Ứng dụng Sổ tay văn hóa được cài đặt trên điện thoại giúp du khách dễ dàng đi và khám phá bất cứ địa điểm nào mình thích bằng chạm tay qua màn hình cảm ứng.
Thay vì những cuốn sách dày cộp, bản đồ du lịch, tờ rơi… bất tiện khi mang theo và tra cứu, chỉ với ứng dụng Sổ tay văn hóa – Culture Site On The Go được cài đặt ngay trên điện thoại, du khách khi đến TP. Hồ Chí Minh có thể dễ dàng đi và khám phá bất cứ địa điểm nào mình thích chỉ với những cú chạm tay qua màn hình cảm ứng.
Ứng dụng được triển khai trên điện thoại Android, do nhóm 3 sinh viên Đại học FPT là Đoàn Thành Thái, Lê Hửu Phúc, Nguyễn Thanh Phong cùng thực hiện. Theo nhóm trưởng Thành Thái, ý tưởng làm ứng dụng với mong muốn mang công nghệ vào đời sống thông qua những điều cụ thể nhất.
Nhóm đồ án và giảng viên hướng dẫn.
Sản phẩm của nhóm nhằm hỗ trợ cho người có nhu cầu tìm hiểu văn hóa dễ dàng khám phá các địa điểm ở Sài Gòn, có thể trở thành hành trang không thể thiếu cho khách du lịch Việt cũng như người nước ngoài.
Thành Thái chia sẻ: “Sổ tay văn hóa truyền thống là những cuốn sách chỉ có chức năng tra cứu, chỉ dẫn trên giấy, còn ứng dụng điện thoại sẽ giúp người dùng cùng lúc làm được nhiều việc nhờ các chức năng khá đa dạng”.
Cụ thể, sản phẩm cho phép người sử dụng tìm kiếm các địa điểm văn hóa xung quanh mình dựa theo tên địa điểm; Xem thông tin chi tiết một địa điểm văn hóa bao gồm tên – mô tả – hình ảnh, video sống động cùng các sự kiện diễn ra tại địa điểm; Hướng dẫn người dùng tìm được đi ngắn nhất đến địa điểm thông qua hệ thống bản đồ rõ ràng, tiện dụng…
Ứng dụng còn có thể đưa ra các gợi ý về địa điểm văn hóa cho du khách, giúp “đánh dấu” và đánh giá những địa điểm mà người dùng đã đặt chân tới hoặc chia sẻ với bạn bè thông tin về địa điểm. Điều đặc biệt, ứng dụng hỗ trợ cả tiếng Anh và tiếng Việt.
Được biết, “Sổ tay văn hóa” chính là tâm huyết suốt 4 tháng của Thái, Phúc, và Phong. Trong kỳ bảo vệ đồ án tốt nghiệp, sản phẩm đã được các thầy cô trong Hội đồng bảo vệ đồ án tốt nghiệp của Đại học FPT đánh giá cao về ý tưởng, tính khả thi cũng như chất lượng thực hiện. Lê Hửu Phúc – một thành viên của nhóm cho biết, nhóm đồ án đã phải nỗ lực khá nhiều để có thể hiện thực hóa ý tưởng của mình.
“Chúng tôi gặp phải rất nhiều khó khăn, thách thức về công nghệ, tìm kiếm và thiết lập dữ liệu khi bắt tay vào lập trình sản phẩm.
Để khắc phục, cả nhóm đã phải làm việc rất chăm chỉ, động viên nhau cố gắng đọc và trau dồi kiến thức để từng bước vượt qua những khó khăn ấy” – Phúc chia sẻ. Nhóm có 3 người, mỗi người được phân công phụ trách một mảng kiến thức để nghiên cứu độc lập mà vẫn có thể “tác chiến” cùng nhau.
Có tháng, cả 3 phải làm việc cật lực, hầu như ngày nào cũng “ở lì” trong nhà nghiên cứu, làm đi, sửa lại… “Một trong những điều tôi tâm đắc nhất về ứng dụng “Sổ tay văn hóa” là sản phẩm có thiết kế giao diện khá ổn, thân thiện với người dùng. Quá trình hoàn thành sản phẩm, mỗi người trong nhóm đều học hỏi được rất nhiều về kiến thức, kỹ năng, thái độ làm việc…” – Thành Thái tâm sự.
“Từ quá trình thực hiện sản phẩm, tôi rút ra bài học quan trọng, đó là khi bắt tay vào làm bất cứ việc gì, chúng ta cần lập kế hoạch rõ ràng để có thể đạt được kết quả tốt nhất.
Nếu làm việc nhóm, thì cả nhóm nên có sự phân công công việc cụ thể, và hoàn thiện từng việc nhỏ một cách gọn gàng, chu đáo nhất, tốt nhất. Có như vậy, công việc chung mới đạt được kết quả tốt đẹp” – Thành Thái kết luận.
Theo Giáo dục Việt Nam