Sở hữu vẻ ngoài xinh xắn, dễ thương nhưng ít ai biết, Nguyễn Thị Huyền (SV K12 chuyên ngành Ngôn ngữ Nhật, Trường ĐH FPT Hà Nội) lại là một “cao thủ” võ thuật đầy cá tính và khí chất trên sàn đấu.
Cô nàng còn có hẳn một bộ sưu tập huy chương đủ màu, đủ giải cả trong và ngoài trường.
Huyền lần đầu tiên khoác lên mình bộ võ phục, chân trần ra sân tập luyện Vovinam khi trở thành sinh viên năm nhất Trường ĐH FPT. Từng nghĩ “con gái làm sao học võ được” vậy mà sau khi trải nghiệm tinh thần môn võ Việt này mang đến, nữ sinh không chỉ học mà còn đam mê và giỏi bộ môn này.
“Nữ học võ có thể yếu hơn về thể lực so với nam, nhưng lại có thế mạnh về sự mềm dẻo, linh hoạt, phù hợp với những bài quyền Vovinam vừa có nhu, vừa có cương. Ở Trường ĐH FPT, Vovinam được dạy thay cho các môn giáo dục thể chất thông thường, giúp sinh viên vừa được rèn luyện sức khỏe thông qua võ thuật, vừa được trau dồi đạo đức, nhân cách của người nhà võ. Do đó, càng học bộ môn này, mình càng say mê và háo hức gia nhập CLB Vovinam để được luyện tập cùng thầy cô và các bạn ngoài giờ lên lớp”, Huyền chia sẻ.
Là một trong những thành viên nữ của CLB Vovinam Trường ĐH FPT, Huyền đã chứng minh những “bóng hồng” cũng có thể tỏa sáng trên thảm đấu võ thuật. Suốt 4 năm Đại học, cô bạn đã tham gia rất nhiều giải đấu Vovinam cấp trường, giải HSSV toàn miền Bắc và toàn quốc với sở trường biểu diễn kiếm.
Đặc biệt, lần nào đi thi, nữ sinh cũng đem về những tấm huy chương danh giá, có thể kể đến như: Huy chương Bạc giải Vô địch Vovinam sinh viên khu vực miền Bắc 2017, 4 Huy chương Vàng giải Vovinam – Võ Việt tranh hùng đoạt Cóc Vương 2018 & 2019, Huy chương Đồng giải Hà Nội mở rộng 2018, Huy chương Bạc giải Vovinam Sơn Tây – Xứ Đoài mở rộng 2019, Huy chương Bạc giải Vovinam Sinh viên toàn quốc lần thứ 2 năm 2019…
Không chỉ gặt hái nhiều huy chương trên sàn đấu võ thuật, Huyền còn đúng chuẩn hình mẫu nữ sinh “văn võ song toàn” khi luôn giữ vững phong độ học tập trên lớp, cân đối được thời gian để vừa học tốt, vừa nuôi dưỡng được đam mê. Cô bạn từng là quán quân cuộc thi Ngôn ngữ FPT Edu NihongoEng năm 2020, bảng tiếng Nhật (Đội Himari).
Hiện tại, sau khi tốt nghiệp K12 chuyên ngành Ngôn ngữ Nhật, Trường ĐH FPT Hà Nội, Huyền đang có một công việc đúng chuyên ngành và có nhiều “đất” để phát triển khả năng ngoại ngữ của mình tại một doanh nghiệp của Nhật Bản.
“Mặc dù đã ra trường và không còn nhiều thời gian để luyện rèn Vovinam như thời sinh viên, nhưng những tháng ngày học tập và thi đấu võ thuật mà Trường ĐH FPT đã mang đến cho mình sẽ luôn là những trải nghiệm tuyệt vời, ý nghĩa và đáng nhớ. Mình rất trân trọng và biết ơn các thầy cô trường F vì đã khai mở và vun đắp ở mình niềm đam mê với bộ môn võ thuật truyền thống, giúp mình rèn luyện bản lĩnh tự tin, vững vàng hơn trong mọi hoàn cảnh”, nữ sinh chia sẻ.
Cô cũng cho biết Trường ĐH FPT là môi trường tốt để vừa học chuyên môn vừa rèn luyện võ thuật lẫn trải nghiệm một đời sinh viên đáng sống. “Nhập học ĐH FPT vẫn là quyết định ưng ý của mình”, Huyền nói.
Theo FPT Edu