu như tiêm vaccine, giấy đi đường và những hiện vật chống dịch để lưu giữ lại những tháng ngày có thể sẽ lãng quên khi dịch qua đi và cuộc sống vào guồng quay cơm áo gạo tiền.
Trong không gian lặng ở Café Lúa của Huỳnh Minh Hiệp, Sài Gòn của một thời xưa cũ “sống” lại đầy đủ và sinh động bằng những hiện vật được anh sưu tầm qua nhiều năm tháng. Thật hiếm có ai đủ kiên trì và say mê đến thế để lưu giữ trọn vẹn ký ức về Sài Gòn.
Theo DNTO