Xét tuyển đại học 2017: Ai tư vấn ngành học cho phụ huynh và thí sinh?

VOV.VN – Từ ngày 1/4 đến ngày 20/4, học sinh lớp 12 trên cả nước sẽ nộp phiếu đăng ký dự thi THPT Quốc gia và xét tuyển ĐH, CĐ 2017.

Đến thời điểm này, nhiều học sinh, phụ huynh còn bối rối chưa biết chọn ngành nào, trường nào cho phù hợp với năng lực và sở thích.

Những quy chế mới khiến nhiều học sinh bối rối.

Theo Quy chế xét tuyển sinh đại học cao đẳng hệ chính quy năm 2017, các thí sinh được đăng ký nhiều nguyện vọng nhưng sẽ chỉ có 1 nguyện vọng trúng tuyển. Vì vậy, cơ hội bước vào cánh cửa đại học theo sở thích của mình sẽ càng khó hơn nếu ngành đó có nhiều thí sinh đăng ký xét tuyển. Thời điểm này, phụ huynh và học sinh lo lắng chọn ngành vừa phù hợp với học lực, sở trường và nhìn rộng ra có thể tính toán được nhu cầu thị trường lao động sau khi tốt nghiệp.

Chị Nguyễn Thu Hà ở quận Đống Đa, Hà Nội cho biết, con chị đang học các môn theo khối A1 và D, nên chỉ chọn những ngành có tổ hợp môn xét tuyển theo 2 khối này để đăng ký xét tuyển, hiện đã chọn được gần 10 ngành học của các trường đại học thuộc 3 khối ngành Quản trị kinh doanh, Kỹ thuật, Nông nghiệp.

Chị Nguyễn Thu Hà nói: “Thông tin rất nhiều nhưng tôi xem trên mạng là chính. Cả mẹ lẫn con đều chọn ngành dựa trên năng lực sở trường của con, dựa trên lực học và cơ hội việc làm sau này của xã hội. Khi cháu học lớp 11, tôi đã bắt đầu tìm hiểu và trong quá trình tìm hiểu, tôi vẫn tiếp tục cập nhật thông tin”.

Theo Hoàng Minh Quang, học lớp 12, trường THPT Lương Thế Vinh, các trường đã công bố đề án xét tuyển và tổ chức các đợt tư vấn tuyển sinh nhưng chỉ có chỉ tiêu tuyển sinh, các ngành nghề đào tạo, tổ hợp môn xét tuyển… còn thông tin về các ngành nghề đào tạo giới thiệu sơ sài. Vì vậy, dù đã chọn được ngành, nhưng các em chưa hiểu rõ về những ngành đó sẽ đào tạo như thế nào, có phù hợp với sở thích của bản thân hay không.

Em Hoàng Minh Quang nói: “Em lựa chọn thứ nhất là sở thích, thứ 2 là khả năng phát triển, 3 là sở trường nhưng sở trường thì chưa hợp lắm. Em cũng lên mạng xem, nhưng thông tin trên mạng cũng không nói kỹ hẳn về các ngành đấy, không có tài liệu chi tiết để mình chọn, chỉ nói là có một số ngành nghề như quản trị kinh doanh, quản trị nhân lực… Em rất bối rối, chưa biết chọn gì cho chuẩn ngành nghề, phù hợp, thành đam mê của mình”.

Năm nay, học sinh vừa phải đăng ký xét tuyển đại học cùng với thời điểm đăng ký dự thi THPT Quốc gia. Các em thi bài thi tổ hợp với nhiều môn hơn, môn Toán, Ngoại ngữ và 2 bài thi tổ hợp đều theo hình thức thi trắc nghiệm, nên cũng chưa biết kết quả thi sẽ như thế nào. Vì vậy, nhiều học sinh có học lực trung bình rất khó lựa chọn được trường phù hợp với kết quả điểm thi do chưa có định hướng nghề nghiệp rõ ràng.

Anh Phạm Trường Sơn, ở phường Thạch Bàn, quận Long Biên, Hà Nội, có con đang học lớp 12, Trường THPT Thạch Bàn cho biết: “Các cháu đăng ký nguyện vọng trước, sau này có kết quả có thể thay đổi được nguyện vọng, năm đầu tiên cũng có nhiều bỡ ngỡ. Các cháu chưa biết thi trường nào, nên phụ huynh cũng phải tìm hiểu cùng. Mình cũng không biết học lực của các con như thế nào, tự con biết học lực của bản thân, thi trường nào hợp lý là gia đình theo chứ không hướng được cho con”.

Rõ ràng, đến thời điểm này, phụ huynh và nhà trường có vai trò quan trọng trong định hướng nghề nghiệp tương lai cho thí sinh, trong đó tránh tình trạng ép buộc con học ngành nghề không yêu thích. Hiện nay, một số trường đại học, cao đẳng đã công bố tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm trong phương án tuyển sinh nhưng số liệu này hầu như chưa được kiểm định nên độ tin cậy không cao. Một số ngành nghề xã hội đang thiếu nhân lực, nhưng nếu các trường đại học, cao đẳng đào tạo nhiều thì rất có thể sau 4 đến 5 năm nữa sẽ lại dư thừa nhân lực./.

Theo VOV