Năm thành viên Nguyễn Đình Phương, Nguyễn Thành An, Ngô Tuấn Hùng, Lê Quốc Đạt, Nguyễn Cự Phát (Đại học FPT) đã chế tạo sản phẩm “Smart Lock – Khóa thông minh” và trình bày trong Lễ bảo vệ đồ án tốt nghiệp của mình.
Những loại khóa thông thường có trên thị trường hiện nay ngày càng được nâng cao tính bảo mật, nhưng có không ít bất cập như: khóa có thể rơi, chìa bị cong vênh, bị bẻ gãy hoặc phải cần có quá nhiều chìa cho những căn phòng khác nhau.
Smart Lock là sản phẩm của 5 thành viên Nguyễn Đình Phương, Nguyễn Thành An, Ngô Tuấn Hùng, Lê Quốc Đạt, Nguyễn Cự Phát.
Với khóa thông minh Smart Lock, những hạn chế này gần như được giải quyết triệt để khi sản phẩm đáp ứng được cả ba yêu cầu: Thông minh – Đơn giản – An Toàn (Smart – Simple – Security).
Theo đó, loại khóa mới này sẽ không cần có chìa khóa và có thể điều khiển từ xa. Ổ khóa thông thường sẽ không thể nhận diện được hai chiếc chìa khóa giống nhau hoàn toàn, đồng thời chỉ có khả năng chống mở khóa, phá khóa ở một mức độ nào đó.
Bộ thiết bị Smart Lock sử dụng các “khóa số” để phân biệt những người dùng với nhau. Mỗi khóa số này là duy nhất cho từng người. Khóa số được mã hóa và lưu ở hai nơi: thiết bị Smart Lock và Smartphone tương ứng. Việc kiểm tra tính hợp lệ của khóa số sẽ được thực hiện bởi một thuật toán bảo mật, còn bản thân “khóa số” thì trừ lúc đăng ký, sẽ không được truyền nhận nữa trong quá trình sử dụng sản phẩm nhằm mục đích bảo mật.
Thông thường, khi muốn giao chìa khóa cho người khác, chúng ta phải làm thêm chìa. Điểm thú vị của sản phẩm này là người dùng có thể phân chia việc điều khiển sử dụng khóa cho những người khác ngay trên smartphone.
Cụ thể, người chủ của khóa sẽ gửi yêu cầu xin thiết bị cấp một mã truy cập cho thiết bị phụ thuộc (gọi tắt là máy con). Máy con sẽ nhập mã truy cập này trong phần đăng ký để xin thiết bị Smart Lock cấp “khóa số” cho mình”. Đồng thời mã truy cập này chỉ có thể dùng một lần duy nhất.
Theo thiết kế, Smart Lock đảm bảo được 3 yếu tố Thông minh – Đơn giản – An toàn.
Nguyễn Đình Phương, thành viên nhóm cho biết điểm nhóm hài lòng nhất là tính bảo mật của sản phẩm. “Bởi nó đã phần nào đó hạn chế được những điểm yếu của thông thường, không phá được khóa từ bên ngoài đồng thời cũng rất khó để truy cập vào hệ thống”.
Trong khoảng thời gian làm đồ án, nhóm đã gặp khá nhiều khó khăn, đặc biệt là việc vẽ 3D bản thiết kế và đi tìm vật liệu tương thích thích với yêu cầu của đề tài. Tuy nhiên sau quá trình mày mò và kiên trì nghiên cứu, những khó khăn đó đã được giải quyết. Ý tưởng được Hội đồng chấm đồ án đánh giá là hay, sáng tạo và có tính ứng dụng thực tế.
Trong tương lai, nhóm sẽ tiếp tục hoàn thiện sản phẩm này. Trưởng nhóm Lê Quốc Đạt chia sẻ: “Chúng mình rất tin vào tính khả dụng và tính thực tế của bộ sản phẩm này. Hy vọng chúng mình sẽ tiếp tục phát triển sản phẩm này ở mức độ cao hơn, nâng cao tính ổn định của sản phẩm, giảm giá thành cũng như kết hợp thêm với các thiết bị phụ trợ để có thể tạo ra một sản phẩm phù hợp với nhu cầu thị trường”.
Theo Tiền phong