Sinh ra và lớn lên tại đất cảng Hải Phòng, chàng cựu sinh viên Trần Huy Đức (sinh năm 1990) đã từng có ý định ấp ủ làm kinh doanh từ lúc còn ngồi trên ghế nhà trường. Trong suốt quá trình học tại Đại học FPT, Huy Đức đã lăn lộn làm thêm ở một số doanh nghiệp nhưng bản thân lại muốn đột phá, muốn thoát mình khỏi phận làm thuê.
Ôm mộng làm chủ khi còn là sinh viên năm 3
Ý chí ấy thôi thúc Huy Đức không ngừng tìm kiếm, không ngừng học hỏi để tìm ra con đường đi riêng của mình. Và ý tưởng kinh doanh đầu tiên lóe sáng lên trong đầu Huy Đức là kinh doanh đặc sản quê hương mình – bánh mỳ Hải Phòng.
Có lẽ rất nhiều người khi nhắc đến bánh mỳ Hải Phòng đều xuýt xoa vì nó có một hương vị vô cùng đặc biệt, khó có thể lẫn với những loại bánh mỳ khác trên thị trường. Và với suy nghĩ đó, Huy Đức đã mạnh dạn xây dựng thương hiệu bánh mỳ Hải Phòng chất lượng vừa để quảng bá cho quê nhà, vừa thực hiện ước mơ của bản thân mình.
Chàng sinh viên ấy đã không hề chần chừ, do dự; cậu đã nhập bánh mỳ que từ Hải Phòng ra Hà Nội để bán. Vì vốn ban đầu không nhiều và cũng vì chưa có nhiều kinh nghiệm nên cậu bán cho bạn bè thân quen là chủ yếu. Cũng bởi chất lượng bánh mỳ, sự nhiệt tình của chàng sinh viên năm 3 đại học FPT mà rất nhiều bạn bè của Đức đã ủng hộ lâu dài.
Thành công chính là dám thất bại!
Sự nghiệp kinh doanh bánh mỳ quê nhà bắt đầu bằng việc bán online, mỗi ngày khoảng chừng 30 cái. Và cứ thế, tích tiểu thành đại, khi trong tay có một chút vốn thì Huy Đức đã thuê thêm gian hàng để bán ở các hội chợ khi có điều kiện. Số lượng bánh mỳ bán ra ở các hội chợ lên đến hơn 1.000 chiếc; nhưng tình hình không được khả quan… Dù vậy cậu không hề nản lòng!
Sau một năm dày công gây dựng thương hiệu cũng như bán hàng online thì cậu đã nhận lại được khá nhiều phản hồi tích cực từ khách hàng. Vậy là cửa hàng bánh mỳ que từ đó mà hình thành.
Nhưng khó khăn vẫn chưa hết. Tiền thuê mặt bằng, tiền sắm dụng cụ, bàn ghế… là một vấn đề lớn đối với Huy Đức lúc đó; và cậu đã rủ rê một người bạn cùng góp vốn kinh doanh. Vì thời gian ban đầu, lượng khách chưa nhiều, gặp thêm một vài khó khăn nên sau 3 tháng chung vốn, bạn của Đức đã rút vốn. Đó là thời gian Đức rơi vào khủng hoảng nặng nề, đến mức cậu đã phải ăn bánh mỳ cả tháng trời…
Đức vẫn không quên tháng năm nhọc nhằn đó, cậu tâm sự: “Tất tần tật các công việc lớn nhỏ cửa hàng lúc đó đều do một tay mình cáng đáng. Có nhiều tuần không về nhà, mình ngủ luôn ở của hàng vì dọn dẹp xong, ngẩng lên đã 2 giờ đêm, 5h sáng hôm sau phải dậy sớm lấy hàng, dọn hàng để bán”. Khó khăn là vậy, đơn độc là vậy nhưng Đức chưa bao giờ từ bỏ. Bởi với cậu, thành công chính là dám thất bại.
Trong khoảng thời gian đó, bạn gái của Đức (giờ là vợ) đã thôi việc ở một công ty để giúp cậu kinh doanh. Sau 4 tháng, công việc kinh doanh khá khẩm hơn, Đức có thêm nguồn hỗ trợ nên doanh thu cũng tốt lên trông thấy. Cậu hớn hở chia sẻ “Số bánh bán ra cứ tăng dần từ 30, 40, 100 và bây giờ là gần 1.000 chiếc mỗi ngày”.
Cửa hàng bánh mỳ của Trần Huy Đức sau một năm hoạt động đã được nhiều người biết đến vì chất lượng tốt, dịch vụ tận tình, chu đáo. Lượng khách ngày càng đông, khách vừa ăn ở quán, khách vừa gọi mang đến tận nhà nên cậu đã thuê đội shipper. Nhưng nhận được một vài phản hồi thiếu tích cực về việc làm ăn không chu đáo của đội shipper, một lần nữa Huy Đức lại phải suy nghĩ.
Và không lâu sau, đội ngũ vận chuyển chuyên nghiệp lấy tên Giao hàng Ong Vàng đã ra đời; được đào tạo vô cùng bài bản, chuyên nghiệp từ cách nói chuyện với khách, giao hàng cho khách. Đến nay đội shipper Ong Vàng đã có 18 thành viên, mỗi tháng nhận giao từ 150 – 200 đơn hàng.
Ông chủ trẻ đầy bản lĩnh Trần Huy Đức vô cùng phấn khởi khi người dùng càng ngày càng đánh giá cao dịch vụ của đội Ong Vàng.
Sau bao nhiêu sóng gió và thất bại, đến nay doanh thu hàng tháng của bánh mỳ Huy Đức lên tới hơn 200 triệu đồng. Chàng cựu SV Đại học FPT nhờ dám dấn thân và không từ bỏ khi thất bại cuối cùng đã hái được quả ngọt sau tháng ngày tưởng như phải đóng cửa.
Theo Dantri