Anh Tạ Đức Tùng – Cựu sinh viên Trường ĐH FPT, hiện đang là nghiên cứu sinh tại Nhật Bản. Vướng bận công việc nghiên cứu, đồng thời cả vợ và con hiện đều sinh sống tại Nhật, nên anh vẫn ở lại tiếp tục với công việc. Khi Chính phủ ban bố tình trạng khẩn cấp, anh quyết định thiết lập hệ thống chạy thí nghiệm từ xa và làm việc tại nhà. Làm việc từ xa chưa bao giờ là dễ dàng, nhất là đối với công việc nghiên cứu. Dưới đây là những chia sẻ của anh Tạ Đức Tùng trong khoảng thời gian làm việc khó khăn này.
Anh Tạ Đức Tùng hiện đang là nghiên cứu sinh Trường ĐH Tolyo – Nhật Bản
Văn hoá Nhật nổi tiếng ở sự tinh tế và nhẹ nhàng từ lời ăn tiếng nói đến cử chỉ hành động. Ngay cả dịch bệnh khi đến Nhật cũng lừ đừ từ tốn. Mãi cho đến đầu tuần này, chính phủ mới ban bố tình trạng khẩn cấp và bắt đầu yêu cầu mọi người ở trong nhà, hạn chế ra ngoài đường khi không cần thiết. Nhà mình có con nhỏ nên cũng đã bắt đầu hạn chế đi lại từ đầu tháng 3. Mình đi làm nghiên cứu ở trường đại học nên công việc cũng có phần linh hoạt về mặt thời gian hơn. Tuy nhiên, do thỉnh thoảng vẫn cần phải làm thí nghiệm ở phòng thí nghiệm nên mình vẫn phải lên lab. Thường mình sẽ chọn lên lab muộn để tránh đi lại đông người. Sau đó một thời gian thì mình chuyển hẳn sang đi xe đạp, vừa cool, vừa tiết kiệm tiền đi lại, vừa không phải chung khoang tàu với ai. Xung quanh mình một số anh chị em cũng rục rịch chuyển qua đi làm bằng phương tiện cá nhân.
Sau khi chính phủ ban bố tình trạng khẩn cấp, mình quyết định ở nhà luôn chứ không lên lab nữa. Để chuẩn bị cho việc này, mình đã phải thiết lập hệ thống chạy thí nghiệm từ xa để có thể điều khiển được các thiết bị máy móc từ nhà. Từ giờ chỉ hy vọng các máy móc này sẽ không bị hỏng giữa chừng. Chứ không thì chắc mình cũng nghỉ nghiên cứu ở nhà luôn. Lab mình từ đầu tháng 4 bắt đầu tiến hành qui định một người một phòng khi làm nghiên cứu để tránh tiếp xúc lây nhiễm. Tuy nhiên, vừa tiến hành được 1 tuần thì trường có thông báo cấm làm thí nghiệm một mình do dễ dẫn tới nguy hiểm và cháy nổ. Bắt đầu từ đây thì việc tiến hành công việc ở trường trở nên khó khăn hơn. Cùng với sự gia tăng số ca mắc nhiễm Covid-19 ở Tokyo, các qui định của trường về giãn cách xã hội cũng được xiết chặt hơn. Cho đến hôm qua, ngày 8/4, thì trường mình bắt đầu đóng cửa các phòng thí nghiệm. Trừ các lab nghiên cứu vaccine Corona thì các nghiên cứu khác đều không được hoan nghênh trong thời điểm này. Lab mình đóng cửa, mọi người về nhà hết. Tuy nhiên bọn mình không thể dừng hoàn toàn mọi việc ngay lập tức. Tháng 4 là tháng bắt đầu năm học mới ở Nhật. Thông thường các sinh viên năm 4 sẽ vào làm nghiên cứu ở trong các lab của trường. Việc nghiên cứu này liên quan trực tiếp đến việc tốt nghiệp của sinh viên nên không thể dừng giữa chừng được. Lab mình từ làm nghiên cứu tập trung ở trường chuyển sang nghiên cứu phân tán ở nhà và họp hành công việc online. Cá nhân mình nghĩ đây cũng là một cơ hội tốt để chuyển đổi thói quen làm việc truyền thống ở Nhật. Việc triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong nghiên cứu và kinh doanh đang diễn ra với tốc độ hết sức chóng mặt. Đây rất có thể là một cuộc thay máu nề nếp làm việc trong các tổ chức tại Nhật.
Một trong những điểm bất lợi đối với người làm nghiên cứu trong mùa Covid-19 này là việc các hội thảo khoa học đều bị huỷ. Bản thân mình cũng bị huỷ mất 2 hội thảo lớn trong ngành. KPI quan trọng nhất đối với nghiên cứu trong trường đại học đó là xuất bản báo cáo khoa học (paper). Việc thuyết trình các paper này trong hội thảo khoa học là một dịp quan trọng để mọi người cùng ngành gặp gỡ, chia sẽ nghiên cứu, và tìm kiếm cơ hội hợp tác (và đi chơi). Tuy vậy, việc huỷ hội thảo tạo điều kiện cho các hình thức liên kết khác phát triển tốt hơn. Một trong những hình thức liên kết mới đó là việc tổ chức hội thảo online thực tế ảo. Ngay tại trường mình, do lễ tốt nghiệp vào tháng 3 bị huỷ, các bạn sinh viên đã tự tổ chức lễ tốt nghiệp online dựa vào một số nền tảng không gian online thực tế ảo và nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình từ chính các thầy cô trong trường.
Covid-19 có lẽ sẽ còn ở lại thêm một thời gian nữa. Mình hy vọng mọi người sẽ có được sức khoẻ thật tốt, và một tinh thần thật minh mẫn để tỉnh táo ứng phó và tìm ra cơ hội mới nhân dịp “ăn Tết dài bất thường này”.
Tạ Đức Tùng
Nghiên cứu viên tại ĐH Tokyo