Sự phát triển thương mại điện tử và công nghệ quảng cáo trong thời gian gần đây đã làm cho ngành Thiết kế đồ hoạ trở nên hấp dẫn hơn trước. Trong giai đoạn chọn ngành, chọn trường, nhiều bạn trẻ tìm hiểu ra trường làm gì hoặc trường nào đào tạo nhưng ít ai quan tâm nhu cầu nguồn nhân lực của ngành hiện nay như thế nào?
Theo thống kê giữa năm 2017, cả nước có hơn 3.000 công ty quảng cáo lớn nhỏ, trong đó có 30% là các doanh nghiệp nước ngoài, các công ty đa quốc gia với sự góp mặt đầy đủ của các “ông trùm” trong ngành như Dentsu, Ogilvy, Richard Moore,… Nhu cầu thiết kế các ấn phẩm truyền thông, quảng cáo, hệ thống nhận diện thương hiệu bởi thế mà ngày càng tăng cao, đòi hỏi một lượng lớn nhân sự thiết kế đồ họa vững tay nghề. Sự phát triển của các doanh nghiệp trong lĩnh vực này đã tạo ra cơ hội làm việc lớn cho sinh viên theo học ngành Thiết kế đồ họa.
Trên các trang tuyển dụng như Vietnamworks, Jobstreet, timviecnhanh.com có thể dễ dàng nhìn thấy rất nhiều mẩu tin quảng cáo tuyển dụng vị trí thiết kế đồ họa với mức lương bình quân khởi điểm từ 500-800USD/ tháng, thậm chí 1.000USD/ tháng.
Mỗi năm nước ta cần hơn 1.000.000 nhân lực cho ngành thiết kế đồ họa. Thế nhưng các cơ sở đào tạo chỉ đáp ứng được 40% nhu cầu nhân lực cho ngành nghề đắt giá này. “Khát” nhân lực đã mở ra cơ hội việc làm ngày càng hấp dẫn cho các sinh viên ngành Thiết kế đồ họa.
Cách đào tạo khác biệt của ĐH FPT
Thiết kế đồ họa là ngành học của sự sáng tạo, không gò bó, đòi hỏi việc đầu tư tối đa chất xám và trí tuệ. Mỗi đứa con tinh thần của designer phải có sự khác biệt về cách thức thể hiện, nội dung, không có chuyện lặp đi lặp lại một thiết kế cho các sản phẩm. Nếu không có sự sáng tạo, tác phẩm sẽ không được chấp nhận hoặc nhanh chóng bị đào thải. Sáng tạo không phải là một tố chất chỉ bẩm sinh mới có, mà là thứ có thể học hỏi và luyện tập được.
Ngành Thiết kế đồ họa dùng hình ảnh để giúp người khác hiểu mọi điều mà không cần đến ngôn ngữ diễn đạt. Các bạn trẻ muốn theo đuổi đam mê này, cần phải rèn luyện sự sáng tạo, năng động, và khả năng quản lý công việc.
Tại một triển lãm cuối kỳ môn học Drawing of Portrait (vẽ chân dung), thầy Nguyễn Viết Tân – Chủ nhiệm bộ môn Thiết kế Đồ họa, trường Đại học FPT cho biết điểm số của sinh viên được tổng hợp từ chính nhận xét, đánh giá những người tham quan và thưởng lãm tranh. Buổi triển lãm không chỉ là cơ hội để các bạn sinh viên trưng bày sản phẩm mà còn lắng nghe nhận xét của người xem để hoàn thiện hơn. Cách học chủ động và khách quan sẽ phát triển năng lực sinh viên.
“Diễn tả chi tiết chỉ thuần túy là sự sao chép thực tế. Ngành Thiết kế đồ họa của trường Đại học FPT, chúng tôi không đặt nặng tính diễn tả mà đẩy mạnh sự chắt lọc, gợi mà không tả để sinh viên phát triển tư duy theo hướng sáng tạo cá nhân nhiều nhất. Đồng thời, giúp sinh viên tiếp thu ý kiến khách quan để học cách lắng nghe, hoàn thiện sản phẩm”.
Không chỉ đào tạo sinh viên Thiết kế Đồ họa trên nền tảng công nghệ, trường Đại học FPT tổ chức các chuyến trải nghiệm, tham quan doanh nghiệp…Từ đó, kích thích khả năng sáng tạo, đồng thời gặp gỡ nhà tuyển dụng từ khi còn ở giảng đường đại học, giúp sinh viên hình dung rõ hơn ngành Thiết kế đồ hoạ ra trường làm gì.
Với 3 chuyên ngành hẹp: Thiết kế thời trang, Thiết kế nội thất, Đồ họa máy tính, sinh viên tốt nghiệp Đại học FPT có thể trở thành Chuyên viên tư vấn, thiết kế tại các doanh nghiệp, công ty quảng cáo, xưởng thiết kế, công ty truyền thông, Studio nghệ thuật; Giám đốc sáng tạo; Giảng viên thiết kế…
Thiết kế đồ họa ứng dụng đa phương tiện là xu thế truyền thông thời đại mới. Đây là một ngành học vô cùng hấp dẫn đối với các bạn yêu thích nghệ thuật, đam mê sáng tạo.
Theo Giáo dục TP.HCM