Workshop “Xác định giá trị bản thân trong công việc” dành cho cựu SV ĐH FPT

Chương trình “Hotline bảo trì 131” số 1 với chủ đề: Xác định giá trị bản thân trong công việc diễn ra vào 20 giờ ngày 25/11/2021. Chương trình do Ban chấp hành lâm thời Hội Cựu sinh viên FPT tổ chức hứa hẹn đem lại nhiều điều thú vị mà có thể bạn chưa có cơ hội khám phá.

Đây là một điểm dừng chân lý tưởng cho tất cả các thế hệ sinh viên FPT, đặc biệt là thế hệ cựu sinh, mang đến cho bạn những kiến thức bổ ích về việc tìm hiểu và phát huy năng lực bản thân, làm cách nào để tạo những thói quen nâng cấp bản than mỗi ngày.

Tổng đài viên Nguyễn Hồng Nga và host Nguyễn Hữu Duyên đang chờ đón bạn tại “Hotline bảo trì 131”

Chương trình với sự góp mặt của vị khách mời vô cùng đặc biệt, người đã truyển cảm hứng cho rất nhiều thế hệ sinh viên FPT, chị Nguyễn Hồng Nga, Nguyên trưởng phòng Phát triển cá nhân (PDP), trường Đại học FPT Hà Nội; Nguyên Giám đốc Marketing và Truyền thông công ty Hệ thống thông tin FPT. Cùng với sự dẫn dắt của anh Nguyễn Hữu Quyên, cựu sinh viên khoá 3 chuyên ngành Kỹ thuật phần mềm FPTU, hiện đang làm việc tại ZENRIN DataCom tại Nhật Bản để lắng nghe tất cả những chia sẻ của các bạn.

Mở đầu buổi nói chuyện, diễn giả Nguyễn Hồng Nga nhận định “Những bạn cựu sinh viên đã ra trường và đi làm, các bạn có những trải nghiệm riêng, có những chiêm nghiệm cá biệt của bản thân và cũng có nhiều kiến thức mới thậm chí còn giỏi hơn thầy cô”. Chị Nga hy vọng buổi nói chuyện sẽ thật thoải mái, mọi người cùng trao đổi với nhau những câu chuyện trong cuộc sống thường ngày hoặc ở công ty, nơi làm việc, “chị không chắc sẽ giúp được các em hoàn toàn những chị sẽ cố gắng giải đáp nhiều nhất những cái lăn tăn khúc mắc trong lòng, những điều các em trăn trở” – chị Nga nói.

Tổng đài viên Nguyễn Hồng Nga, Nguyên Giám đốc Marketing và Truyền thông công ty Hệ thống thông tin FPT

Câu hỏi đầu tiên được diễn giả đưa ra trong chương trình đó là “Giá trị bản thân của tôi trong công việc là gì”. Chị Nga chia sẻ “Mỗi người trong số chúng ta đều có những giá trị cốt lõi, có thể thời gian đầu bạn làm việc rất hăng say và hừng hực khí thế. Nhưng cứ khoảng 3 đến 5 năm, nó diễn ra như một chu kỳ, khi mọi thứ đã nằm trong tầm kiểm soát của bạn thì bạn lại muốn nghỉ việc để khám phá những điều mới lạ từ những môi trường khác”. Sự ham học hỏi và tìm tòi đôi khi cũng chính là một giá trị hiếm có cho bản thân mà ít người sở hữu.

Một điều nữa kìm hãm bạn trong việc phát triển giá trị bản thân đó là sự tự tin luôn luôn bị giới hạn bởi những thành công và kết quả của người khác. “Mạng xã hội phát triển khiến cho ta dễ dàng tiếp xúc với nhiều người và ngắm nhìn những bức tranh hào nhoáng họ dựng lên rồi đem về sự tự ti, áp lực cuộc sống ngày càng nặng và cuối cùng là thất bại. Bạn không thể biết đằng sau tấm màn đó là một hậu trường bừa bộn và có nguy cơ sắp sụp đổ” – chị Nga bộc bạch.

Chương trình thu hút nhiều sinh viên, cựu sinh viên, thậm chí là cả các tân sinh viên tham gia đem lại cái nhìn đa dạng và trẻ trung hơn

Tiếp nối ý kiến đó, anh Quyên, cũng đưa ra một vài ý kiến về cách thức nhìn nhận vấn đề từ nhiều phía để đem lại cái nhìn khách quan nhất dưới mô hình “tảng băng trôi” để tăng thêm phần sinh động. “Một tảng băng có lẽ chỉ nhô lên mặt nước khoảng 10% thể tích thực, còn 90% còn lại chìm sâu xuống dưới biển và ẩn náu nhiều điều bí ẩn. Để có thể di chuyển được nó cần có một lực tác động rất lớn vào phần chìm của tảng băng thì mới đủ sức khiến tảng băng rời khỏi vị trí ban đầu ”. Vấn đề cần được giải quyết từ tận gốc rễ và lấy đó làm động lực để thăng tiến. Tấm bìa của một cuốn sách không nói lên nội dung thú vị bên trong. Chúng ta không nên đánh giá một vấn đề chỉ qua những nhìn nhận bên ngoài, cần nghiên cứu bản chất sâu xa và tìm câu trả lời”.

Một phần tâm hồn trẻ thơ giữ lại trong tim chính là bước đệm đà lớn cho những phút giây thăng hoa trong công việc

Khi được hỏi “Vậy làm thế nào để phát triển những giá trị cốt lõi của bản thân”. Chị Nga trả lời “tất cả chúng ta ai cũng từng là những đứa trẻ ngây thơ trong sáng nhưng càng lớn lên, với guồng quay chóng mặt của công việc, ta đã đánh mất nét thơ ngây trong tim từ bao giờ không hay”. Sự sáng tạo và phá cách của tuổi thơ là những gam màu sặc sỡ nhất, mỗi người chúng ta cần giữ lại cho bản thân một chút hồn nhiên trong sáng của trẻ thơ và cháy hết mình với đam mê, tạo ra những phút giây thăng hoa trong công việc.

Đối với những bạn cựu sinh viên còn nhiều tự ti về bản thân và sợ mắc sai lầm trong công việc, chị Nga có lời khuyên “Trên con đường thành công chắc chắn sẽ có những lần vấp ngã và thất bại, sau mỗi lần bị thương sẽ tự khắc hình thành cho ta kinh nghiệm và sự mạnh mẽ. Thất bại như một nguyên liệu chính của món ăn cuộc đời, ai cũng phải nếm qua một lần”. Thất bại không phải là không được thể hiện giá trị bản thân mà là “dời lịch” lại một chút để chuẩn bị cho lần tới tốt hơn.

“Hotline bảo trì 131” series Talkshow dành riêng cho cộng đồng FPTU Alumni, là nơi để cựu sinh viên được lắng nghe chia sẻ nhiều kiến thức bổ ích từ chuyện đi học, chuyện đi làm từ những nhân vật quen thuộc, các diễn giả nổi tiếng trong vai trò tổng đài viên. Đây là một trong những “gói bảo hành trọn đời” của Đại học FPT.