Sáng ngày 26/10/2020, bảo tàng tiền tệ lạm phát “Hyper – Inflation: Tiền nhiều để làm gì?” đã được chính thức khai trương tại Đại học FPT campus Tp.HCM thu hút sự quan tâm đặc biệt của các khách mời và người xem. Đây hiện tại là bảo tàng tiền tệ lạm phát đầu tiên và duy nhất tại Việt Nam
Lễ khai trương có sự tham dự của TS. Lê Tường Tùng – Chủ tich Hội đồng trường ĐH FPT, Anh Trần Ngọc Tuấn, Giám đốc ĐH FPT TP. HCM, chị Lê Thị Hồng Hạnh, Giám đối FAI – BTEC, Anh Nguyễn Nhật Tân, Giám đốc Đại học Greenwich VN TP. HCM, Anh Trần Vân Nam, Giám đốc FPoly TP.HCM, chị Nguyễn Hồng Phương, Giám đốc đào tạo FSB, và anh Nguyễn Trường Sơn, Phó Giám Đốc khối văn phòng FE TP. HCM cùng toàn thể các anh chị trưởng các phòng ban thuộc tổ chức giáo dục FPT.
HyperInflation (siêu lạm phát) – theo định nghĩa chính thức là khi có mức lạm phát từ 50%/tháng trở lên (giá tăng 50% sau 1 tháng). Định nghĩa không chính thức là phát hành tiền mệnh giá 1 triệu trở lên, rồi sau đó đổi tiền bỏ đi vài con số 0.
Bảo tàng “HyperInflation – Tiền nhiều để làm gì” là nơi giới thiệu lịch sử lạm phát – siêu lạm phát thế giới và trưng bày bộ sưu tập hơn 300 đồng tiền mệnh giá 1 triệu trở lên của khoảng 30 quốc gia trong thời gian gần 100 năm (1921 – 2019), gồm tiền các nước như: Angola, Argentina, Armenia, Azerbaijan, Belarus, Bolivia, Bosnia, China, Croatia, Georgia, Germany, Greece Hungary, Iran, Nicaragua, Peru, Poland, Romania, Russia, Transcaucasia, Turkey, Ukraine, Vietnam, Yugoslavia, Zaire (Công gô), Zimbabwe,…
Tất cả các đồng tiền trên được TS. Lê Trường Tùng dành 15 năm tìm kiếm và sưu tầm. Mỗi một thiết kế trưng bày tại bảo tàng cũng được chính tay Thầy thiết kế. Theo Thầy chia sẻ: “Bản thân của mỗi đồng tiền lạm phát chính là một “nhát cắt lịch sử” mà bất cứ quốc gia nào cũng có và được nhìn nhận ở góc độ lịch sử với nhiều khía cạnh khác nhau. Bản thân tiền tệ là một câu chuyện đi kèm với lịch sử của 1 quốc gia.”
Dưới dây là lịch sử tiền tệ của các quốc gia siêu lạm phát thế giới trong lịch sử:
Theo các xếp hạng lạm phát tiền tệ (Hanke Kris HyperInflation Table), số 1 – lạm phát khủng nhất trong lịch sử – thuộc về Hungary (8/1945 – 7/1946). Tính trung bình lạm phát 1 ngày là 195%, giá tăng gấp đôi sau mỗi 15.6 giờ và lạm phát một tháng là 13600000000000000% (13.6 x 10^15%).
Đồng tiền sử dụng là Pengo. Sau đưa ra đơn vị MilPengo (1 triệu Pengo) và B-Pengo (1 ngàn tỷ Pengo). Đồng tiền mệnh giá lớn nhất là 1 milliard B-Pengo (1 tỷ ngàn tỷ Pengo, tức số 1 với 21 số 0), tuy nhiên đồng tiền này in ra để trong kho chưa được đưa ra lưu thông. Đồng tiền lớn nhất được đưa ra lưu thông là 100 triệu B-Pengo (số 1 với 20 số 0). Trong hình là hai đồng tiền thần thánh này, và serie các tờ mệnh giá cao của Pengo, MilPengo và B-Pengo.
Nếu số 1 lạm phát trong lịch sử là Hungary 1945-1946, thì á quân (số 2) thuộc về quốc gia châu Phi Zimbabwe, 2007-2009. Tỷ lệ lạm phát một tháng là 79,600,000,000%, và giá tăng gấp đôi sau mỗi 24.7 giờ. Năm 2008, từ tháng 5 đến tháng 7 đã đưa vào lưu thông các “bearer cheques” mệnh giá 100 triệu, 250 triệu, 500 triệu, và các “agro cheques” mệnh giá 5 tỷ, 25 tỷ, 50 tỷ và 100 tỷ đô la Zimbabwe. Tháng 8/2008 đổi tiền 1 = 10 tỷ (10^10). Đổi tiền xong, tiền lại tiếp tục mất giá. Đồng tiền mệnh giá cao nhất được ấn hành là 100 ngàn tỷ (100 trillion) đô la Zimbabwe, phát hành 1/2009. Tháng 2/2009 đổi tiền 1 = 1 ngàn tỷ (10^12). Sau 3 đợt đổi tiền, cùng với mệnh giá siêu khủng 100 ngàn tỷ, 1 ZWL (2009) = 10^12 ZWR (2008) = 10^22 ZWN (2006) = 10^23 ZWD (2005).
Vị trí thứ 3 về siêu lạm phát trong lịch sử – sau Hungary 1945-1946 và Zimbabwe 2008-2009 – thuộc về nước Cộng hoà Nam tư giai đoạn 1992-1994. Thời kỳ hậu Liên xô, Liên bang Nam Tư cũng chia năm xẻ bảy thành Nam tư, Bosnia, Serbie, Slovakia… dẫn đến nội chiến, can thiệp của nước ngoài, nên nhà nước mạnh tay in tiền để tiêu. Lạm phát lên đến 65%/ngày, giá tăng gấp đôi sau mỗi 34 giờ. Đồng tiền mệnh giá lớn nhất là 500 tỷ Dinar, phát hành năm 1993. Ở thời điểm phát hành, 500 tỷ Dinar tương đương 10 USD. Trước đó là các tờ 1 triệu đến 500 triệu, rồi 1 tỷ, 5 tỷ, 10 tỷ, 50 tỷ, 100 tỷ. Cuối năm 1993 đổi tiền bỏ đi 9 số 0.
Siêu lạm phát 1922-1923 tại Đức được xếp là lạm phát lớn thứ 4 trong lịch sử, sau Hungary 1945, Zimbabwe 2009 và Yugaslavia 1993. Tiền mark được in ra để mua ngoại tệ bằng mọi giá để trả nợ. Mức độ lạm phát mỗi ngày lên đến 21%, sau 3 ngày 17 giờ giá cả tăng gấp đôi. Trong tiếng Đức 1 billion là 1000 milliard, 1 milliard là 1000 million, 1 million là 1000000 – tức 1 billion là 1 ngàn tỷ, số 1 với 12 chữ số 0. Các tờ tiền trong hình là 1 ngàn tỷ, 3 ngàn tỷ, 5 ngàn tỷ và 10 ngàn tỷ mark.
Xếp thứ hạng về mức độ lạm phát trong lịch sử thì Trung quốc (1947-1949) đứng thứ 6 sau Hungary, Zimbabwe, Yugasvania, Germany và Hy lạp. Đó là thời kỳ sau chiến tranh thế giới thứ 2, Trung quốc chìm trong nội chiến, và cuộc chiến lan sang cả lĩnh vực tài chính tiền tệ, dẫn đến siêu lạm phát. Mức độ lạm phát một ngày lên đến 14%, và giá cả tăng gấp đôi sau 5-6 ngày. Những đồng tiền triệu yuan (tệ) được Central Bank of China phát hành và đưa vào lưu thông.
Trên đây là những câu chuyện lịch sử về siêu lạm phát, được kể lại thông qua chính những tờ tiền được trưng bày. Có thể nói, việc sưu tầm những đồng tiền có mệnh giá cực lớn vào nhiều thời điểm tại nhiều quốc gia khác nhau trên thế giới là một quá trình đầy gian nan, tốn nhiều công sức và tiền bạc.
Thầy Lê Trường Tùng chia sẻ thêm: “Xét về mức độ hiếm và giá trị của các đồng tiền thì quá trình sưu tầm có những câu chuyện thú vị đằng sau. Có những đồng tiền rất hiếm và giá trị cực kỳ cao.” Đối với Việt Nam, thầy sưu tầm tất cả các đồng tiền có những mệnh giá khác nhau từ khi có tiền giấy vào năm 1890 đến nay.
Bảo tàng trưng bày trở thành điểm đến tham quan ý nghĩa dành cho sinh viên Đại học FPT, giúp các bạn hiểu hơn về lịch sử tiền tệ lạm phát, trân trọng những giá trị lịch sử và đồng tiền mà chúng ta sử dụng, bởi đó là những tài sản vô giá sẽ còn ý nghĩa mãi mãi về sau.
Xem thêm một số hình ảnh tại lễ khai trương bảo tàng: