Để có được phần thuyết trình và vấn đáp kéo dài 1 tiếng rưỡi đồng hồ gây được ấn tượng mạnh với ban giám khảo thì cả 3 chàng trai: Quan Kiến Minh ( trưởng nhóm ), Nguyễn Minh Giàu và Tiêu Minh khương (K12 – chuyên ngành an toàn thông tin) đã trải qua hơn 3 tháng chuẩn bị đầy khó khăn và đi kèm với nó là những câu chuyện khiến cả 3 sẽ còn nhớ mãi.
Thành công nhờ suy nghĩ khác biệt và tư duy bắt kịp thời đại.
Enjo – sản phẩm của nhóm, là một nền tảng giúp quản lí các thiết bị IoT (Internet of Things), hỗ trợ cho cả hai đối tượng là lập trình viên và người dùng. Đây là đề tài đầu tiên về IoT xuất hiện trong một buổi bảo vệ đồ án của ngành an toàn thông tin. Nút thắt về đề tài được mở sau 2 tuần cả nhóm rơi vào bê tắc, trong lúc cả nhóm bắt đầu cảm thấy hoang mang vì đề tài quá rộng và thời gian thì có hạn.
Người đưa ra đề xuất về đề tài là trưởng nhóm – bạn Quan Kiến Minh. Sản phẩm này là thành quả của quyết tâm muốn đột phá, chấp nhận thử thách để làm một điều gì đó khác biệt của nhóm. Trong quá trình hoàn thiện, 3 sinh viên hầu hết đều phải “tự lực cánh sinh”. Ngoài ra việc nắm bắt được xu hướng công nghệ trong cuộc công nghiệp 4.0 là điện toán đám mây (Cloud Computing) và Internet vạn vật (IoT) đã giúp cho Enjo trở thành một đề tài có tính ứng dụng cao từ đó gây được ấn tượng mạnh với hội đồng ban giám khảo. Trong phần trình bày, Enjo được đặt lên bàn cân cùng với hai nền tảng khác là Thingsboard và node-RED, theo đó điểm nổi bật của Enjo so với hai đối thủ là ở việc nó có khả năng ghi lại và hiển thị cho người dùng lịch sử hoạt động của thiết bị, từ đó giúp người dùng dễ dàng theo dõi và phát hiện khi có sự cố sảy ra.
Giao diện đăng nhập của nền tảng Enjo
Bảo vệ đồ án trong tình trạng giãn cách xã hội
“Khó khăn lớn nhất của tụi anh là không thể gặp măt trực tiếp để cùng nhau thực hiện đề tài. Không những thế, tất cả cửa hàng cũng đóng khiến cho việc tìm mua thiết bị để thực hiện sản phẩm demo gần như là bất khả thi“ bạn Quan Kiến Minh chia sẻ. Việc phải thực hiện đồ án online là một cản trở không hề nhỏ đối với các đội. Trong hoàn cảnh đó, yếu tố kỷ luật và việc tận dụng thời gian một cách triệt để được cả nhóm đưa lên hàng đầu, đã có những cuộc họp được diễn ra vào lúc 22h, 23h nhưng mặc nhiên chẳng ai phàn nàn.
Bên cạnh đó, mỗi thành viên đều có một cách khác nhau để đảm bảo bản thân theo kịp với tiến độ công việc, với bạn Nguyễn Minh Giàu thì đó là việc sử dụng các phần mềm quản lí ghi chú đơn giản trên laptop cá nhân hay với thành viên “dài” nhất nhóm – bạn Minh Khương là đảm bảo tất cả công việc trong ngày đều được đảm bảo hoàn thành đúng deadline và gửi tin nhắn lên nhóm ngay khi cần hỗ trợ.
Sốc lại tinh thần trước ngày “lên sàn”
Sự tự tin là một trong những yếu tố then chốt cho thành công của buổi bảo vệ. Trong quá trình chuẩn bị, cả nhóm thường xuyên có những buổi họp nhỏ để góp ý và cùng nhau chỉnh sửa cách thuyết trình của từng thành viên, điều quan trọng nhất là tất cả thành viên đều giữ một thái góp ý thẳng thắn để giúp phần trình bày trở nên hoàn hảo nhất có thể. Anh Kiến Minh còn áp dụng phương pháp độc thoại trước gương để làm quen cũng như tự điều chỉnh phần thuyết trình của bản thân mình.
Sự cố bất ngờ ngay trước ngày diễn ra buổi bảo vệ
Đây là sự cố có lẽ đã làm bạn Tiêu Minh Khương (người giữ vai trò System Administrator của dự án) có một pha “hú hồn” không hề nhẹ. Theo bạn chia sẻ thì tối ngày 12/5, 3 máy chủ google cloud (nơi lưu trữ dữ liệu của nhóm) có zone bên Singapore đồng thời bị sập và không khởi động được, phải mất cả đêm để anh có thể tạo lại 3 máy chủ khác và cấu hình lại từ đầu để có thể hoạt động và may là không có sự mất mát dữ liệu nào xảy ra. Trớ trêu thay là tới sáng hôm sau thì cả 3 máy chủ cũ đều hoạt động lại bình thường. “Tổ IT thương nhóm” bạn Minh bình luận.
Từng thành viên đều có cai trò quan trọng trong dự án
Những lời cảm ơn
Sau khi kết thúc kì bảo vệ đồ án, cả 3 thành viên đều muốn gửi lời cảm ơn đến những cá nhân, tập thể đã sát cánh và hỗ trợ nhóm trong suốt khoảng thời gian vừa qua, thầy Nguyễn Siêu Đẳng, người đã hướng dẫn nhóm những khái niệm đầu tiên về IoT, thầy Mai Hoàng Đỉnh, người đã cho nhóm những ý kiến để hoàn thiện sản phẩm, thầy Nguyễn Tấn Danh, người đã ủng hộ khi biết có một đề tài về IoT trong buổi bảo vệ. Và cũng không quên cảm ơn tập thể lớp IA1262, những người bạn tuyệt vời đã đồng hành cùng các thành viên.
Các thành viên chụp ảnh lưu niệm sau khi hoàn thành buổi bảo vệ
Lời khuyên dành cho những khóa bảo vệ đồ án sau
Khi được hỏi về những lời khuyên dành cho các khóa sau, bạn Giàu nhấn mạnh hai điều: “Đầu tiên là sự tin tưởng giữa các thành viên trong nhóm rất quan trọng, vì thế các khóa sau nên qua tâm đến việc xây dựng được sợi dây liên kết vững chắc giữa các thành viên. Điều thứ 2 là nên có sự suy nghĩ kỹ lưỡng về đề tài mà nhóm mình chọn và phải đều có sự thống nhất giữa các thành viên trong team và người hướng dẫn”.
Chúc mừng cả 3 thành viên đã bảo vệ thành công đồ án tốt nghiệp và hy vọng những chia sẻ trên sẽ mang đến một cảm hứng hoặc một bài học quý giá cho các khóa sau!
Nguyên Trung – Cóc Sài Gòn