Cách mạng công nghiệp 4.0 không chỉ mang đến sự thay đổi lớn lao về phương thức sản xuất kinh doanh mà còn kéo theo sự biến chuyển mạnh mẽ ở các vấn đề lao động, việc làm. Đào tạo nhân lực nhằm đáp ứng sự phát triển và đòi hỏi ngày càng cao của thị trường lao động trong kỷ nguyên số là một thách thức lớn lớn với các trường đại học hiện nay.
Cuộc cách mạng Công nghiệp 4.0 dù đang ở giai đoạn đầu đã thực sự lan tỏa và bùng nổ trên khắp các quốc gia và nền kinh tế. Ở thế kỷ 21, nền sản xuất của con người đạt đỉnh cao của sự thông minh, với các ứng dụng kỹ thuật sáng tạo không ngừng, với nền tảng công nghệ số, với mạng lưới internet của vạn vật và trí tuệ nhân tạo…
Nguồn nhân lực cho kỷ nguyên số trở thành một yêu cầu cấp thiết của mọi quốc gia, dù là nước phát triển hay đang phát triển đều đang đối mặt những thách thức trong việc đáp ứng nhu cầu nhân lực của nền kinh tế kỹ thuật số với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
Ở Việt Nam, theo thống kê của Bộ Lao động và thương binh xã hội, dự báo trong những năm tới (giai đoạn 2017 – 2025), lực lượng lao động Việt Nam tăng bình quân hằng năm 1,28%, tương ứng 723.000 người/năm. Quy mô lực lượng lao động tăng từ 55,54 triệu người năm 2016 lên 62 triệu người năm 2025. Nhưng tính tới năm 2016, trong tổng số 55,54 triệu lao động của cả nước, chỉ có hơn 11,21 triệu lao động qua đào tạo có bằng cấp/chứng chỉ, chiếm 20,6%. Đáng lưu ý là, lao động được đào tạo trong các ngành kỹ thuật, công nghệ cao còn chiếm tỷ trọng thấp.
Trả lời phỏng vấn báo Vietnam.net về câu chuyện đào tạo nguồn nhân lực trong kỉ nguyên số, ông Tạ Ngọc Cầu – Phó giám đốc cơ sở Hòa Lạc chia sẻ rằng hiện nay có rất ít trường Đại học bắt đầu có những hành động cụ thể để thích nghi được với Cách mạng 4.0 còn hầu hết đang bị lỡ, bị chậm nhịp. Có một khoảng cách đáng kể giữa nhu cầu và khả năng đáp ứng của các trường đại học Việt Nam về nguồn nhân lực.
“Chúng ta thiếu 2 cái, thứ nhất về số lượng. Hiện giờ các doanh nghiệp Việt Nam đặc biệt doanh nghiệp về CNTT, số lập trình viên thiếu trầm trọng, riêng đào tạo về CNTT của Đại học FPT chưa đủ cung cấp cho một doanh nghiệp lớn như công ty phần mềm của FPT chứ chưa nói tới rất nhiều doanh nghiệp khác. Số lượng đã thiếu, thêm một cái nữa là về chất lượng nguồn nhân lực, rất nhiều sinh viên ra trường không bắt nhịp được vào và doanh nghiệp mất 6 tháng – 1 năm đào tạo lại.”- Ông Cầu cho biết.
Trước tình trạng thiếu lao động có trình độ, có kỹ năng, có ngoại ngữ và tác phong làm việc tiêu chuẩn quốc tế của Việt Nam vẫn đang khá trầm trọng, đào tạo nhân lực trong kỷ nguyên số là một thách thức lớn cho hệ thống nhà trường, đòi hỏi ngành giáo dục, các trường cao đẳng- đại học phải có những bước cải cách mạnh mẽ hơn, có sự đầu tư thích hợp để kéo gần khoảng cách cung-cầu lao động chất lượng cao.
Theo ông Tạ Ngọc Cầu, lợi thế rất lớn của các trường Đại học Việt Nam ít nhiều là vì đi sau, có thể hấp thu, tiếp thu các trường hàng đầu trên thế giới. “Tôi cho rằng, nhà trường, các trường đại học có thể có những bước tiến rất nhanh để đáp ứng yêu cầu của các doanh nghiệp trong cách mạng công nghiệp 4.0 – đó là cuộc cách mạng về chương trình, nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên. Các trường cần sử dụng đội ngũ giảng viên trẻ, có nền tảng công nghệ tốt, được đào tạo ở nước ngoài, tiếng Anh tốt. Thêm vào đó, các trường cần gắn kết doanh nghiệp, đào tạo không chỉ là những sinh viên có kiến thức tốt mà là những con người đa năng có các kĩ năng xã hội tốt, tức là cả IT và IQ đều phải cao.” – Ông Cầu đặc biệt nhấn mạnh.
Tại Đại học FPT, sinh viên được đào tạo trong môi trường chuẩn quốc tế. 100% giáo trình của trường (trừ một số môn bắt buộc sử dụng giáo trình của Bộ Giáo dục và Đào tạo) nhập từ nước ngoài, có bản quyền của các nhà xuất bản nổi tiếng như McGraw Hill, Pearson, Cengage, Jones and Bartlett Learning,…
Với lợi thế trường đại học nằm trong lòng một tập đoàn dẫn đầu về công nghệ, sinh viên Đại học FPT luôn được tiếp cận và cập nhật liên tục với những xu hướng công nghệ mới nhất, những tri thức CNTT hiện đại của thế giới. Bên cạnh lý thuyết, sinh viên Đại học FPT có điều kiện thực hành lý tưởng thông qua những bài tập, dự án tại trường và học hỏi, làm việc ở các công ty lớn trong nước. Đại học FPT là trường đầu tiên tại Việt Nam áp dụng mô hình On the job trainning tại doanh nghiệp, 100% sinh viên thực tập bắt buộc từ 4-8 tháng tại doanh nghiệp để tích lũy và rèn luyện kĩ năng làm việc.
Bên cạnh việc học tập, thực hành, các chương trình Phát triển cá nhân của Đại học FPT mang đến cho người học cơ hội để hoàn thiện các kĩ năng sống thông qua những hoạt động ngoại khóa sôi nổi. Các hoạt động này mang giúp sinh viên Đại học FPT tự tin, năng động – đây chính là một trong những điểm cộng mà hầu hết doanh nghiệp đều hài lòng khi nói về sinh viên Đại học FPT. Những điều này đã tạo ưu thế cạnh tranh vượt trội cho sinh viên của trường sau khi tốt nghiệp nhanh chóng thích nghi với môi trường làm việc, có thể làm việc tại bất cứ đâu.
Trong kỷ nguyên số, việc doanh nghiệp áp dụng công nghệ cao là điều tất yếu và là lẽ sống còn trong thời hội nhập với tính cạnh tranh khốc liệt hiện nay còn đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động là thách thức của các trường đại học. Các trường cần có bước cải cách mạnh mẽ, có sự đầu tư thích hợp để kéo gần khoảng cách lao động cung – cầu hiện nay.
PV
Năm 2017, Đại học FPT tuyển sinh các khối ngành: khối ngành Khoa học – Kĩ thuật, khối ngành Kinh tế – Xã hội, khối ngành Mỹ thuật ứng dụng.
Thí sinh thực hiện đăng ký xét tuyển vào trường Đại học FPT theo 1 trong 3 cách: Đăng ký xét tuyển trực tuyến trên website của trường; Gửi hồ sơ qua bưu điện; Đăng ký xét tuyển trực tiếp tại văn phòng tuyển sinh.