Trò chuyện cùng cựu sinh viên Thiết kế đồ hoạ thành đạt

Buổi Talkshow với chủ đề “Từ đam mê đến thành công” đã diễn ra vào ngày 4/11 vừa qua với những chia sẻ vô cùng thú vị và bổ ích của dàn khách mời “chất lừ” là hai cựu sinh viên thành đạt. Sự kiện do phòng Công tác sinh viên tổ chức đã thu hút rất nhiều sự chú ý từ các tín đồ yêu thích ngành Thiết kế đồ họa.

Đây là sự kiện giao lưu, hỏi hỏi cùng cựu sinh viên Đại học FPT TP.HCM được diễn ra thường xuyên với mong muốn tạo sự kết nối giữa các sinh viên đang học với thế hệ đi trước.

Cùng với sự dẫn dắt khéo léo, linh hoạt của MC Ánh Dương, khán giả đã được dẫn dắt qua các chủ đề: Hành nghề mà không bị nghề hành; Tuyển dụng và đối tác cần gì; Freelancer hay In-house và phần Q&A – hỏi đáp, giao lưu cùng khách mời. Tham gia chương trình, các bạn sinh viên đã được dịp mắt chữ O miệng chữ A với những thông tin thú vị và bất ngờ mà anh Trịnh Trần, Lâm Lê “ mách nước”.

Sự kiện giao lưu cùng cựu sinh viên diễn ra vào ngày 4/12 vừa qua

Buổi talkshow “Từ đam mê đến thành công” có sự góp mặt của hai “anh tài” trong chuyên ngành Thiết kế Mỹ thuật số là anh Trần Quang Bình (cựu sinh viên K11 ĐH FPT.HCM) – quán quân cuộc thi Proudly Vietnamese Photography do tạp chí thời trang L’Officiel tổ chức đồng thời là stylist cho Umbrella Fashion và anh Lâm Lê (cựu sinh viên K11 ĐH FPT.HCM) – quán quân cuộc thi Proudly Vietnamese Photography, quán quân cuộc thi Nghệ Thuật sắp đặt do Hội Mỹ thuật TP.HCM tổ chức.

Là những người có hơn 3 năm kinh nghiệm trong nghề và đạt được khá nhiều thành tựu nổi bật, hai khách mời đã có những chia sẻ về sự khác nhau khi còn đi học và khi đã đi làm.

Theo anh Lâm Lê, điều khác biệt lớn nhất đó là sự tự do. Khoảng thời gian học đại học là thời điểm anh có thể thử nghiệm, trải nghiệm và quyết định tất cả các ý tưởng mà bản thân thích. Nhưng khi đã bước vào một môi trường làm việc chuyên nghiệp, nơi mà mọi hành động của bạn đều có thể ảnh hưởng đến tập thể thì những sản phẩm bạn làm ra phải phù hợp với thông điệp, phù hợp với suy nghĩ của từng người. Bổ sung cho sự khác nhau giữa môi trường học tập và làm việc, anh Bình nói thêm: “Đối với mình thì đó là sự cân bằng. Khi ở trường, mình có nhiều thời gian hơn, được tự do làm bất cứ điều gì bản thân cảm thấy hứng thú. Nhưng khi ra trường, mình cần phải có sự cân bằng giữa điều bản thân mong muốn và điều khách hàng yêu cầu”.

“Trên trưng, giảng viên sẽ chấm điểm dựa trên sự sáng tạo, nhưng khi đi làm thì hoàn toàn khác” – Lê Lâm cho biết

Khi được hỏi về những tuyệt chiêu “Hành nghề” mà không bị “Nghề hành”, hai khách mời chia sẻ rằng: “Thay vì quá cầu toàn và chú tâm vào một sản phẩm để rồi một năm chỉ làm được một vài project, các bạn hãy làm thật nhiều, vấp ngã thật nhiều rồi sau đó tự các bạn sẽ rút ra được những kinh nghiệm quý giá cho bản thân. Quan trọng rằng các bạn phải tự nhận thấy lỗi sai ấy và khắc phục vào những lần tiếp theo. Hơn nữa các bạn phải tự tìm tòi, học hỏi những điều mới để theo kịp thời đại. Vì ngành sáng tạo liên tục thay đổi, chỉ sau một năm là đã bước sang một chiều không gian khác.”

Tuy cùng làm trong lĩnh vực sáng tạo nhưng hai khách mời lại chọn hai hướng đi với hai hình thức công việc hoàn toàn khác nhau để phát triển con đường sự nghiệp. Một người là freelancer còn người kia là nhân viên văn phòng. Vậy điểm khác biệt của hai hình thức này là gì?

Anh Bình cho rằng khi đã xác định đi theo con đường freelancer, giai đoạn đầu tiên sẽ cực kỳ khó khăn. Vì khi đó không ai biết bạn là ai, làm cách nào để tạo dựng thương hiệu cá nhân để khách hàng tìm đến bạn. Tiếp theo nữa, vì tính chất công việc của freelancer là làm việc trực tiếp với nhiều khách hàng khác nhau nên sự chuyên nghiệp phải được đặt lên hàng đầu. Từ việc trả lời tin nhắn, email đến việc trình bày ý tưởng cho khách hàng đều phải chỉn chu nhất có thể. Nhưng khi làm việc tự do như vậy, thời gian sẽ linh hoạt hơn và được rèn luyện kỹ năng giao tiếp.

Hai khách mời lần lượt nói về góc nhìn của mình khi làm việc tại môi trường khác nhau

Là một nhân viên văn phòng, anh Lâm chia sẻ rằng môi trường làm việc tập thể sẽ có những áp lực về trách nhiệm, kết quả của bạn có thể ảnh hưởng đến nhiều người khác. Vì vậy khi làm văn phòng, bạn sẽ được rèn luyện sức chịu đựng, quy củ về thời gian cũng như cách giao tiếp trong môi trường công sở. Anh Lâm bổ sung thêm: “Theo cá nhân mình ngoài năng lực chuyên môn, những yếu tố chủ quan để nhà tuyển dụng quyết định chọn mình đó là khả năng học hỏi nhanh và khả năng nắm bắt tình huống tốt”.

Với những bạn có niềm đam mê với ngành sáng tạo nói chung và ngành Thiết kế đồ họa nói riêng, anh Lâm Lê đưa ra lời khuyên: “Luôn lột xác và đổi mới bản thân, tìm tòi học tập những điều mới để nâng cao kỹ năng, nâng cao ý thức. Đừng để bản thân bị chậm so với xu hướng”. Còn điều anh Quang Bình muốn nhắn gửi đến sinh viên Đại học FPT rằng: “Hãy giao tiếp nhiều, xây dựng mối quan hệ tốt với mọi người xung quanh, phát triển social media và quan trọng nhất là nâng cao kỹ năng mềm”.

 “Từ đam mê đến thành công” khép lại với màn giao lưu giữa khách mời và các bạn sinh viên FPT về chủ đề xoay quanh những mối quan tâm, lo lắng về ngành Thiết kế đồ họa. Buổi talkshow lần này được tổ chức trên nền tảng giao lưu trực tuyến và thu hút rất nhiều sự quan tâm theo dõi của học sinh, sinh viên tại nhiều cơ sở thuộc Đại học FPT.

Thu Hà