Những câu chuyện liên quan tới tác phẩm “Thế giới phẳng” cũng như sự “phẳng hóa” của thế giới hiện tại vừa được tác giả Thomas L. Friedman chia sẻ tại Viện Quản trị Kinh doanh (FSB) – Trường Đại học FPT chiều ngày 7/5. Buổi đối thoại có sự góp mặt của đông đảo giảng viên, cán bộ và sinh viên FPT cũng như các học viên của chương trình MBA, Mini MBA.
Đây là lần thứ 2 sau 20 năm, Thomas L. Friedman quay lại thăm Việt Nam theo lời mời của Bộ Ngoại giao Việt Nam. Sinh viên, giảng viên, cán bộ Đại học FPT đã may mắn được giao lưu cùng ông trong buổi chiều ngày 7/5.
Mở đầu buổi giao lưu, khẳng định sự kiện quan trọng nhất những thập niên đầu tiên của thế kỉ 21 là yếu tố toàn cầu hóa và cách mạng CNTT, Nhà báo quốc tế – nhà bình luận thời cuộc nổi tiếng – tác giả cuốn sách “Thế giới phẳng” – Thomas L. Friedman, cho biết: “Thế giới đi từ kết nối tới siêu kết nối, từ liên kết nối tới phụ thuộc lẫn nhau. Và điều đó ảnh hưởng tới tất cả công việc chúng ta đang làm, ảnh hưởng tới trường học, sự lựa chọn nghề nghiệp của tất cả chúng ta”.
Nhắc tới cuốn sách “Thế giới phẳng”, Friedman thừa nhận, chỉ trong vòng 10 năm, thế giới đã thay đổi quá nhiều khiến những gì được viết trong sách không còn bắt kịp. Bước ngoặt lớn nhất là sự ra đời của Facebook và các mạng xã hội tương tự thay đổi hoàn toàn diện mạo Internet.
Cũng bắt nguồn từ sự thay đổi của thế giới từ phẳng sang phẳng hơn, một số điều về thế giới ngày nay cũng được “cha đẻ” của tác phẩm “Thế giới phẳng” chia sẻ cụ thể đứng từ vị trí của một người tiêu dùng, một nhà sáng tạo hay một người lãnh đạo. Theo Friedman, trong thế giới siêu kết nối, điều tuyệt vời nhất là trở thành người tiêu dùng thông thái và nhà sáng tạo tài ba. Những giá trị trung bình, năng lực trung bình sẽ sớm bị mai một bởi các ông chủ dễ dàng tiếp cận được với các nguồn lực đảm nhiệm được những công việc này.
Hướng tới các sinh viên trẻ có mong ước khởi nghiệp, Friedman khuyến khích: “Bất cứ ai cũng có thể bắt đầu một công ty mang tầm cỡ toàn cầu chỉ sau một đêm. Các bạn có Bằng Tốt nghiệp ngành Kinh tế hoàn toàn có thể lập ra một công ty có tầm cỡ toàn cầu chỉ bằng việc sử dụng hai thứ là smartphone và credit card!”
Sinh viên FPT Cao Thị Thanh Huyền trong phần hỏi đáp với tác giả Thomas L. Friedman.
Trước phân tích của diễn giả về sự riêng tư của chúng ta bị mất đi trong thời đại này, Cao Thị Thanh Huyền- sinh viên ngành Kinh tế Đại học FPT gửi tới ông câu hỏi: “Chúng ta có nên ‘co’ lại trong thế giới này không?”. “Chúng ta hoàn toàn không nên.” là câu trả lời của Friedman dành cho cô nữ sinh FPT. Và ngay sau đó, ông đã gợi ý một cuốn sách liên quan đến chủ đề này mang tên “How?” – “Làm như thế nào?”. Trong đó, tác giả cuốn sách cho rằng, ngày nay, cách chúng ta sống, đối xử với tất cả mọi người rất quan trọng. Cách thức đấy hơn bao giờ hết trở thành một tài sản cá nhân cần chúng ta đặc biệt quan tâm. Nếu chúng ta hành động đúng thì nó sẽ có tác dụng rất tốt, ngược lại chúng ta sẽ phải trả giá.
Khẳng định trong cuộc cách mạng thông tin đang ngày càng phát triển như hiện này, chỉ có không ngừng sáng tạo và tái sáng tạo thì chúng ta mới có thể tồn tại và được trọng dụng, Friedman nhấn mạnh: “Là một công nhân hay lao động chân tay trong thế giới này sẽ thực sự khó khăn. Tôi cho rằng, tính trung bình, năng lực trung bình sẽ không còn chỗ để tồn tại”.
Chia sẻ thêm, diễn giả cho biết: “Tôi có 2 cô con gái và vẫn thường nói với các con rằng, ngày xưa, việc duy nhất của cha khi học xong là lo tìm việc làm. Còn với các con ngày nay, điều quan trọng không phải là lo tìm việc mà phải sáng tạo ra việc làm. Có như thế, các con mới có thể tồn tại và được tôn trọng trong xã hội này”.
Là một trong số ít các sinh viên FPT có may mắn tham dự buổi chia sẻ này, Trần Thị Thu Hiền, sinh viên khóa 6B cho biết, điều bạn cảm thấy thú vị nhất sau chương trình là những vấn đề xoay quanh khái niệm toàn cầu hóa và sự phát triển vượt bậc của khoa học công nghệ trong thế kỉ 20 và 21.
Thu Hiền tâm sự, bài học nhãn tiền mình rút ra được ngay sau buổi chia sẻ là phải liên tục cập nhật thông tin, đọc nhiều sách hơn để nắm bắt được xu hướng của thế giới ngày càng phẳng hơn. “Bên cạnh đó, nên mạnh dạn thực hiện ý tưởng kinh doanh của mình, vì theo như chia sẻ của tác giả ‘nếu bạn không làm thì chắc chắn ở đâu đó trên thế giới sẽ có người làm’”, cô nữ sinh FPT khẳng khái.
Cũng trong buổi trò chuyện tại Đại học FPT, Thomas L. Friedman công nhận “Thế giới phẳng” ngày nay đang tạo rất nhiều cơ hội cho giới trẻ. Nhiều bạn trẻ ở Ấn Độ, Mexico đã sử dụng công nghệ để tạo ra những sản phẩm, ứng dụng giá rẻ để giải quyết các vấn đề lớn của quốc gia như an ninh năng lượng, giao thông, tài chính. Hướng tới người tham dự, sinh viên FPT, diễn giả nhấn mạnh: “Các bạn trẻ, có hoài bão, ước mơ, có phương tiện, có ý tưởng thì hãy bắt tay vào làm ngay, nếu không, ở nơi nào đó trên thế giới sẽ có người khác làm”.
Được biết, sau buổi trò chuyện tại Đại học FPT, từ ngày 9-10/5, Thomas Friedman có chương trình ra mắt bản cập nhật của cuốn Thế giới phẳng tại TP. HCM, gặp gỡ các nhà kinh tế học hàng đầu và đối thoại với sinh viên tại đây.
Cuốn sách “Thế giới phẳng” của Thomas L. Friedman ra đời năm 2004 dựa trên cơ sở sự phát triển 4 nhân tố công nghệ mới trong đời sống xã hội thời bấy giờ, đó là: Việc sử dụng khá phổ biến máy tính PC trong đời sống xã hội; Sự xuất hiện của mạng Internet giúp kết nối, trao đổi thông tin mọi lúc mọi nơi; Phần mềm xử lý công việc ngày phát huy hiệu quả; Sự xuất hiện của cỗ máy tìm kiếm thông tin khổng lồ Google. “Thế giới phẳng” đã gây xôn xao thế giới, được dịch sang 42 thứ tiếng và được bán tại nhiều quốc gia với tổng số 52 triệu bản. Tuy nhiên, tác giả Thomas L. Friedman vẫn hóm hỉnh chia sẻ rằng nếu đổi tên cuốn sách thành “Thế giới đang được làm phẳng” thì có lẽ đã tác động được tới nhiều người hơn và lượng tiêu thụ sách sẽ lớn hơn. |