Tết đến xuân về, trong thời khắc gia đình quây quần đón giao thừa, nhiều cựu sinh viên Đại học FPT vẫn phải đi học, đi làm nơi đất khách nhưng tựu chung, trái tim của họ luôn hướng về quê hương.
Mang Tết vào nhà.
Không phải lần đầu đón Tết xa nhà, cựu sinh viên Phạm Thị Ngọc Châu – du học sinh Pháp vẫn thấy bồn chồn lạ. Tết cổ truyền rơi vào tuần thi cử căng thẳng, “bài vở đè ngập đầu” nhưng “theo đúng kế hoạch thì thứ Năm (29 Tết) tôi sẽ ăn bữa cơm Tất niên cùng với mấy anh chị Việt Kiều và vào mùng một Tết sẽ tụ họp bạn bè ăn bữa cơm tân niên” – Châu trải lòng.
Mặc dù khu người châu Á ở đây đã trang hoàng đẹp đẽ để chuẩn bị cho một năm mới sắp đến, hệ thống siêu thị của người châu Á cũng như châu Âu đã giảm giá mạnh các mặt hàng nhưng vẫn thiếu đâu đó chút hồn Việt. Châu nhớ lại, “Khi còn ở nhà, những ngày này tôi thường hay cùng mẹ lựa từng món đồ chuẩn bị cho Tết, ở bên đây không có không khí tưng bừng của những ngày Tết gần kề”.
Cựu sinh viên Phạm Thị Ngọc Châu.
Tết Việt trong ký ức của Châu là “mâm cơm với con gà luộc, cái bánh chưng, ít chà bông, chút dưa món và tô canh khổ qua. Nhớ bữa cơm giao thừa tối 30 cả nhà quây quần ôn chuyện năm cũ, chờ giao thừa chúc sức khỏe ba mẹ rồi hào hứng khi nhận được món tiền mừng tuổi”.
Xa quê, bận thi cử nhưng Châu vẫn cùng bạn bè tranh thủ gói bánh chưng, tụ tập cùng ăn bữa cơm thân mật, cùng nhìn lại một năm đã qua và đặt mục tiêu phấn đấu cho năm mới.
Với Châu, dù cả nhà đón Tết qua Skype thay vì “buôn” điện thoại như năm đầu nhưng bằng nhiều cách, Tết bên gia đình vẫn là điều tuyệt vời nhất. Cô bạn tâm sự “Đi học xa mới thấy tiếc khoảng thời gian ngắn ngủi những ngày Tết bên gia đình. Với tôi, Tết không chỉ là những ngày cuối tháng mười hai đầu tháng một âm lịch mà cón là những ngày tôi được ở bên gia đình, ăn mâm cơm đoàn viên”.
Ở hòn đảo Hokkaido – châu Âu trong lòng nước Nhật, cựu sinh viên Võ Thị Mỹ Quỳnh cũng có những cảm xúc đặc biệt khi lần đầu đón Tết xa nhà. Nhật Bản không đón Tết ta nên những ngày này, Mỹ Quỳnh vẫn đi làm bình thường. Bận rộn là thế nhưng cô bạn cũng tranh thủ dọn dẹp nhà cửa, chuẩn bị đồ ăn và tự thưởng cho mình một ngày du lịch ở Sapporo vào mùng 1 Tết với những hoạt động như leo núi, trượt tuyết, tắm suối nước nóng…
Cựu sinh viên Võ Thị Mỹ Quỳnh.
Nhớ lại không khí Tết Việt, Quỳnh trân trọng giây phút đoàn tụ với gia đình, là chúc Tết người lớn nhận lì xì, thăm hỏi họ hàng, tụ tập bạn bè… “Giờ phút này mình thèm cảm giác cùng mẹ đi chợ, làm đồ cúng ông bà, đưa ông Táo về trời lắm lắm” – Quỳnh tâm sự.
Hiện Quỳnh đang là lập trình viên tại Công ty PISE. Những năm qua, Quỳnh đóng vai trò là “cầu nối” giữa PISE và Đại học FPT trong việc tuyển dụng nhân lực cho công ty. Được biết qua năm mới, có 6 cựu sinh viên FPT sẽ sang đây làm việc. “Năm sau, chắc chắn mình sẽ cùng mọi người mở tiệc đón Tết với nhau” Quỳnh hào hứng nói.
Tuy không có không khí Tết, một mình ở đất khách nhưng cựu sinh viên Đoàn Hồ Anh Triết – du học sinh Đức cho biết cậu có cơ hội giới thiệu đến bạn bè quốc tế hiểu thêm về văn hóa đón Tết cổ truyền của Việt Nam.
“Cộng đồng người Việt ở thành phố mình ở không lớn nên thực sự cũng chẳng có gì. Đây cũng là giai đoạn sắp thi kết thúc học kỳ nên khá bận rộn, mình chỉ có một vài buổi đi ăn hay đi bar với bạn bè thôi”. – Triết chia sẻ.
Cựu sinh viên Đoàn Hồ Anh Triết, áo vàng.
Nhớ lại những ngày trước Tết, Triết thích không khí vui chơi thoải mái, không phải lo nghĩ của mọi người, nhớ hai ngày đầu tiên dành cho gia đình, nhớ những lần tụ tập cà phê cùng bạn bè… “Hai bên nội ngoại của mình đông lắm nên cứ đến thăm từng nhà cũng đủ hết hai ngày (nhờ vậy mà được lì xì nhiều). Mùng 3 trở đi thường là thăm thầy cô hoặc tụ tập cùng bạn bè”.
Nhân dịp năm mới, Triết cũng không quên gửi lời chúc tới thầy cô, cán bộ nhà trường đã giúp đỡ cậu trong những năm tháng sinh viên tại Trường. Chia sẻ dự định trong tương lai, cậu bạn mong muốn học tập lên tiến sĩ và trở thành một Data Scientist.
Công tác nước ngoài liên miên nên việc đón Tết xa nhà đã không còn lạ lẫm với cựu sinh viên Nguyễn Thanh Hòa. Trong đợt công tác Hàn Quốc kéo dài từ đầu 2016 đến giữa 2017, cậu đảm nhiệm với trọng trách nặng nề hơn, làm Kỹ sư cầu nối và team leader cho dự án hai triệu đô của Công ty FPT Software.
Hàn Quốc dù hiện đại hoá, kinh tế phát triển, nhưng vẫn bảo tồn, duy trì ngày Tết truyền thống. Những người trẻ ai cũng lên thành phố kiếm việc, cả năm cống hiến cho công việc, vì vậy Tết là ngày hiếm hoi quý giá mọi người trở về quê quây quần bên người thân, lòng hướng về tổ tiên. “Bản thân mình cũng có cảm xúc tương tự thế, chỉ muốn được về với gia đình và đón một cái Tết đầm ấm thôi. Mình nhớ nhất buổi sáng mùng 1 Tết, sau khi chúc Tết bố mẹ, cảm nhận một cốc cafe sữa đá đậm chất Ban Mê, bước ra phố và được cảm nhận bầu không khí trong lành, tuy vắng vẻ nhưng yên bình lạ thường”.
Cựu sinh viên Nguyễn Thanh Hòa.
Dù điều kiện thiếu thốn nhưng Hòa và một số bạn bè ở FSoft Hàn Quốc sẽ cùng nhau làm bữa cơm thân mật vào tối 30, quây quần cùng xem Táo quân và du xuân ngày mùng 1.
“Dù xa nhà nhưng mình vẫn sẽ gọi điện chúc Tết gia đình và người thân thông qua internet, chat với bạn bè và không quên check Facebook – nơi mình có thể cảm nhận một góc không khí Tết quê nhà mà bạn bè chia sẻ.
Bày tỏ về ý nghĩa ngày Tết cổ truyền, Hòa cho biết “Đi xa mới quý cái Tết quê nhà. Thời sinh viên hay đi làm, dù có xa nhà đi nữa, nhưng đến ngày cận Tết cũng đều khăn gói trở về nhà chung vui cùng mọi người, bởi không đâu bằng nhà mình. Chuyến đi này làm mình trưởng thành hơn trong suy nghĩ. Tết giờ đây đối với mình ý nghĩa hơn nhiều. Cảm giác được quây quần sum họp với gia đình là một điều quá tuyệt vời”.
Minh Cúc