Tự hào dân tộc qua những giai điệu hòa tấu nhạc cụ truyền thống

Kết hợp âm thanh của nhiều loại nhạc cụ truyền thống để tạo nên những âm hưởng du dương, những tiết mục hòa tấu của sinh viên Đại học FPT tại vòng chung kết FPT Edu Tích Tịch Tình Tang giúp người xem vun đắp tình yêu và niềm tự hào dân tộc.

Hòa tấu “Hồn thiêng đất Việt” – FPTU Hà Nội

Hội tụ 9 tay trống cừ khôi, tiết mục hòa tấu “Hồn thiêng đất Việt” đã mang đến vòng chung kết FPT Edu Tích Tịch Tình Tang một màn biểu diễn với âm hưởng hào hùng.

Lấy cảm hứng từ những dấu ấn, sự kiện lịch sử như trận đánh cờ lau, thuở Nam quốc sơn hà, cho tới linh hồn Trống Đồng, sự tích con Rồng cháu Tiên, “Hồn thiêng đất Việt” khiến người xem như chìm đắm trong những trang vàng lịch sử, trong cái không khí hào hùng của thời kỳ mang gươm đi mở cõi.

hoa tau nhac cu
Tiết mục hòa tấu “Hồn thiêng đất Việt” đã khiến cả khán trường dường như bùng cháy

Với sự phối hợp nhuần nhuyễn giữa các động tác trống, sự phối hợp ăn ý giữa các thành viên, “Hồn thiêng đất Việt” như khiến khán trường như bùng cháy. Mỗi tiếng trống như một nhịp bước chân hùng dũng và đầy khí thế của đội quân đất nước, sẵn sàng giao chiến để bảo vệ độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, bảo vệ nét đẹp văn hóa dân tộc.

Hòa tấu đàn tranh “Hò kéo pháo” – FPTU Hà Nội

“Hò kéo pháo” là bài hát của nhạc sĩ Hoàng Vân, được ông sáng tác năm 1954, trong chiến dịch Điện Biên Phủ. Đây cũng là thời điểm Hoàng Vân được chứng kiến mọi diễn biến của chiến dịch, thấy được những gian nan vất vả của bộ đội ngày đêm phải đưa những cỗ pháo nặng hàng tấn vượt qua dốc núi chiếm lĩnh trận địa. Những tấm gương hi sinh anh dũng như anh hùng Tô Vĩnh Diện, Phan Đình Giót và bao đồng đội đã thôi thúc nhạc sĩ viết nên lời bài hát.

Tuy nhiên, ở chung kết FPT Edu Tích Tịch Tình Tang, cũng là bài ca “Hò kéo pháo”, nhưng thay vì những tiếng dô hò, thì người xem được thưởng thức cái không khí hào hùng ấy qua từng nhịp điệu của tiết mục hòa tấu đàn tranh đến từ nhóm sinh viên ĐH FPT Hà Nội.

hoa tau nhac cu1
Tiết mục trình diễn hòa tấu đàn tranh “Hò kéo pháo” đã đem tới những cảm xúc khác biệt cho người xem

Tiếng đàn tranh lảnh lót tưởng chừng chẳng thế nào tái hiện được những âm thanh hào hùng, nhưng khi được kết hợp cùng nhau lại tạo ra một hiệu ứng đặc biết khiến bất cứ ai cũng phải lắng nghe. Bằng cách này, tiết mục “Hò kéo pháo” đã đưa người nghe trở về những phút giây hào hùng của lịch sử, thêm yêu, thêm mến và cảm phục ý chí quyết tâm của ông cha.

Hòa tấu “Mã vũ xàng xê” – FPTU Hà Nội

Điệu Xàng xê là một trong những điệu nhạc cổ truyền của Việt Nam, xuất hiện trong Nhã nhạc cung đình Huế, với nhiều điệu nhạc khác nhau. Trong đó, Mã vũ xàng xê là một trong những giai điệu nổi tiếng, được ưa chuộng qua nhiều thời đại và là điệu nhạc mà bất cứ người học nhạc cụ truyền thống nào cũng ít nhất một lần được nghe.

Mang đến bản hòa tấu “Mã vũ xàng xê” tại chung kết FPT Edu Tích Tịch Tình Tang, nhóm thí sinh đến từ ĐH FPT Hà Nội đã kết hợp nhiều loại nhạc cụ truyền thống như đàn tranh, đàn bầu, đàn tì bà, đàn nguyệt, sáo và trống… để thể hiện một cách cảm xúc nhất bản nhạc.

hoa tau nhac cu2
Các thí sinh FPT Edu Hà Nội biểu diễn hòa tấu “Mã vũ xàng xê” tại chung kết FPT Edu Tích Tịch Tình Tang

Từng tiếng đàn khi thong thả, khi dồn dập khiến cảm xúc người xem cũng như thăng như trầm cùng giai điệu. Cứ như vậy, người trẻ ở FPT Edu đã đưa người xem về với những khoảnh khắc khi mà nhã nhạc cung đình Huế vẫn còn thịnh, làm sống dậy những cảm xúc tự hào và tình yêu đối với dân tộc.

hoa tau nhac cu3
hoa tau nhac cu3

 

Hải Ngân