Nói chuyện với gần 600 sinh viên trong lễ tốt nghiệp Trường Đại học FPT hôm 9/8, Chủ tịch Hội đồng quản trị tập đoàn FPT Trương Gia Bình nhắn nhủ mỗi sinh viên phải sống bằng chính mình, đừng chờ sự giúp đỡ của ai.
Nói chuyện với sinh viên và người thân của các em trong lễ tốt nghiệp, ông Trương Gia Bình chia sẻ về những tâm nguyện trong đào tạo con người của tập đoàn này.
“Chúng tôi nhận nhiều tâm nguyện thế hệ trước. Vào những năm chiến tranh không biết ngày mai thế nào nhưng đất nước vẫn chăm sóc chúng tôi, đến từng trường phổ thông tìm kiếm, giúp đỡ các học sinh. Chúng tôi đã được gặp những nhà toán học như GS Hoàng Tụy, những nhà Vật lí như thầy Nguyễn Văn Hiệu. Những gì tinh túy nhất họ đã dành cho chúng tôi. Họ muốn gửi gắm cho chúng tôi nếu ngày đó học xong, hi vọng rằng lúc ấy chiến tranh kết thúc, các bạn đóng góp để gia tốc nền kinh tế, làm sao đất nước thoát khỏi cảnh đói nghèo, trở lên giàu có” – ông Bình tâm sự.
Mặc dù sau khi học xong, ra trường phải “tự bơi” nhưng theo ông Bình đó lại là “chân lý” ông đã học được. Theo ông: “Cái đúng là sau khi học xong các bạn phải tự lo cho chính mình, phải sống bằng chính mình, không chờ đợi sự giúp đỡ của ai nữa”.
Theo ông Bình sinh viên phải học thật. Nhà trường, thầy cô sẽ không vì yêu quý hay lợi ích nhỏ nhoi nào đó để che lấp khiếm khuyết việc học tập của các bạn. Có như vậy mỗi sinh viên mới tự lớn lên được.
Mặc dù được học ở những trường danh tiếng nhất với những thầy giáo danh vọng nhất của thế giới nhưng theo ông Bình điều bất ngờ là những kiến thức, công trình khoa học không phải điều quan trọng.
“Những kĩ năng học tập, nghiên cứu mới là điều những trường ấy đã cho chúng tôi. Như vậy kiến thức không phải vấn đề, vấn đề chỗ khác. Trường FPT coi những tiết mục văn nghệ vừa rồi là những bài học, những trận thể thao nảy lửa là bài học, sự kiện tổ chức hôm nay cũng là bài học, tất cả là bài học. Nó có thể còn quan trọng hơn những ngôn ngữ lập trình các bạn đang học.” – ông chia sẻ.
Thế giới đang thay đổi, người trẻ sẽ phải “tham dự vào cuộc đời mới” khi công nghệ thông tin phát triển như vũ bão. Lấy ví dụ về hãng taxi của thế giới là Uber vào Việt Nam đã làm rung chuyển ngành taxi VN, một hãng giao thông lớn nhất thế giới đó hiện không có một chiếc xe, ông Bình cho rằng: “Muốn tồn tại, thành công chỉ còn cách tiếp tục học, và cần có kĩ năng học nhanh, học đúng”.
Dẫn lại lời Thomas Freidman tác giả của cuốn sách nổi tiếng Thế giới phẳng về toàn cầu hóa rằng “những người trung bình sẽ không có vị trí trong thế giới mới, chỉ những người khác biệt mới có vị trí trong thế giới mới”, vị chủ tịch nhắn nhủ các sinh viên “hãy luôn sáng tạo và luôn giữ tinh thần sáng tạo”.
Cuối bài nói chuyện ngắn, ông Bình nhắc đến niềm vui khi nhiều sinh viên, người trẻ học từ Trường ĐH FPT đã ra đời và có những thành công nhất định trong cuộc sống. Ông chúc các sinh sẽ “vượt trội hơn chúng tôi rất nhiều”.
Ngày 9/8/2015, 600 sinh viên Trường ĐH FPT khối ngành Kinh tế và Công nghệ thông tin đã được trao bằng tốt nghiệp tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia Hà Nội. Trong đó, gần 100 kỹ sư CNTT được Công ty phần mềm FPT (FPT Software) tiếp nhận và ký hợp đồng ngay sau khi ra trường.