Sinh viên Đại học FPT TP.HCM đã ứng dụng IOT trong việc xây dựng phần mềm mang tên MoniGate giúp doanh nghiệp đo thân nhiệt và theo dõi tiếp xúc người dùng trong công ty.
Nhóm sinh viên ngành Công nghệ thông, trường Đại học FPT TP.HCM gồm 3 thành viên Phạm Hoàng Bảo (trưởng nhóm), Nguyễn Hữu Tiến và Trần Nhẫn vừa bảo vệ thành công đồ án “Cổng đo thân nhiệt và theo dõi tiếp xúc người dùng”. Hội đồng bảo vệ của nhà trường đánh giá cao về tính ứng dụng của đồ án. Được biết, đồ án của nhóm được một doanh nghiệp đầu tư chi phí và đặt mua trước khi nhóm đưa ra hội đồng bảo vệ. Hiện sản phẩm đã được nghiệm thu và trong tương lai, nhóm sẽ tiếp tục mở rộng và phát triển ứng dụng ở nhiều lĩnh vực khác.
Ý tưởng triển khai đề tài được nhen nhóm từ tháng 7/2021, khi dịch bệnh Covid 19 đang diễn biến vô cùng phức tạp. Việc phát hiện và sàng lọc những nhân viên có thân nhiệt cao là một điều vô cùng cần thiết để đảm bảo an toàn cho nhân viên trong công ty. Lúc này trên thị trường, các công ty đều sử dụng phương pháp đo thủ công thân nhiệt bằng tay. Việc làm này gây mất thời gian cũng như tốn nhân lực. MoniGate ra đời nhằm khắc phục tình trạng trên, đồng thời ứng dụng này còn đưa ra nhiều chức năng hỗ trợ doanh nghiệp trong việc đảm bảo sức khoẻ cho nhân viên phòng chống dịch trong thời kỳ bình thường mới.
Các tính năng nổi bật của hệ thống có thể kể đến như Kiểm tra khẩu trang của người nhân viên; Kiểm tra nhiệt độ của người nhân viên; Ghi nhận các tiếp xúc gần của người nhân viên trong công ty; Thông báo chú ý về sức khoẻ cho nhân viên trong công ty; Hỗ trợ một phần trong việc ghi nhận chấm công của doanh nghiệp; Hỗ trợ check-in cho hai người trong cùng một lúc; Hệ thống có thể hoạt động mà không cần sự kết nối với internet.
Ưu điểm của MoniGate là có thể phát hiện và sàng lọc những trường hợp nhiệt độ bất thường của nhân viên trong công ty, cảnh báo người nhân viên về việc đeo khẩu trang trong doanh nghiệp, hỗ trợ check-in cho nhân viên và phục vụ cho mục đích chấm công của doanh nghiệp. Không những vậy, MoniGate còn cung cấp module để ghi nhận lại việc tiếp xúc của các nhân viên trong doanh nghiệp, từ đó có thể đưa ra những lời khuyên về sức khoẻ cho người nhân viên đó. Hệ thống hoàn toàn hoạt động mà không cần sự kết nối đến internet.
Chia sẻ về quá trình thực hiện đề tài, Phạm Hoàng Bảo (trưởng nhóm) cho biết “Tụi em mất 20 tuần để hoàn thiện cũng như triển khai hệ thống MoniGate với doanh nghiệp. Nhóm bắt đầu từ việc nghiên cứu thị trường, nghiên cứu và thử nghiệm các thiết bị để phục vụ các tính năng chính của cổng. Có lẽ giai đoạn đầu là giai đoạn khó khăn nhất vì mọi thứ lúc này rất mơ hồ. Nhóm em cũng đã thử nhiều loại thiết bị khác nhau để tìm ra được thiết bị phù hợp với nguồn kinh phí của cả nhóm. Không những vậy khi hợp tác với doanh nghiệp, tụi em cũng phải thuyết phục họ hỗ trợ lượng kinh phí khá lớn để cung cấp các thiết bị phù hợp cho nhóm”. Quá trình thực hiện gặp không ít khó khăn, nhân sự mỏng, khối lượng công việc đồ sộ,… nhưng các bạn đều hoàn thành sản phẩm một cách xuất sắc – Bảo cho biết thêm.
Điểm khác biệt của Monitor so với các ứng dụng khác trên thị trường là cơ chế ghi nhận lại thông tin, không phụ thuộc vào internet và các hệ thống bên ngoài (mã PC covid, dữ liệu từ cổng thông tin điện tử).
Đồ án tốt nghiệp là bài tập lớn, đồng thời là “cửa ải” quan trọng của đời sinh viên ĐH FPT. Quá trình thực hiện đồ án, các bạn đã tích luỹ cho mình nhiều kinh nghiệm quý báu như cách làm việc nhóm, cách tư duy phản biện, cách quảng bá sản phẩm…
Nhóm sinh viên chuyên ngành Kỹ thuật phần mềm đã chứng tỏ bản lĩnh không chỉ ở kiến thức chuyên ngành mà còn ở khả năng trình bày lưu loát, tự tin trong buổi bảo vệ đồ án tốt nghiệp.
“Đồ án tốt nghiệp với nhóm em không khó cũng không dễ nhưng nó mang lại nhiều trải nghiệm mới mẻ và thú vị. Theo em đây chính là cột mốc đánh dấu sự trưởng thành của người sinh viên. Sau khi hoàn tất đồ án của trường, có thành viên đã tìm được công việc như mong muốn, có thành viên quyết định đi du học. Dù vậy, nhờ có đồ án tốt nghiệp mà nhóm em hoàn toàn đủ tự tin để đi tiếp những hành trang mới trong cuộc đời” – trưởng nhóm Phạm Hoàng Bảo chia sẻ.