Chương trình “Tâm lý học đường” được ĐH FPT triển khai từ tháng 12/2016 sau khi học hỏi từ mô hình “Tâm lý học đường” của Mỹ, với mong muốn hỗ trợ sinh viên các vấn đề khó khăn tâm lý trong cuộc sống học đường.
Ám ảnh vì bị lạm dụng tình dục, người yêu phản bội
H. – một sinh viên năm thứ nhất đến phòng Tư vấn tâm lý học đường trong trạng thái căng thẳng và lo âu, trên tay có nhiều vết cắt bằng dao, chỉ vì gia đình H. không may bị phá sản. Sau khi được hỗ trợ bởi chương trình tư vấn tâm lý học đường của Trường đại học FPT, hiện tình trạng của H. đã ổn định được hơn 70%, giảm tình trạng mất ngủ, kết quả học tập tốt hơn.
Bên cạnh đó, H. cũng tự tìm các công việc làm thêm để trang trải tài chính cho mình và cũng tự xác định được các mục tiêu cũng như định hướng sự nghiệp. Hiện H. vẫn đang tiếp tục được trị liệu bằng các liệu pháp tâm lý của chương trình này.
Cũng là một trường hợp bị khủng hoảng tâm lý, N.T, sinh viên năm 3 của Trường đại học FPT, luôn cảm thấy lo sợ khi tiếp xúc với bạn trai và không tin tưởng vào bạn khác giới. N.T đến phòng tâm lý trong trạng thái lo âu ở mức độ nặng. Trong quá trình tiếp xúc và điều trị cho sinh viên này, chuyên gia tâm lý của chương trình đã phát hiện N.T bị sang chấn tâm lý trong quá khứ, khi từng bị lạm dụng tình dục từ nhỏ bởi một người hàng xóm.
Trải qua gần 2 tháng trị liệu tâm lý, mỗi tuần 2 buổi, điểm số lo âu của N.T đã giảm xuống mức độ nhẹ. Kết hợp một số liệu tâm lý, N.T đã tự vượt qua được các stress, lo âu và có kết quả học tập khá tốt. Hiện N.T cho biết đã có tình cảm với một bạn nam và không còn lo sợ như trước.
Một sinh viên nữ đang học năm thứ 3 của trường này cũng rơi vào trạng thái khủng hoảng trầm trọng khi bị người yêu phản bội. Cô tâm sự: “Mỗi buổi sáng thức dậy, suy nghĩ đầu tiên mà tôi nghĩ đến là: tại sao tôi lại sinh ra trên cuộc đời này? Rồi sau đó cố nghĩ cho mình một lý do ngớ ngẩn nào đó để có thể tiếp tục sống”. Tuy nhiên, sau khi hợp tác với chuyên gia tâm lý của chương trình, cô đã thay đổi rất nhiều. “Tôi cũng nhận ra rằng: hóa ra, từ rất lâu nay tôi không hiểu bản thân mình, luôn để cho quá khứ làm cho buồn bã và để cho những suy nghĩ tiêu cực về tương lai làm cho bạn thân phải lo lắng…”, sinh viên này tâm sự.
Đó chỉ là một trong rất nhiều trường hợp sinh viên bị sốc tâm lý, đã được chương trình Tư vấn tâm lý học đường của Trường đại học FPT “chữa lành”, trong đó, nhiều ca nếu không được hỗ trợ kịp thời đã rơi vào bị kịch.
Mô hình chưa từng có ở các trường đại học Việt Nam
Hiện nay, việc tư vấn tâm lý học đường cho sinh viên còn khá mới mẻ ở Việt Nam vì nhiều người cho rằng, sinh viên là đối tượng trưởng thành nên không cần đến hoạt động này. Tuy nhiên, khi bước chân vào giảng đường đại học, nhiều sinh viên lần đầu tiên phải xa gia đình, các em sẽ có không ít bỡ ngỡ và bị “sốc” về văn hóa, đời sống cũng như các mối quan hệ tình cảm, xã hộị…
Theo chuyên gia tâm lý Khuất Thị Hoa, cán bộ phụ trách chương trình, trong vòng chưa đầy 1 năm, Phòng tư vấn tâm lý của trường đã tiếp đón gần 1.000 lượt sinh viên. Quá trình hỗ trợ cho 1 sinh viên có thể kéo dài nhiều ca, trong nhiều tuần/tháng với thời lượng 90 phút/ca tư vấn. Thông tin chia sẻ đều được ký cam kết bảo mật.
Sau hơn 1 năm hoạt động, chương trình không chỉ hỗ trợ sinh viên về việc học tập, mà còn là nơi để các em chia sẻ những “góc khuất” trong cuộc sống. Từ đó, giúp các em thoát khỏi bi kịch và có định hướng tốt hơn cho tương lai.
Gần 58% khó khăn tâm lý liên quan đến định hướng nghề nghiệp Theo khảo sát của Trường đại học FPT thì có tới 57,58% khó khăn tâm lý liên quan đến định hướng nghề nghiệp; 52,05% số sinh viên gặp vấn đề khó khăn tâm lý trong quá trình vận dụng các kỹ năng mềm (giao tiếp, thuyết trình, thuyết phục, làm việc nhóm …); 38,52% số sinh viên gặp khó khăn tâm lý liên quan đến quá trình học tập; 33,61% số sinh viên gặp khó khăn tâm lý liên quan đến chuyện tình cảm và các mối quan hệ xã hội. |
Theo Thanhnien