Một môi trường học sạch, lành mạnh để giáo dưỡng và phát triển những nhân cách hoàn chỉnh mới là điểm đặc biệt của Đại học FPT.
Ngày cấp 3, với tính cách nghịch ngợm và nóng nẩy, Phan Thế Tùng nhiều phen “bốc hỏa”, đánh nhau “bươu đầu, mẻ trán” với bạn học. Thế nhưng Vovinam và các phong trào, hoạt động sinh viên của ĐH FPT đã làm Tùng thay đổi. Em đã điềm tĩnh và chín chắn hơn.
Cũng không phải ngẫu nhiên Vovinam trở thành một môn học chính thức trong chương trình giáo dục thể chất của nhà trường. Đưa Vovinam vào giảng dạy cho sinh viên chỉ là một trong những hành động khẳng định một cương lĩnh quan trọng mà ĐH FPT đề ra từ ngày đầu thành lập: “Tôn vinh và xây dựng các giá trị nhân bản, hướng về cội nguồn, rèn luyện tinh thần, đạo đức và lối sống cho sinh viên bên cạnh việc phát triển năng lực chuyên môn”.
Thầy Nguyễn Hoàng Tùng, Bộ môn Giáo dục thể chất – ĐH FPT, khẳng định: “ĐH FPT xem Vovinam không những là phương tiện để phát triển thể chất mà còn là một nhân tố phát triển nhân cách, rèn luyện cho sinh viên cốt cách, kỷ luật, phong thái đường hoàng điềm tĩnh của con nhà võ”.
“Học Vovinam, sinh viên không chỉ được rèn luyện về sức khỏe thông qua các bài tập về võ lực, võ thuật, mà còn được rèn luyện về tư cách đạo đức cũng như tinh thần yêu nước thông qua tinh thần võ đạo mà Vovinam mang đến”, sinh viên Bùi Hữu Phúc nhận xét.
Phúc cũng kể, trước khi học Vovinam, những bất đồng ý kiến hay những bất hòa nhỏ giữa cậu với bạn bè thường trở thành mâu thuẫn, gây cãi nhau lớn; từ khi học võ, cậu biết cách kiểm soát tốt hơn cảm xúc của mình và dường như cũng chín chắn, trưởng thành hơn.
Không chỉ có Vovinam hàng tuần, Đại học FPT cũng đang biến những môn học bị “coi nhẹ” ở các trường khác thành những bài giáo dục bổ ích cho sinh viên.
Trên Blog của mình, Tiennguyen tâm sự: “Mấy bạn học Phương Đông hay Ngoại Thương cứ đi học xong là về nhà đan len,
ca hát; bọn mình ngoài học vất vả hơn, chiều về phải thi đấu các giải thể thao, tối phải đọc ba quyển hồi ký dày cộp của các tướng lĩnh Việt Nam. Thứ 7, Chủ nhật, các trường khác được về, còn trường mình hì hục đi lao động giúp dân. Trường còn mời cả Thượng tướng Hoàng Minh Thảo, Trung tướng Hồng Cư và các nhà lãnh đạo của các tập đoàn nổi tiếng tới nói chuyện với tụi mình”. Cũng theo Tiennguyen, chuyện đang “say giấc nồng” mà phải bật dậy gói gém đồ đạc, mắt nhắm mắt mở lên đường hành quân đêm hay chuyện một người mắc lỗi cả phòng bị kỷ luật đi dọn nhà vệ sinh hoặc đi vác củi là “chuyện thường ngày ở huyện”.
“Chính sự nghiêm khắc ấy đã giúp cho chúng em rèn luyện được tác phong nhanh nhẹn, ý thức kỷ luật trong học tập và công việc, đồng thời hiểu được giá trị của công sức lao động”, Bùi Hữu Phúc chia sẻ.
Vừa qua, các khóa về nhạc cụ dân tộc được đưa vào giảng dạy sinh viên. Khóa học đã giúp các em học cách cảm thụ âm nhạc, cảm thụ nghệ thuật, cũng như hiểu được những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc. Một sinh viên sau khi tham gia vào khóa học ca trù đã nhận xét rằng em đã có “những trải nghiệm quý giá và thú vị” mà thường ở tuổi 18 các em khó có được.
“đàn bầu làm cho lòng tự hào dân tộc của em thêm vững chắc và lớn mạnh. Bản thân em cũng tự cảm thấy trưởng thành và chín chắn hơn sau khóa học này”, sinh viên này viết.
Là một “tín đồ” của các hoạt động sinh viên do Phòng Phát triển cá nhân tổ chức, Nguyễn Anh Quân cũng cho rằng nhà trường nên tổ chức nhiều hơn nữa những hoạt động bổ ích như vậy, bởi các phong trào này không chỉ tạo ra một sân chơi lành mạnh, bổ ích cho sinh viên mà còn giúp sinh viên có ý thức giữ gìn và mong muốn phát huy các giá trị nghệ thuật vốn có của dân tộc.
Không chỉ đề cao các hoạt động nghệ thuật, dựa theo sở thích và nguyện vọng của sinh viên, rất nhiều các CLB từ sở thích, học thuật, thể thao đến kinh doanh… đã được ĐH FPT hỗ trợ thành lập và hoạt động sôi nổi. Các bạn sinh viên yêu thích âm nhạc có thể tham gia vào CLB Ghi-ta, CLB Hiphop. Muốn thử sức kinh doanh, họ có thể tham gia vào CLB Marketing của trường.
Nhưng trên hết, Đại học FPT đã tạo ra được một môi trường “trong lành” cho sinh viên phát triển.
Theo Bùi Xuân Cảnh, điều khiến cậu thích nhất khi học tại đây là “không có hiện tượng chạy trường, chạy điểm”; các thầy cô đã gián tiếp dạy cho sinh viên bài học “tự lực cánh sinh”, nghiêm túc trong học tập và công việc.
Nguyễn Đăng Phương cho rằng cái được nhất mà cậu nhận được tại ĐH FPT, không phải là kiến thức sách vở về lập trình hay công nghệ, bởi “những cái đó đều có thể tự học được”. Theo cậu, cái lớn nhất mà trường đã dạy cho cậu đó là cần phải biết phát triển bản thân thông qua việc hoàn thiện một số kỹ năng, đồng thời phải sống một cách nghiêm túc, chính trực.