Dự án “Trăm Năm Một Cõi” và phim ngắn cùng tên như một sợi tơ kết nối nghệ thuật Hát bội truyền thống với người trẻ hiện đại, mới đây nhóm sinh viên có tên “Se Sợi Kết Tâm” của Đại học FPT phân hiệu TP.HCM, đã thu hút được sự quan tâm rộng rãi từ các phía tin tức báo chí.
Là dự án được ấp ủ bởi nhóm 5 bạn sinh viên Nguyễn Hữu Trường, Nguyễn Thị Ngọc Trâm, Nguyễn Phan Thục Anh, Trảo Nhật Hằng và Lưu Vương Khánh Hà thuộc ngành Quản trị Truyền thông Đa phương tiện Đại học FPT TP.HCM. Chia sẻ với báo chí về lý do lựa chọn loại hình nghệ thuật truyền thống Hát bội để thực hiện với dự án môn học thuộc ngành Truyền thông Đa phương tiện lần này, SV Nguyễn Hữu Trường – Trưởng dự án cho biết: “Khi được tìm hiểu tài liệu, được nghe những nghệ nhân lão làng kể về Hát bội và những khó khăn khi không còn nhiều người muốn duy trì loại hình nghệ thuật này, nhóm đã ấp ủ ý định thực hiện dự án quảng bá, nhằm thay đổi nhận thức của người trẻ. Từ đó, dần hình thành mối quan tâm và động lực để các bạn theo đuổi dự án”.
Khi xác định được mục đích đúng đắn để theo đuổi, cả nhóm đã cùng nhau lên kế hoạch chi tiết từng hoạt động truyền thông phù hợp để tiếp cận tới nhóm thế hệ trẻ một cách hiệu quả nhất. Bên cạnh đó, nhóm cũng đã liên hệ xin được kết hợp cùng với Nhà hát Nghệ thuật Hát Bội TP.HCM thuộc Sở Văn hóa và Thể thao TP.HCM, cùng sản xuất phim ngắn “Trăm Năm Một Cõi” để thu hút sự quan tâm của khán giả. Được biết nội dung phim sẽ hé lộ về mối liên kết giữa Hát bội truyền thống và nét hiện đại của người trẻ ngày nay, mở ra một cuộc gặp gỡ thế hệ đầy cảm xúc.
Được biết phim ngắn “Trăm Năm Một Cõi” dự kiến công chiếu vào ngày 19/07/2023, với sự góp mặt của các nghệ sĩ nổi tiếng trong lĩnh vực Hát Bội như nghệ sĩ Bảo Châu, Hoàng Tuấn, Ngọc Quyên cùng diễn viên Trịnh Tấn – chàng thơ từng xuất hiện trong MV “Gặp nhưng không ở lại”, gương mặt quen thuộc của series phim “Gia đình cục súc”,…
Không chỉ đầu tư sản xuất phim ngắn, Dự án của nhóm còn tổ chức Triển lãm cùng tên với những Nhà tài trợ đặc biệt. Phải kể đến là những bộ trang phục với thiết kế tỉ mỉ, chỉn chu và các loại mặt nạ đặc trưng của loại hình nghệ thuật truyền thống này, được sự tài trợ và cấp phép trưng bày bởi Nhà hát Nghệ thuật Hát Bội TP.HCM. Cùng với đó, còn có sự xuất hiện của các sản phẩm đến từ “Gánh hát lưu diễn muôn phương” – dự án với tập sách ảnh cùng tên đã nhận được sự quan tâm và yêu thích của các độc giả trong thời gian vừa qua. Nền tảng giáo dục “Vang Vọng Trống Đồng” cùng các sản phẩm bắt mắt từ “Bội Ký” cũng là những Nhà tài trợ đáng quý mà Dự án “Trăm Năm Một Cõi” nhận được.
Ngay khi Triển lãm kết thúc cùng với thời gian dự kiến chiếu phim ngắn được công bố, Dự án “Trăm Năm Một Cõi” đã nhận được sự quan tâm của nhiều trang tin tức uy tín. Phải kể đến như Báo tạp chí Ngày nay, Trung tâm Báo chí Thành phố Hồ Chí Minh, Báo Phụ nữ, Báo Mới, VietNam+, … Nhóm sinh viên “Se Sợi Kết Tâm” ngay lập tức được sự ghi nhận từ các trang báo chí, nêu cao tinh thần gìn giữ và lưu truyền những nét đẹp nghệ thuật truyền thống của dân tộc. Mở ra một thế hệ trẻ hiện đại “hòa nhập” với sự phát triển của thế giới nhưng không “hòa tan” mà quên đi giá trị văn hóa dân tộc truyền thống của quê hương.
Chia sẻ về những khó khăn trong khi thực hiện Dự án, bạn Nguyễn Thị Ngọc Trâm – Đạo diễn của phim ngắn cho biết: “Đó là khoảng thời gian cả nhóm phải cùng nhau lên kế hoạch từng chiến lược truyền thông, gửi lời mời tới rất nhiều Nhà tài trợ nhưng đều bị từ chối hay những ngày chuẩn bị cho Triển lãm và quay phim, nhóm phải thức dậy và di chuyển tới địa điểm từ rất sớm để hoàn tất mọi công việc một cách chỉn chu và cẩn thận. Tuy mệt mỏi và vất vả nhưng nhóm vẫn không từ bỏ mà cùng nhau cố gắng hoàn thiện với mong muốn có thể đem lại chút giá trị cho xã hội đó là đưa loại hình nghệ thuật Hát bội truyền thống tới gần hơn các bạn trẻ hiện đại.”
Với những nỗ lực không ngừng nghỉ của các bạn nhóm “Se Sợi Kết Tâm” cùng dự án “Trăm Năm Một Cõi”, chắc chắn mọi sự cố gắng và giá trị các bạn đem tới xã hội sẽ được mọi người đón nhận. Chúc cho tương lai nhóm sẽ đem lại những Dự án ý nghĩa hơn nữa!
Trà My