Theo đánh giá của các thầy cô giảng dạy bộ môn Thiết kế đồ họa tại FPT Edu, “Chạm” là chủ đề khá rộng nên các thí sinh có thể khai thác ở nhiều góc độ. Tuy nhiên, lựa chọn những đề tài hướng tới cộng đồng sẽ có tính phù hợp cao và có khả năng tiến xa trong cuộc thi năm nay.
Thí sinh nên tập trung vào các dự án cộng đồng
Giảng dạy bộ môn Thiết kế đồ họa tại ĐH Greenwich (Việt Nam), ĐH FPT và CĐ Quốc tế BTEC (cơ sở Hồ Chí Minh), cô Phan Mai Chi nhận thấy các bạn sinh viên hiện đang gặp lúng túng trong việc chọn đề tài, lên ý tưởng khi FPT Edu Color Up 2020 đưa ra chủ đề không quá khó nhưng lại khá rộng như “Chạm”. Vì vậy, các bạn sinh viên nên trao đổi với các thầy cô để xác định mục tiêu rõ ràng trước khi bắt tay vào thực hiện.
Các thí sinh nên tập trung vào đề tài mang tính cộng đồng để phù hợp với chủ đề cuộc thi
Với một chủ đề mang tính cảm xúc nhiều như “Chạm”, cô Chi gợi ý các bạn sinh viên nên tập trung vào dự án vì cộng đồng nhiều hơn vì nó sẽ phù hợp và đúng chủ đề cuộc thi. Đối với bảng Digital Design, sinh viên chỉ cần có “big idea” và “key message” là sẽ chủ động thực hiện một cách dễ dàng. Riêng với bảng Graphic Design, các bạn sinh viên nên làm bộ nhận diện cho chiến dịch truyền thông để các sản phẩm có tính hệ thống cũng như người làm dễ dàng triển khai hết ý đồ của mình.
Lấy ví dụ về chiến dịch truyền thông chống lại “Body Shaming”, các bạn sinh viên có thể làm một bộ poster truyền tải “tiếng nói của nạn nhân” cũng như lan tỏa thông điệp để cộng đồng chung tay đẩy lùi tình trạng này, giúp các nạn nhân của body shaming vượt qua áp lực trong cuộc sống.
Cẩn thận với các sản phẩm mang tính thương mại
Ngay từ khi phát động cuộc thi, cô Phạm Thị Hải Vân (GV Thiết kế đồ họa tại FPT Polytechnic Hà Nội) đã gợi ý các bạn sinh viên nên lựa chọn những đề tài mang tính xã hội, hướng tới cộng đồng, khơi gợi lòng trắc ẩn của người xem. Theo cô Vân, “Chạm” là một chủ đề rất rộng nên các bạn sinh viên cần tìm một góc độ và xoáy sâu vào nó để đạt được hiệu quả cao nhất.
Cô Hải Vân cũng khuyên thí sinh chọn đề tài hướng tới cộng đồng và không đề cao tính thương mại nếu đi theo hướng branding
Lấy ví dụ về đề tài Covid-19, các thí sinh có thể lựa chọn câu nói truyền cảm hứng “Không để ai bị bỏ lại phía sau trong đại dịch” của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc; câu chuyện về các bác sĩ sẵn sàng xung phong lên tuyến đầu chống dịch làm ý tưởng để triển khai. Hay đối với sự kiện lũ lụt vừa qua, hình ảnh từng đoàn xe chuyển hàng cứu trợ từ mọi miền tổ quốc về với miền Trung, những chiến sĩ ngâm mình trong biển nước để ứng cứu từng gia đình cũng là những khía cạnh để các thí sinh năm nay truyền tải bằng ngôn ngữ nghệ thuật của mình.
Đối với các thí sinh và đội thi lựa chọn tranh tài ở bảng Graphic Design, cô Vân cho rằng sản phẩm là poster hoặc bộ poster thì nên đi theo hướng tuyên truyền, cổ động về một vấn đề cụ thể đang được xã hội quan tâm. Còn nếu làm theo hướng branding thì vẫn phải “xoay” về việc kiến tạo giá trị cho cộng đồng chứ nếu chỉ đơn thuần mang tính quảng cáo, thương mại thì ý nghĩa sẽ bị nông.
Chẳng hạn đối với quảng bá sản phẩm của một công ty sản xuất mì tôm, thí sinh có thể thiết kế poster mang thông điệp lan tỏa yêu thương “Mua 1 gói – Góp 1000đ”. Ngoài ra thí sinh cũng có thể lựa chọn làm bộ nhận diện cho các sự kiện về văn hóa.
“Nhìn chung, nếu đã chọn làm branding thì sản phẩm nhận diện thương hiệu/sự kiện phải có ích cho cộng đồng và xã hội chứ không đơn thuần chỉ mang tính thương mại, quảng cáo đem bán mặt hàng”, chị Vân nhấn mạnh.
Theo FPT Edu