ĐH FPT hiên ngang bước vào chung kết cuộc đua số

Gay cấn, hồi hộp, thích thú, phấn khích khi chiếc xe tự lái hoàn thành được cung đường mà BTC đưa ra… đó là không khí của vòng bán kết Cuộc đua số 2017 -2018 với chủ đề “Xe tự hành”.

Hôm qua (27/3) tại Nhà thi đấu Tây Hồ, Hà Nội đã diễn ra bán kết với sự tham gia của 10 đội chơi đến từ 6 trường Đại học hàng đầu khu vực miền Bắc: Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông (2 đội Cyberspare, TEAM); Đại học FPT (Winwin Spiral và Prototype); Đại học Công nghệ thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội (UET Fastest và UET )F4; Đại học Bách khoa Hà Nội (AICS Drift Racer và ICT Racing 01); Học viện Kỹ thuật Quân sự (MTA_Race4Fun) và Đại học Khoa học Tự nhiên – Đại học Quốc gia Hà Nội (CT Team).

Các đội bốc thăm và đấu cặp song song với 2 lượt đấu. Winwin Spiral và Prototype bất ngờ trở thành đối thủ của nhau.

Tại trận bán kết, các đội phải sử dụng kiến thức trong lĩnh vực lập trình, xử lý ảnh, trí tuệ nhân tạo với mục đích cho xe di chuyển với tốc độ cao nhất, xác định và tránh được vật cản xuất hiện trên đường; nhận dạng và đi đúng theo chỉ dẫn của biển báo rẽ trái và rẽ phải.

Đặc biệt, các biển rẽ trái, rẽ phải sẽ tự động thay đổi ngẫu nhiên qua từng lượt chạy để đảm bảo chính xác khả năng nhận biết biển báo của từng đội. Chiếc xe mô hình của mỗi đội theo đó sẽ tự động hoạt động mà không nhờ vào bất kỳ thao tác điều khiển, chỉ dẫn nào, khiến những đội thi góp mặt tại sân khấu cũng chỉ đóng vai trò “khán giá” và chỉ tham gia khi xảy ra trục trặc phần cứng.

Biển báo thay đổi hướng liên tục là một trong những trở ngại khiến thí sinh “đau đầu” nhất ở vòng bán kết.

Tại lượt đầu tiên, trong khi xe của các đội khác luôn gặp phải khó khăn khi gặp chướng ngại vật, nhận tín hiệu sai về hướng biển báo, có xe thì tốc độ quá chậm, cố gắng hoàn thành được 1 vòng đua… thì chiếc xe của đội Prototype- ĐH FPT lại tỏ ra cực mạnh mẽ, tốc độ vượt trội, phóng như tên bay về đích, thừa thắng xông lên, xe tiếp tục hoàn thành tiếp vài vòng nữa trong sự cổ vũ nhiệt tình của khán giả.

Xe lao vun vút về đích.

Trong khi đó xe của đội Winwin Spiral, ban đầu gặp sự cố khi vượt qua làn đường quy định, nhưng sau khi điều chỉnh thông số, chiếc xe lại vượt qua những chướng ngại vật của BTC một cách “ngon lành”.

Các khán giả cổ vũ cuồng nhiệt.

Kết thúc vòng 1, 2 đội đến từ ĐH FPT lần lượt giữa vị trí nhất, nhì: Prototype hoàn thành cung đường 42.4m với 18.1s (giây); Winwin Spiral hoàn thành trong 24.96s; 25.63s là thành tích của đội MTA_Race4Fun đến từ Học viện Kỹ thuật Quân sự; Đại học Bách khoa Hà Nội cũng có 1 đội hoàn thành trọn vẹn cung đường là ICT Racing 01 với 27.01s; Trong khi đó xe các đội khác chỉ hoàn thành được 1 số chặng trong hành trình mà BTC đưa ra.

PGS.TS Hoàng Đăng Hải (PGĐ Học viện Bưu chính Viễn thông) ấn tượng với 2 đội ĐH FPT: “Vòng 1, 2 đội ĐH FPT có phong độ tốt nhất, xe chạy rất nhanh, dường như không có va vấp gì. Tới vòng 2, các đội cần điều chỉnh thuật toán của mình, thích nghi nhanh với đường đua, không vấp phải những lỗi cơ bản.”

Vòng 2, các đội đổi sân cho nhau để đảm bảo tính công bằng, và với những vật cản có màu sắc khác nhau, việc đổi sân cũng là một thách thức lớn cho mỗi đội.

 

Những thông số nhanh chóng được hiệu chỉnh, xe được kiểm tra lại kỹ càng chuẩn bị cho vòng đấu cuối.

Các xe cạnh tranh nhau từng tích tắc, thành tích của các đội thi trước trở thành mục tiêu và động lực của các đội thi sau. Không khí hồi hộp bao trùm Nhà thi đấu Tây Hồ.

MTA_Race4Fun của Học viện Kỹ thuật quân sự trong vòng 2 thi đấu trước đã xuất sắc phá vỡ kỷ lục của chính mình tại lượt 1, vươn lên xếp vị trí thứ 2, đẩy đội Winwin Spiral xuống vị trí thứ 3. Trong khi đó đội ICT Racing 01 (Đại học Bách khoa Hà Nội) phải nhường vị trí top4 cho UET_Fastest (Đại học Công nghệ – ĐH Quốc gia Hà Nội) trong nuối tiếc.

Các thầy cô giảng viên cùng các bạn sinh viên ĐH FPT đến tiếp sức cho 2 đội thi.

Không nao núng, đến lượt thi của mình, 2 đội ĐH FPT tiếp tục tỏ rõ bản lĩnh. Những thành viên chỉ mới là năm 2 ngành Kỹ thuật phần mềm ĐH FPT đã cho thấy sự sáng tạo, không ngoan và khẳng định tại vòng bán kết không ai có thể làm thay đổi vị trí tiên phong của họ khi cả Winwin Spiral và Prototype đều đạt thành tích tốt. Trong đó, Prototype đạt thành tích 17.06s xếp thứ nhất, vị trí thứ 2 thuộc về Winwin Spiral với kết quả 20.62s.

Sau trận chiến căng não là vỡ oà sung sướng.

Nguyễn Mạnh Cường (Prototype) không tin vào kết quả đội đạt được: “Vui, bất ngờ, có phần không tin nổi vào “chiến binh” của đội. Trong lúc luyện tập bọn em không thể nghĩ xe có thế chạy nhanh như thế vì chạy đi chạy lại, thành tích đạt được lúc chạy thử là 19s”.

“Nhóm đã áp dụng một số thuật toán mới do nhóm nghĩ ra và hiện tại chưa thể tiết lộ. Để chuẩn bị cho trận bán kết, bọn em đã ăn nằm khoảng 30 tiếng tại Nhà thi đấu Tây Hồ để nghiên cứu sa hình, ánh sáng, vật cản… Dù chỉ ăn lót dạ trước khi bước vào trận đấu nhưng niềm vui no hơn đã át đi cơn đói của cả bọn”, Tạ Quý (Prototype) chia sẻ.

Là người theo sát từng bước đi của 2 đội ĐH FPT, thầy Bùi Ngọc Anh không giấu nổi cảm xúc: “Mình thấy rất tự hào về sinh viên ĐH FPT. Kết quả đạt được đều là do các bạn đã nỗ lực hết mình. Chắc chắn sẽ cần nỗ lực hơn nữa và chiến đấu tiếp vì mục tiêu cao trong vòng chung kết”.

Prototype và Winwin Spiral mang vinh dự về cho ĐH FPT.

Sau gần 45 phút thi đấu gay cấn và căng thẳng, kết quả vòng bán kết cuộc thi “Cuộc đua số 2017-2018” được ban giám khảo công bố với phần thắng thuộc về 2 đội thi đến từ Đại học FPT là Prototype và Winwin Spiral; 1 đội thi đến từ Học viện Kỹ thuật quân sự là MTA_Race4Fun; 1 đội đến từ Đại học Công nghệ – ĐH Quốc gia Hà Nội là UET_Fastest.

Với kết quả này, ĐH FPT hiên ngang bước vào chung kết Cuộc đua số 2017 – 2018 dự kiến diễn ra trong tháng 5/2018 cùng 6 đội mạnh nhất toàn quốc.

Nâu đá – Đức Anh