Vận dụng kiến thức về lập trình máy tính, đồ họa, âm thanh và thiết kế trò chơi, các nhóm sinh viên ĐH FPT đã phát triển thành công một số đồ án tốt nghiệp về game, dễ dàng tiếp cận giới trẻ và truyền đi thông điệp ý nghĩa.
Game Pollux – Giải cứu thành phố bị ô nhiễm ánh sáng
Pollux được dựng bởi 2 sinh viên K15 chuyên ngành Thiết kế mỹ thuật số, ĐH FPT TP. HCM: Đào Lê Nhật Tân và Hồ Thị Thanh Thảo. Tự đặt ra câu hỏi: “Tại sao nhiều lúc đứng trong thành phố không nhìn thấy ngôi sao?”, hai sinh viên băn khoăn về vấn đề ô nhiễm ánh sáng tại các đô thị hiện nay. Đó là lý do “Pollux” đã ra đời.
“Qua bối cảnh và cốt truyện của game, chúng mình muốn người chơi biết đến hậu quả của việc sử dụng ánh sáng nhân tạo một cách quá mức, để từ đó có hành động giảm thiểu các hành vi gây ô nhiễm ánh sáng”, trưởng nhóm Đào Lê Nhật Tân cho hay.
Chia sẻ về quá trình xây dựng game, Nhật Tân cho biết nhóm đã đầu tư nhiều cho giai đoạn tiền sản xuất: nghiên cứu, tìm kiếm ý tưởng, thống nhất về bối cảnh, cốt truyện, nhân vật, các tính năng sẽ đưa vào game, gameplay và định hướng mỹ thuật… Đây được cho là giai đoạn quyết định lúc dựng game có hiệu quả hay không.
Vì nhóm có 2 thành viên nên mọi việc phải làm nhanh chóng và gấp rút. “Mình và bạn Thảo làm song song về phần đồ họa hình ảnh và lập trình. Một người xử lý chính phần code và dành 2 tuần để dựng phần gameplay căn bản như điều khiển chuyển động nhân vật, cơ chế tấn công, hệ thống thanh máu, kẻ địch, camera… Một người tập trung vẽ các asset cho background và hệ thống UI để có thể đưa vào Unity”, Nhật Tân kể và cho biết phải mất 6 tháng để hoàn thiện game và gấp rút chuẩn bị phần thuyết trình để bảo vệ trước Hội đồng chấm đồ án tốt nghiệp.
“Mấy tuần liền, chúng mình phải dồn 100% sức lực và tinh thần cho đồ án tốt nghiệp. Cuối cùng, sản phẩm đầu ra đảm bảo được chất lượng như mình kỳ vọng và nhận được danh hiệu “đồ án thủ khoa” nên mọi thứ đều xứng đáng”, Hồ Thị Thanh Thảo cho hay.
ThS. Phan Bảo Châu (GV Thiết kế Mỹ thuật số, ĐH FPT TP. HCM), người hướng dẫn nhóm trong quá trình nghiên cứu và xây dựng sản phẩm, đánh giá: “Game Pollux mang đến trải nghiệm đồ hoạ rất bắt mắt và hấp dẫn, cốt truyện game thú vị, hệ thống thiết kế nhân vật và môi trường có chiều sâu và tạo điểm nhấn với concept ấn tượng. Nhóm sinh viên đã thành công trong việc tạo dựng một tựa game hành động vừa có tính giải trí, vừa góp phần nâng cao nhận thức về vấn đề ô nhiễm ánh sáng”.
Game KIA: Người cứu hộ động vật hoang dã
Trong đợt bảo vệ đồ án tốt nghiệp kỳ Spring 2023 vừa qua, tựa game KIA cũng được đánh giá cao. Game được xây dựng bởi 6 sinh viên chuyên ngành Kỹ thuật phần mềm, ĐH FPT Cần Thơ: Nguyễn Thế Trung, Bùi Quách Thịnh, Nguyễn Tấn An, Lê Chấn Nghiệp, Phan Phú Thịnh, Nguyễn Hoàng Phúc.
Ngay khi tìm kiếm ý tưởng cho đề tài, nhóm đã nghĩ về một tựa game vừa hấp dẫn, thu hút người chơi và vừa có ý nghĩa. “Có rất nhiều ý tưởng được đưa ra, trong đó ý tưởng giải cứu động vật hoang dã được đồng tình nhiều nhất vì nó mang tính nhân văn, có thể nâng cao ý thức con người về bảo vệ động vật, đặc biệt là các em nhỏ”, trưởng nhóm Nguyễn Thế Trung nói và cho biết KIA không chỉ là game giải trí mà còn giúp người chơi rèn luyện khả năng ghi nhớ và làm việc nhóm.
Về thiết kế, nhóm mất khoảng 2 tuần để hoàn thiện các ý tưởng và bắt tay vào làm. Các thành viên cho rằng đây là khâu khó nhất, vì 6 lập trình viên của nhóm đều “không có tế bào nghệ thuật”, nên việc thiết kế map, nhân vật… “thực sự là một thử thách lớn”.
Nhóm sử dụng công nghệ Multiplayer. Đó là một công nghệ mới mà ngay cả phần tài liệu do nhà phát triển viết vẫn chưa hoàn thiện, làm nảy sinh nhiều vấn đề. Để giải quyết các vấn đề đó, nhóm phải vừa làm, vừa nghiên cứu nhiều nguồn khác nhau để làm ra những map đẹp cho game. Ngoài ra, nhóm liên tục nghiên cứu các công nghệ mới nhất, thử nghiệm các tính năng tương tác và tối ưu hóa trò chơi để chạy trên nhiều nền tảng khác nhau.
Sau khi gửi game cho khoảng 20 lập trình viên khác để đánh giá về mặt hiệu năng và lỗi (nếu có), KIA đã thành công vượt qua giai đoạn kiểm thử và chơi được hoàn chỉnh. Nhóm vừa gửi game cho các cổng phân phối game indie để đánh giá nhằm ra mắt tựa game này.
“Quá trình học tập và rèn luyện ở ĐH FPT đã giúp chúng mình trau dồi các kỹ năng và rèn luyện bản thân. Việc đồ án được đánh giá tốt cũng là kết quả của sự cố gắng của các thành viên trong nhóm”, đại diện nhóm nói và cho biết trong tương lai sẽ hướng đến phát triển những tựa game ý nghĩa khác.
Phương Anh – FPT Edu