Trong buổi workshop “How to sell yourself”, các bạn thí sinh top 27 FPT Edu Color Up 2020 đã được diễn giả Henry Hưng Nguyễn và Lailai Nguyễn chia sẻ những kinh nghiệm quý báu trong việc tìm kiếm ý tưởng, xây dựng quy trình làm việc cũng như phương pháp để nâng cao giá trị bản thân đối với khách hàng.
Chiều ngày 28/12, các thí sinh trong top 27 cuộc thi FPT Edu Color Up 2020 đã có buổi chia sẻ “360 độ chuyện nghề” vui vẻ, bổ ích cùng hai diễn giả Henry Hưng Nguyễn và Lailai Nguyễn trong workshop “How to sell yourself” tại Trung tâm Nghệ thuật đương đại VCCA (Hà Nội).
Top 27 FPT Edu Color Up 2020 hào hứng tham gia workshop “How to sell yourself”
Portfolio – “card visit” nói với khách hàng: Bạn là ai?
Trong phần đầu của workshop, các diễn giả đã nhấn mạnh về vai trò của portfolio trong việc thu hút khách hàng. Theo anh Henry Hưng Nguyễn, để có một portfolio ấn tượng thì trước tiên phải có sản phẩm để “thả” vào đó. Nhiều bạn sinh viên cho rằng mình chưa đi làm, chưa có các sản phẩm ấn tượng thì sẽ không làm được portfolio là hoàn toàn sai lầm.
“Trong trường hợp khách hàng tìm đến mình, bạn không thể trả lời là không có sản phẩm. Trong trường hợp bạn tìm đến họ, bạn không thể tay trắng đòi trả giá cao cho những cái họ không được nhìn thấy. Bạn phải làm thật nhiều để họ hình dung style này có hợp với mình không, có đúng với cái mình muốn không. Các bạn sinh viên có thể dùng chính những bài tập mình trên lớp mà mình ưng ý nhất, sản phẩm trong các dự án cá nhân (tham gia cuộc thi, dự án phi thương mại…) để làm portfolio. Bạn phải làm mình trở nên khác biệt thì người khác mới có lý do chấp thuận “mua bạn” với giá cao”, anh Henry Hưng Nguyễn chia sẻ.
Những kinh nghiệm của hai diễn giả giúp các bạn sinh viên phát triển hơn trong việc học tập và công việc sau nàyBên cạnh đó, hai diễn giả cũng lưu ý với các bạn sinh viên thường mắc phải lỗi “tham thông tin” khi trình bày portfolio. Nhà tuyển dụng, khách hàng thường rất bận và số lượng ứng viên nhiều nên họ sẽ không xem hết những portfolio quá dài. Đối với portfolio dành cho sản phẩm Graphic thì nên chia thành các nhóm chủ đề, đầu tư vào trình bày layout, layer, typo… Còn với portfolio dành cho sản phẩm Digital, dung lượng nên dưới 5MB và upload lên những trang dễ xem như Youtube. Nhìn chung, hãy làm sao để tạo ấn tượng nhanh nhất với khách hàng chỉ trong vài giây đầu tiên.
Theo hai diễn giả, portfolio dạng in ấn cần phô diễn khả năng chọn lọc thông tin còn portfolio dạng online cần thể hiện khả năng sắp xếp, đăng tải và vận hành thông tin trên đó
Hóa giải trăn trở: Đi tìm ý tưởng ở đâu?
“Đi tìm ý tưởng ở đâu?” là câu hỏi mà rất nhiều thí sinh trăn trở. Đa số các bạn cho biết mình thường rơi vào trạng thái “bí”, thậm chí là cạn kiệt ý tưởng và không biết bắt đầu từ đâu khi nhận được đề bài của giảng viên hay đơn vị mình đang làm việc.
Đối với diễn giả Lailai Nguyễn, ý tưởng xuất phát từ cuộc sống và đòi hỏi người làm nghề phải rèn luyện kỹ năng quan sát, chắt lọc những giá trị hữu ích. Mỗi trải nghiệm xung quanh sẽ tích lũy theo thời gian, hình thành kho dữ liệu để ứng dụng cho công việc sau này.
Nhiều câu hỏi từ phía thí sinh khiến khách mời thích thú
“Anh có một thói quen là phân tích mọi thứ mà mình nhìn thấy. Khi gặp một ấn phẩm thiết kế, anh sẽ phân tích xem màu sắc có hài hòa không, font chữ đã phù hợp chưa, bố cục có thể sắp xếp như thế nào để ấn tượng hơn… Nhờ đó, anh có thể dễ dàng tìm thấy những ý tưởng mới cho mình”, anh Lailai nguyễn nói.
Đồng tình với quan điểm này, anh Henry Hưng Nguyễn cũng chia sẻ có hai cách để tìm thấy ý tưởng. Một là, ý tưởng nằm bên trong con người, nó được hội tụ từ ký ức tuổi thơ, trải nghiệm cuộc sống… Hai là, ý tưởng xuất phát từ khách hàng.
“Định giá” bản thân được bao nhiêu là do chính chúng ta
Bạn “định giá” bản thân được bao nhiêu tiền là câu hỏi song hành cùng với tuổi nghề. Tuổi nghề càng cao, kinh nghiệm càng nhiều, kỹ năng càng vững, uy tín càng lớn thì giá trị của bạn càng tăng cao. Ngay từ bây giờ, các bạn sinh viên cần chủ động học hỏi, sẵn sàng dấn thân vào thử thách và không ngừng nâng chuẩn của bản thân để tự tin theo đuổi ngành nghề Thiết kế đồ họa – công việc có tính cạnh tranh cao và biến đổi từng ngày.
FPT Edu Color Up là cuộc thi thiết kế đồ họa thường niên lớn nhất dành cho toàn thể học sinh, sinh viên đang theo học tại các hệ đào tạo thuộc Tổ chức Giáo dục FPT – FPT Edu. Cuộc thi mong muốn xây dựng một sân chơi giúp học sinh sinh viên có cơ hội trải nghiệm, học hỏi, giao lưu, nâng cao năng lực chuyên môn cũng như các kỹ năng mềm tối cần thiết đặc trưng cho ngành Thiết kế Đồ hoạ.
Với tổng giải thưởng lên tới hơn 120 triệu đồng, cùng hàng loạt thử thách được thiết kế chuyên biệt nhằm mài giũa kỹ năng cho thí sinh, FPT Edu ColorUp 2020 sẽ chứng kiến sự tranh tài quyết liệt của các thí sinh ngành Thiết kế Đồ hoạ ở 2 bảng đấu: Digital Design và Graphic Design.
Các mốc thời gian quan trọng của cuộc thi:
Vòng sơ loại: 11/11 – 11/12/2020
Công bố top 15 mỗi bảng: 17/12/2020
Vòng chung kết: 28 – 30/12/2020
Hệ thống tin tức của cuộc thi:
Website cuộc thi: https://fpt.edu.vn/fpteducolorup2020/
Fanpage: http://bit.ly/FPTEduColorUp
Tin bài cuộc thi: http://fpt.edu.vn
Theo FPT Edu