3 chàng trai Việt mở công ty phần mềm ở Phần Lan

Giành giải Nhất trong cuộc thi khởi nghiệp ở Phần Lan, ba chàng trai người Việt đã nhanh chóng biến ý tưởng thành công việc kinh doanh thực thụ.

Nguyễn Lê Hoàng, Vũ Hải Ninh và Nguyễn Tiến Đạt vốn là “đồng môn” khi cùng tốt nghiệp ngành Công nghệ thông tin, Đại học FPT. Trong khi Đạt đang làm việc cho một công ty phần mềm ở Singapore, thì Hải Ninh và Lê Hoàng đều đang theo học ngành kinh doanh tại Phần Lan. Khoảng cách địa lý cũng như rào cản về ngôn ngữ, dân tộc… không khiến họ nao núng, từng bước triển khai ý tưởng kinh doanh của mình.

Hải Ninh cho biết cả nhóm nhận thấy môi trường ở Phần Lan thuận lợi cho việc khởi nghiệp nên đã quyết định tự phát triển sản phẩm phần mềm đem bán.

“Người ta làm được thì mình cũng làm được, suy nghĩ ấy khiến chúng mình tự tin hơn. Sau đó, chúng mình đem ý tưởng và sản phẩm tham gia cuộc thi khởi mang tên Ahjo Accelerator Program, tức là “khởi nghiệp tốc độ”. Đây là phong cách khởi nghiệp đặc trưng ở Phần Lan hiện nay”, thành viên này nói.

Sản phẩm ban đầu của nhóm là một ứng dụng trên web, giúp tạo ra các mẫu survey (khảo sát) đẹp và phù hợp để người dùng thực hiện trên smartphone. Ứng dụng này được thiết kế để dễ dàng thu phản hồi từ người dùng điện thoại, hoạt động trên nhiều thiết bị và đáp ứng nhiều nhu cầu, mục đích khác nhau.

Sau khi đưa vào thực tế, do nhu cầu khách hàng đa dạng, các thành viên còn đưa ra nhiều dịch vụ đi kèm như tư vấn, thiết kế giao diện survey, cho thuê thiết bị… Mục tiêu là hỗ trợ các doanh nghiệp lấy ý kiến khách hàng hiệu quả nhất bằng những giải pháp sáng tạo, phù hợp với thực tế.

Sản phẩm này sau đó đã xuất sắc giành giải Nhất, thu được sự chú ý và đề xuất hợp tác của nhiều công ty tại Phần Lan như Haaja, Yap… Chính phủ nước này cũng sẵn sàng hỗ trợ kinh phí khoảng 200 triệu đồng Việt Nam khi công ty thành lập. Đến nay, doanh nghiệp trẻ này đã hoạt động được nhiều tháng ở hai thành phố của Phần Lan là Turku và Mikkeli. Với mỗi yêu cầu khác nhau, khách hàng của công ty phải trả mức giá 50–300 euro mỗi tháng.

“Về ý tưởng, theo như các chuyên gia đánh giá trong cuộc thi, Survey in Pocket hoàn toàn có thể trở thành một dịch vụ mới với sức cạnh tranh cao với các sản phẩm cùng loại trên thị trường quốc tế. Tham gia cuộc thi là một cơ hội rất lớn cho việc phát triển ý tưởng này”, Tiến Đạt chia sẻ.

Nói về những thách thức và cơ hội khởi nghiệp ở một đất nước phát triển như Phần Lan, những “ông chủ trẻ” tỏ ra khá lạc quan. Theo họ, đất nước này có môi trường rất tốt cho việc lập công ty. Sau khi Nokia, công ty lớn nhất Phần Lan bị bán lại cho Microsoft, một bộ phận lớn người dân thất nghiệp, kinh tế đi xuống rõ rệt. Vì thế cả xã hội và chính phủ đều ra sức tạo ra các công việc mới để ổn định nền kinh tế. Các cộng đồng khởi nghiệp được mở ra, với mục đích cung cấp kiến thức, cơ hội và giúp các doanh nghiệp mới mở rộng quan hệ. Nhờ sự hỗ trợ này, ngày càng nhiều các doanh nghiệp mới được mở ra.

“Phần Lan tạo ra môi trường mà ai có đam mê, quyết tâm đều được tham gia phát triển bản thân và hỗ trợ thực hiện. Các cộng đồng khởi nghiệp (quy mô trường, thành phố) không phải là nơi quy tụ “gà chọi”- gồm những người giỏi nhất mà là nơi giao lưu, học hỏi của tất cả các bạn có đam mê, và muốn trở thành “ông chủ”, “thích thì chơi”. Tuy nhiên, sức mạnh sáng tạo đến từ cả cộng đồng chứ không phải từ một nhóm “gà chọi”, Hải Ninh phân tích.

Tuy nhiên với vốn kiến thức IT được học, những kinh nghiệm làm việc, những cơ hội trải nghiệm từ thời sinh viên đã giúp ba bạn trẻ tự tin, khắc phục khá tốt các rào này.Dù có những điều kiện thuận lợi nhất định như vậy, 3 người bạn vẫn phải đối mặt với không ít khó khăn, thử thách để đạt được mục tiêu của mình. Đó là bất tiện trong giao tiếp, làm việc khi hai người ở Phần Lan, còn một người ở Singapore; là rào cản về ngôn ngữ khi dân Phần Lan hầu hết biết 2 – 3 ngôn ngữ, họ nói tốt tiếng Anh nhưng trong các hoạt động kinh doanh đều chủ yếu dùng tiếng mẹ đẻ…

“Khi còn đi học, nhóm mình cũng từng tham dự một số cuộc thi trong trường, đã giành giải Nhất nên có ít nhiều kinh nghiệm. Ngoài ra, được học kỹ năng thuyết trình kỹ lưỡng khiến bọn mình tự tin và làm tốt hơn các đối thủ trong cuộc thi, tuy tiếng Anh tốt nhưng thuyết trình chưa thực sự thuyết phục”, Lê Hoàng kể.

Ba thanh niên chia sẻ, ngay từ khi còn đang học, hãy rèn luyện từ các kỹ năng nhỏ nhất: Tập chủ động, nói chuyện với người lạ, học cách sử dụng thời gian hiệu quả, đọc thêm và học hỏi liên tục. Và điều quan trọng nhất rút ra được là cứ bắt tay vào và làm thôi. Không cần phải suy nghĩ, đắn đo, phức tạp hóa các ý tưởng.

“Để mọi thứ thật đơn giản, suy nghĩ đơn giản và hành động. Các ý tưởng khởi nghiệp thường đơn giản – vì bạn khó có thể nghĩ ra được gì hoàn toàn mới, vì cái bạn nghĩ được chắc chắn sẽ có người nghĩ ra rồi, quan trọng ở đây là ai hành động mà thôi. Trong quá trình làm, bạn sẽ rút ra được nhiều, học hỏi thêm được nhiều”, 3 cựu sinh viên Đại học FPT nhắn nhủ.