Vượt 400 km đồi núi, ‘Tủ sách tiết thực’ đến với trẻ vùng biên

Chinh phục những đoạn đường đèo núi nguy hiểm nơi Trường Sơn hùng vĩ, cán bộ và giảng viên Đại học FPT tại Đà Nẵng mang gần 500 đầu sách, áo quần đến với học sinh trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học và Trung học cơ sở xã Ch’Ơm, huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam.

 

1

 

Xuất phát từ 5h sáng ngày 31/10 nhưng phải đến giữa trưa xe mới tiếp cận được xã Ch’Ơm, huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam. Đây là địa phận nằm giáp ranh với nước bạn Lào nên địa hình đi lại rất khó khăn. Dù chỉ còn cách điểm trường khoảng 2 km nhưng đoàn phải chấp nhận dừng lại để nhờ sự hỗ trợ từ cán bộ, giáo viên trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học và Trung học cơ sở xã Ch’Ơm vận chuyển sách và quà lên giúp. Theo các thầy cô, đoạn đường này thường xuyên bị chia cắt và chỉ cần mưa là không thể đi lại được.

 
2
 
 Sau khoảng thời gian di chuyển, đoàn cuối cùng cũng có mặt tại ngôi trường thuộc xã Ch’Ơm, huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam, một xã biên giới vô cùng khó khăn. Toàn xã có 8 thôn, dân cư thưa thớt và có đến 95% số hộ nghèo, cận nghèo. Hiện nhà trường có khoảng 347 học sinh, trong đó 100% là người dân tộc Cơ-tu. Cơ sở vật chất của trường nhiều thiếu thốn; các phòng chức năng còn thiếu; phòng cho cán bộ và giáo viên cũng như phòng nội trú cho học sinh ở lại chưa đảm bảo.
 
 
3
 

Bất chấp khoảng thời gian di chuyển dài và khá mệt, toàn bộ thành viên trong đoàn bắt tay ngay vào việc sắp xếp tủ sách và hướng dẫn cho cán bộ thư viện trường trong việc quản lý cũng như sử dụng sách. Trường hiện thiếu rất nhiều sách giáo khoa và đa phần là sách cũ. Dù cũng đã nhận được sự hỗ trợ của một số cơ quan, doanh nghiệp nhưng vẫn không đủ để đáp ứng cho quá trình dạy và học của thầy trò nhà trường.

 
4
 
 Trước khi bước vào phần lễ, học sinh được cán bộ ĐH FPT tổ chức nhiều trò chơi khuấy động tinh thần làm cho không khí trở nên sôi động hơn. Trước đó, anh Nguyễn Đăng Nghĩa, cán bộ ĐH FPT, cùng một số sinh viên đã lên trường để khảo sát đường đi và tìm hiểu thêm về điều kiện của học sinh. “Học sinh ở đây luôn giữ nét ngây thơ và hồn nhiên. Dù điều kiện còn lắm khó khăn nhưng đa phần học sinh đều vui tươi và hòa đồng trong sinh hoạt cũng như học tập. Dẫu vậy, thầy cô ở trường gặp nhiều khó khăn trong việc truyền đạt kiến thức, bởi khả năng tiếp thu của học sinh còn rất chậm”, anh Nghĩa bày tỏ.
 
 
5
 

100% là người dân tộc Cơ-tu nên bước đầu các em còn rất bỡ ngỡ khi tiếp xúc với thành viên trong đoàn. Tuy nhiên, những ca khúc hát về Đảng, Bác Hồ vẫn được học sinh vùng biên thể hiện ngọt ngào và đầy trìu mến.

 
6
 

Thầy Huỳnh Tấn Châu, GĐ ĐH FPT Đà Nẵng, khi chứng kiến những đoạn đường “ổ voi” đã không khỏi xót xa và khâm phục tinh thần đầy nghị lực của cán bộ, giáo viên nhà trường. “Dù điều kiện trường học và giao thông đi lại còn rất nhiều khó khăn nhưng bằng tấm lòng của người tiên phong mang con chữ lên vùng cao đã giúp thầy cô vượt mọi trở ngại. Thực sự tôi có rất nhiều cảm xúc khi đặt chân lên đây dù trước đó đã trao tặng sách ở một số nơi vùng núi cũng khó khăn không kém. Chính điều đó giúp tôi thấy rằng, hoạt động tặng sách hôm nay ý nghĩa gấp bội”

 
7
 
Đại diện nhà trường, thầy Nguyễn Đông Vũ, Hiệu trường trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học và Trung học cơ sở xã Ch’Ơm, nhận tủ sách từ thầy Huỳnh Tấn Châu. Đây là hoạt động xã hội của ĐH FPT với mong muốn tinh thần vì cộng đồng trở thành tinh thần thường trực của mỗi CBNV, giảng viên và sinh viên nhà trường: Góp một bữa ăn sáng, tiếp nguồn tri thức Việt.
 
 
8
 

Hiệu trưởng trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học và Trung học cơ sở xã Ch’Ơm khẳng định, những món quà tuy không lớn nhưng chưa đựng tình cảm lớn lao của cán bộ, giảng viên trường ĐH FPT. Đặc biệt, đoàn đã phải dậy sớm, vượt qua hàng trăm km đường dốc núi nguy hiểm để tận tay trao tặng tấm lòng của mình cho học sinh xã Ch’Ơm. Do đó, toàn trường hứa sẽ tiếp tục phấn đấu, xứng đang với sự quan tâm của đoàn. Bên cạnh đó cam kết sử dụng sách đúng mục đích và hiệu quả nhất.

 
9
 

Thầy Vũ cũng cho biết, nhà trường có 5 điểm trường gồm 347 học sinh và đa phần điều kiện kinh tế còn rất khó khăn. Bên cạnh dạy học tại trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học và Trung học cơ sở xã Ch’Ơm, giáo viên còn phải xuống tận địa bàn để trực tiếp giúp các em tiếp thu kiến thức do quãng đường di chuyển lên trường quá xa. Đa phần thầy cô hiện còn khá trẻ, gia đình dưới đồng bằng và chưa lập gia đình nhưng vẫn cố gắng cống hiến, xông pha cùng nhà trường giúp các em có kiến thức.

 

10

 Nhiều học sinh cho biết, mỗi khi đến trường phải di chuyển ít nhất 1 đến 4 giờ đồng hồ tùy vào điều kiện thời tiết và gia đình chủ yếu làm nương rẫy. Đây cũng là lần đầu tiên có các cô chú đến thăm, tặng quà và được tham gia nhiều trò chơi vui nhộn mà bản thân chưa từng biết. Đặc biệt, thư viện được trang bị nhiều sách mới và hay.
  
 
11
 

Dân trí thấp và không có cơ hội tiếp xúc với sự thay đổi của xã hội là điều dễ dàng nhìn thấy ở những nơi vùng cao biên giới. Những cuốn sách ngày hôm nay sẽ giúp học sinh có cái nhìn mới hơn, hiện đại hơn. Thầy Nguyễn Ngọc Trường, quê ở TP Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam, giảng dạy ở huyện Tây Giang được 4 năm kể từ khi ra trường, riêng tại trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học và Trung học cơ sở xã Ch’Ơm được 2 năm. “Học sinh còn nhiều khó khăn, dân trí lại thấp nên quá trình công tác gặp nhiều trở ngại. Những con đường hôm nay có thể đi lại bằng xe máy nhưng ngày mai chỉ cần một cơn mưa nhỏ cũng khiến bị chia cắt hoàn toàn. Giáo dục vùng cao là vậy, khó khăn có, niềm vui có nhưng quan trọng hơn hết phải có nghị lực và niêm đam mê nghề nghiệp. Hy vọng một ngày không xa, người FPT tiếp tục trở lại để đồng hành  với chúng tôi”, thầy Trường nhắn nhủ.