5 cách tận dụng tối đa học phí ở đại học qua chia sẻ của cựu sinh viên

Trong một bài chia sẻ gần đây của Cựu sinh viên K11, ngành Quản trị kinh doanh Đại học FPT Hà Nội – Nguyễn Ngọc Huyền đã có những chia sẻ hết sức tâm huyết về cách quản lý tài chính, tận dụng tối đa học phí tại đại học để học – trải nghiệm. Cùng lắm nghe chia sẻ của Huyền tại đây:

“Mình là cựu sinh viên Đại học FPT, một trong những trường có mức học phí cao nhất, luôn nằm trong top 15 cả nước. Việc theo học tại ngôi trường có học phí cao như FPT đã khiến mình rất lo lắng và thận trọng trong suốt những năm học đầu tiên. Mình lúc nào cũng sợ trượt môn, vì một môn học lại có giá gần bằng tiền ăn 2 tháng. Mình hơn ai hết hiểu rằng bản thân cần phải trân trọng từng đồng tiền học.

Mặc dù không trở thành một sinh viên học giỏi xuất sắc, cũng không được học bổng đầu vào nhưng mình lại có một thời sinh viên làm thay đổi toàn bộ con người và cuộc sống của mình sau này. Mình cảm thấy bản thân đã “thành công” trong việc học Đại học.

Vì vậy mình muốn chia sẻ điều đó với mọi người, đặc biệt là các em tân sinh viên. Đừng để Đại học trở thành… trường hướng nghiệp. Hãy tận dụng tối đa tiền học phí và biến Đại học thành bệ phóng hoàn hảo cho tương lai của bạn.

Tham gia các hoạt động ngoại khoá:

Mình nghĩ các bạn sinh viên ít nhiều đã được nghe lời khuyên này từ các anh chị khoá trước: “Hãy tham gia các hoạt động ngoại khoá, hãy vào CLB, hãy làm sự kiện khi lên Đại học”.

Không phải tự nhiên mà người khác lại nhắc bạn như vậy. Vì CLB và các hoạt động ngoại khoá thực sự sẽ giúp ích cho bạn rất nhiều. Và quan trọng là NÓ KHÔNG MIỄN PHÍ NHƯ BẠN TƯỞNG. Bạn đã phải trả tiền cho nó. Một phần học phí bạn đóng đã được sử dụng để phát triển các hoạt động ngoại khóa trong trường và ở một số trường thì hầu hết học phí của bạn được trả cho điều đó vì vậy hãy tận dụng nó:

– Giúp bạn va chạm với môi trường làm việc nhóm sớm hơn những người khác

– Giúp làm đẹp CV của bạn (tuy không phải hoạt động CLB/ ngoại khoá nào cũng hữu ích cho CV, nhưng có hoạt động là tốt rồi

“Mình trong một chương trình chào tân sinh viên khoá mới được tổ chức tại khu giáo dục quốc phòng.”

Hoạt động ngoại khóa giống như vaccine, nó giúp bạn nhạy cảm và linh hoạt hơn trong công việc sau này bất kể bạn làm ngành nghề gì và làm ở đâu. Việc bạn được va chạm với một công việc cụ thể sẽ hình thành cho bạn các “kháng thể” để sau này khi đi làm bạn sẽ cảm thấy một việc nào đó ở văn phòng… quen quen, bạn dễ dàng thích nghi, sao chép và sáng tạo cách làm mới.

Ví dụ: Bạn cần lên kế hoạch cho một dự án tại công ty. Bạn sẽ loay hoay không biết nên bắt đầu từ đâu nếu chưa từng làm trước đây nhưng nếu bạn đã từng làm sự kiện chắc hẳn bạn đã được thực hành việc: lên nội dung, lên checklist cho một hoạt động nào đó, tính budget, lên kế hoạch quản lý nhân sự, làm truyền thông, mời tài trợ, bảo vệ kế hoạch trước hội đồng,…. Nó không hoàn toàn giống với các bước bạn sẽ làm sau này nhưng cũng khá tương đồng.

Hãy tham gia ít nhất một CLB hoặc một vài hoạt động ngoại khoá nào đó nhé.

Mình đi truyền thông tại các lớp học cho một sự kiện giao lưu của CLB Guitar Đại học FPT với CLB Guitar Đại học Sư phạm Hà Nội.

Tham gia các cuộc thi có tính chuyên môn dành cho sinh viên:

Có một điều mà các bạn thường xuyên bỏ lỡ khi vào Đại học đó là các cuộc thi có tính chuyên môn dành riêng cho sinh viên với quy mô trong và ngoài trường Đại học. So với hoạt động CLB thì việc bạn thắng giải một cuộc thi hay chương trình sinh viên thực sự được các nhà tuyển dụng đánh giá cao hơn. Hoạt động CLB phần lớn đều gắn liền với các sở thích cá nhân còn các cuộc thi sẽ có tính chuyên môn cao hơn rất nhiều.

Đây cũng là cơ hội để các bạn mở rộng thêm các mối quan hệ và sự hiểu biết của mình. Có rất nhiều các chương trình tìm kiếm Talent của các công ty hàng đầu thế giới chỉ dành cho sinh viên, có rất nhiều các cuộc thi về Kinh tế, Khoa học kỹ thuật,… mở ra cho riêng sinh viên, và thử tưởng tượng nếu bạn được tham gia vào các cuộc thi như vậy các bạn sẽ có thêm biết bao nhiêu cơ hội mới. Vì vậy đừng quên làm đẹp thêm quãng đời sinh viên của mình bằng cách cố sức đạt giải thật cao một cuộc thi nào đó nhé.

Mình tham gia với vai trò là thí sinh trong một cuộc thi về Kinh doanh quy mô cả nước giữa các trường Đại học.

 Tận dụng thư viện/ giáo trình:

Hầu hết những người mà mình gặp và kể cả bản thân mình sau khi ra trường đều từng phải lục lại giáo trình chuyên ngành ở trường một lần để có thể giải được một “bài toán” nơi làm việc.

Mình không biết ở các thư viện trường khác như thế nào, nhưng ở FPT có những cuốn sách ở thư viện có giá cả ngàn đô và rất khó để có thể đặt mua ở Việt Nam. Mặc dù không phải cuốn giáo trình nào cũng có những kiến thức hữu ích với bạn nhưng đừng hoàn toàn bỏ qua nó. Nếu có điều kiện hãy đọc lướt một lượt những cuốn giáo trình mà giảng viên của bạn khuyên đọc.

Hồi đi học mình cũng không đọc giáo trình, nhưng đầu mỗi kỳ học mình hay mượn một lượt sách về để… đọc phụ lục. Đọc lướt qua phụ lục giúp mình nắm được các kiến thức trong kỳ, đồng thời giúp mình tìm thấy một số chương sách hữu ích và có ý niệm về việc kiến thức này tồn tại để sau này nghiên cứu kỹ hơn nếu cần.

Phần lớn kiến thức bạn được học trên giảng đường là lý thuyết. Lý thuyết mặc dù nhàm chán nhưng lại là gốc rễ của rất nhiều vấn đề. Nó không chắc được sử dụng trong công việc của bạn sau này nhưng như mình đã nói ở trên, Đại học không phải trường nghề vì vậy lý thuyết này có thể chưa dùng cho công việc mơ ước của bạn nhưng rất có thể một lúc nào đó nó sẽ hữu ích trong cuộc sống.

Mình phía sau cánh gà làm trưởng ban truyền thông cho sự kiện chào tân sinh viên của trường.

(Mình đã từng sử dụng phân tích SWOT để quyết định nhảy việc hay ở lại công ty, và nhờ có việc phân tích SWOT mình đã chọn đúng nơi để làm việc. Bất ngờ chưa, vì SWOT thực ra là một công cụ phân tích mình được học ở môn Marketing)

 Tận dụng các mối quan hệ và giảng viên của bạn:

Hầu hết các giảng viên Đại học đều rất sẵn lòng được giúp đỡ và chia sẻ nhiều hơn nếu bạn tỏ ra hứng thú với việc học. Bên cạnh kiến thức chuyên môn thì các giảng viên Đại học đều từng có kinh nghiệm trong lĩnh vực mà họ đang giảng dạy. Vì vậy hãy tận dụng cơ hội được hỏi và giữ mối quan hệ tốt với giảng viên của bạn.

Có thể bạn không tin, nhưng sau này khi đã đi làm điều mà mình khao khát nhất chính là có một người mentor cho mình giống như cách mà mình có một giảng viên hỗ trợ hồi đi học. Đến khi cuộc sống của mọi người trở nên bận rộn không ai có thời gian để hướng dẫn bạn một cách miễn phí nhưng giáo viên lại sẵn sàng làm điều đó cho bạn sau giờ học.

Mình tham gia làm tình nguyện viên trong sự kiện dành cho học sinh quốc tế. Mình takecare đoàn Trung Quốc và nói tiếng Trung với các bạn bản xứ, mặc dù hồi ấy mình học tiếng Trung toàn bị cô giáo trêu là em đang hát đấy à.

 Đừng đi làm từ thiện hay đi làm sự kiện quá nhiều:

Trái ngược với điều số 1, điều cuối cùng mà mình khuyên các bạn sinh viên để tiết kiệm tiền học phí đó là đừng đi làm từ thiện hay đi làm sự kiện quá nhiều.

Bạn yêu thích cảm giác được thuộc về một tập thể, đi chơi cùng nhau, du lịch cùng nhau, làm việc cùng nhau nhưng bạn lại không học được quá nhiều từ việc làm những việc đó.

Khoảng 1-2 năm đầu, việc đi từ thiện và làm sự kiện đem lại cho bạn nhiều kiến thức và trải nghiệm mới mẻ nhưng ở những năm sau khi bạn đã quen với nó bạn sẽ không còn học được gì thực sự từ việc đó, đến một thời điểm nào đó việc đi làm từ thiện hay làm sự kiện với bạn thực ra… chỉ để cho vui. Kể cả sau này ra trường bạn định theo ngành tổ chức sự kiện.

Hãy tỉnh táo.

Nếu những công việc này đang tốn quá nhiều thời gian và tâm huyết của bạn thì hãy dừng lại.

Mình năm cuối Đại học, hạn chế tham gia các sự kiện CLB và đầu tư cho việc học và thực tập. Lúc này mình đang là thực tập sinh tại công ty truyền thông Orion Media.

 Sau tất cả

Mình đã được nghe rất nhiều rằng lợi thế lớn nhất của tuổi trẻ là… được ngu. Và sau khi ra đi làm được 2 năm mình nghĩ điều đó là đúng. Sếp và đồng nghiệp đều dễ dàng bỏ qua cho một thực tập sinh mới ra trường những lỗi từ to nhất đến nhỏ nhất nhưng không dễ dàng gì để một trưởng phòng được tha thứ nếu người đó làm gì sai dù chỉ một lần. Tuổi trẻ là cái cớ hoàn hảo cho sự trải nghiệm, lỗi lầm và những vấp ngã. Hãy tận dụng nó nhưng đừng phụ thuộc vào nó. Đừng đóng tiền học chỉ để lên thành phố và cố kiếm một cái nghề. Hãy tận dụng từng đồng học phí mà bạn đã đóng để trở thành một người có giá trị hơn trong tương lai.”

Hy vọng 5 điều chia sẻ của Ngọc Huyền sẽ giúp các bạn sinh viên biết mình nên làm điều gì với số học phí “khủng” mình bỏ vào trường F nha!

Bài và Ảnh: Nguyễn Ngọc Huyền