Đợt bảo vệ đồ án tốt nghiệp của sinh viên FPT vừa qua đã khép lại với ấn tượng về những ý tưởng, đồ án mang tính thực tế cao. Nhiều đồ án xuất sắc ghi điểm trong mắt hội đồng tốt nghiệp cũng như các bạn sinh viên về sự công phu, tâm huyết.
Đồng hồ led xoay
Một chiếc đồng hồ led xoay tít với màu sắc rực rỡ tạo hình ngộ nghĩnh, được điều khiền từ xa… là một sản phẩm gây ngạc nhiên thích thú trong đợt bảo vệ đồ án hôm 26/4 vừa qua. Đó là đồ án của nhóm sinh viên Nguyễn Thanh Tùng, Nguyễn Thế Long, Đinh Quang Hải, Đinh Xuân Bách và Đỗ Văn Ban. Đây là một đồ án nhận được sự đánh giá rất cao của các thầy trong Hội đồng phản biện đồ án.
Chiếc đồng hộ led xoay – sản phẩm gây thích thú trong lễ bảo vệ đồ án hôm 26/4
Theo cả nhóm, chiếc đồng hồ PLED (Propeller LED) là kết quả của sự tìm tòi, lựa chọn và nỗ lực làm việc “vì một sản phẩm đồ án hữu ích, độc đáo, và vượt trội so với những đồ án trước đó”. Sau một quá trình brainstorm ý tưởng, cả nhóm đã thống nhất làm chiếc đồng hồ xoay – cải tiến một sản phẩm đã có trên thị trường với tham vọng cao hơn.
“Chiếc đồng hồ đã có trên thị trường có giá 850 nghìn, được điều khiển bằng tia hồng ngoại nên dễ bị cản trở, ít màu sắc. Chúng tôi muốn thực hiện chiếc đồng hồ có màu sắc phong phú hơn, hiển thị được 7 màu, điều khiển bằng module sóng radio ổn định hơn, và nếu đưa ra thị trường sẽ có giá thành rẻ hơn.” – Bạn Đinh Xuân Bách chia sẻ.
Sau bốn tháng làm đồ án, trải qua nhiều khó khăn, vất vả, thậm chí có lúc tưởng như rơi vào một vùng trời mù mịt vì thất bại, họ đã thành công. Tất cả các thành viên trong nhóm đều rất tâm đắc với chiếc đồng hồ PLED hoàn thiện được tới 90% kỳ vọng ban đầu.
Bạn Nguyễn Thanh Tùng, trưởng nhóm đồ án cho biết, quá trình đồ án đã giúp Tùng thu nhận được nhiều điều giá trị: Sự kiên trì, quyết không bỏ dở ý tưởng; sự hứng khởi khi làm việc cùng đồng đội; sự thăng hoa khi khắc phục được những khó khăn, hoàn tất sản phẩm công nghệ đầu tay..
Chia sẻ về dự định phát triển đồ án trong tương lai, Đinh Quang Hải, một thành viên của nhóm cho rằng sản phẩm hoàn toàn có thể phát triển với quy mô lớn hơn khi tìm được nhà đầu tư phù hợp.
Chỉ đường bằng giọng nói
Smart navigator application – Ứng dụng chỉ đường thông minh là sản phẩm đồ án của Nguyễn Xuân Toán, Lê Ngọc Công, Vũ Thế Anh, Hoa Xuân Bách và Nguyễn Đại Dương. Ứng dụng thông minh cho điện thoại này nếu được đưa vào sử dụng sẽ giúp các lái xe tìm được đường đi một cách dễ dàng mà không phải lệ thuộc vào những thiết bị gắn thêm trên xe.
Đại diện nhóm demo sản phẩm chỉ đường bằng giọng nói
Bạn Nguyễn Xuân Toán – đại diện nhóm cho biết, ý tưởng đồ án này xuất phát từ thực tế nhu cầu tìm đường đi và sự phổ biến của điện thoại thông minh. Tuy nhiên, những ứng dụng tương tự, nếu có chỉ mới dừng lại ở việc chỉ dẫn các hướng (rẽ trái, rẽ phải…)
“Đồ án của chúng mình sẽ giúp người dùng ít lệ thuộc hơn nữa bằng cách hướng dẫn chi tiết hướng rẽ và tên đường (VD: Rẽ phải vào phố Tôn Thất Thuyết). Như vậy người lái xe không còn cần phải nhìn vào màn hình điện thoại mà chỉ cần nghe là đủ” – Toán giải thích.
Chàng trai này cho biết, điểm mà bạn tâm đắc nhất ở đồ án của mình là hệ thống hướng dẫn giọng nói chi tiết đến tận tên đường. Đây là phần giá trị, độc đáo nhất của ứng dụng.
Để hoàn thiện được sản phẩm, cả nhóm đã phải tìm hiểu rất nhiều công nghệ mới, tìm tòi các thuật toán để xử lý những vấn đề nhóm gặp phải như thuật toán lấy tên đường tự động (Google không cung cấp data tên các con đường), thuật toán xác định hướng rẽ dựa trên 3 điểm, thuật toán xác định đường rẽ tiếp theo…
Không dừng lại ở đó, họ còn phải thử nghiệm rất nhiều mới đi tới sản phẩm thành công như: Lang thang hết phố này sang phố nọ để test sản phẩm lúc 2-3 giờ sáng; thức trắng đêm thường xuyên để kịp hoàn thành công việc đúng tiến độ; mày mò tự ghi âm giọng nói chỉ đường… Nhóm còn tìm đến các anh chị của Viện nghiên cứu công nghệ FPT nhờ giúp đỡ trong việc làm data sản phẩm…
Nhờ đó, sau bốn tháng làm đồ án, các thành viên đều “lên trình” cả về kiến thức chuyên môn, kĩ năng làm việc nhóm, kĩ năng làm dự án…
Tự hào với ứng dụng đặc biệt của mình, đại diện nhóm Bùi Xuân Toán chia sẻ: “Hi vọng trong thời gian tới chúng mình có thể hoàn thiện hơn nữa ứng dụng này nhằm mục đích thương mại hóa sản phẩm”.
Ứng dụng “Chăm sóc sức khỏe mỗi ngày”
“Daily health care” là một phần mềm thú vị giúp chăm sóc sức khỏe cho con người do các bạn Trần Trọng Quang, Nguyễn Đức Phúc, Nguyễn Đức Thắng, Nguyễn Quang Huy là chủ nhân.
Ứng dụng này sẽ cung cấp cho người dùng những bài tập luyện và chế độ ăn uống hàng ngày để chữa bệnh, giảm cân… theo một chế độ đã được kiểm duyệt bởi các chuyên gia. Sản phẩm còn giúp theo dõi tình trạng của người dùng khi làm theo các chế độ độ đó có đạt được kết quả mong muốn hay không để đưa ra những chỉ dẫn cần thiết tiếp theo. Bên cạnh đó, người dùng có thể giao lưu với những người khác cùng sử dụng ứng dụng trên một diễn đàn nhỏ tích hợp bên trong ứng dụng.
Trần Trọng Quang, Nguyễn Đức Phúc, Nguyễn Đức Thắng, Nguyễn Quang Huy đã có 4 tháng hợp sức làm đồ án hết sức vui vẻ với nhiều kỉ niệm đẹp
Nhận được rất nhiều lời khen ngợi từ Hội đồng chấm đồ án tốt nghiệp, cả nhóm ai nấy đều “tươi như hoa”. Trần Trọng Quang, nhóm trưởng vui vẻ tiết lộ, dù nhiều khó khăn nhưng cả nhóm hầu như không cãi nhau bao giờ. “Điều tâm đắc nhất của chúng tôi là được làm việc cùng nhau để hoàn thiện sản phẩm này” – Quang nói.
Tuy nhiên, Quang cũng chia sẻ một bài học quan trọng mà theo bạn cần thiết trong mọi việc, nhất là với dân phần mềm đó là: Phải chắc chắn, rõ ràng về ý tưởng, mục đích sản phẩm ngay từ đầu.
Được biết, ứng dụng của nhóm đồ án đã được một vài bạn học cùng trường cài vào điện thoại để “dùng thử”, bước đầu cho thấy những sự thích thú, hài lòng nhất định. Thời gian tới, nhóm mong muốn sẽ đưa ứng dụng Daily health care lên Google play để chia sẻ cho mọi người có thể sử dụng.