Chuyên ngành Hệ thống thông tin: Học gì, điểm chuẩn bao nhiêu, tốt nghiệp ra làm gì?

Khi nhắc đến chuyên ngành Hệ thống thông tin, nó không chỉ mang đến nhiều cơ hội phát triển mà còn mang đến nhiều giải pháp cho doanh nghiệp. Chính vì vậy mà Hệ thống thông tin đã được nhiều bạn trẻ đam mê theo đuổi. Để có một bức tranh tổng quát về chuyên ngành này, bạn tuyệt đối không nên bỏ qua bài viết dưới đây. Cùng tìm hiểu nhé!

Nội dung bài viết

Tổng quan về chuyên ngành Hệ thống thông tin

Tong quan ve chuyen nganh He thong thong tin

Muốn theo đuổi chuyên ngành này, trước tiên bạn cần nắm rõ các vấn đề liên quan đến Hệ thống thông tin như: Học gì, học trường nào, nên thi khối nào,… Cùng tìm hiểu ngay phía dưới đây. 

Hệ thống thông tin (gọi tắt là IS) sẽ học cái gì?

Theo đuổi chuyên ngành Hệ thống thông tin, bạn sẽ được học cách tạo ra, vận hành và triển khai các phần mềm hệ thống. Sinh viên sẽ được trang bị các kiến thức quan trọng liên quan đến cơ sở hệ thống thông tin, phân tích và quản trị hệ cơ sở dữ liệu. Khai thác các loại dữ liệu quan trong, thực hành phát triển ứng dụng web, quản lý dự án. Ngoài ra, sinh viên còn được đào tạo về ngôn ngữ lập trình,…

Không chỉ được chú trọng vào việc tích lũy kiến thức, trang bị ngoại ngữ, sinh viên còn được trau dồi kỹ năng mềm, phát triển cá nhân một cách toàn diện. 

Hệ thống thông tin thi khối nào?

Đối với chuyên ngành này, đa số các trường Đại Học thực hiện tuyển sinh thông qua các tổ hợp môn như sau: 

  • Khối A00: Toán, Lý, Hóa
  • Khối A01: Toán, Lý, Anh
  • Khối D01: Toán, Văn, Anh
  • Khối D07: Toán, Hóa, Anh
  • Khối D90: Toán, Anh, Khoa học tự nhiên…

Chương trình đào tạo chuyên ngành Hệ thống thông tin

Ngay từ khi bước vào năm đầu tiên, sinh viên sẽ được làm quen với ngôn ngữ C, thực hành lập trình từ cơ bản đến phức tạp. Không những thế, sinh viên còn được tìm hiểu sâu hơn về kiến trúc và tổ chức máy tính. 

Tiếp đến học kỳ 2, sinh viên sẽ có được kỹ năng thiết kế một giao diện website cơ bản, học được cách giao tiếp với hệ cơ sở dữ liệu, thiết kế Database thông qua các môn học như: Thiết kế Web, Lập trình hướng đối tượng (với Java), Các hệ cơ sở dữ liệu…

Kết thúc chương trình học, sinh viên sẽ nắm vững quy trình vận hành và phát triển phần mềm như: Waterfall, Spiral, Iterative Development, Agile,… Ngoài ra, còn có các kỹ thuật trong kiểm thử phần mềm: Unit Test, BlackBox, WhiteBox, Equivalent, Boundary.

Sinh viên ra trường có khả năng đánh giá, thẩm định và quản lý các dự án hệ thống thông tin trong doanh nghiệp; khả năng tư vấn, lập kế hoạch, xây dựng và triển khai các dự án Hệ thống thông tin quản lý.

 Các trường đào tạo và điểm chuẩn ngành Hệ thống thông tin

Cac truong dao tao va diem chuan nganh He thong thong tin

Đa số các trường Đại học đào tạo ngành Công nghệ thông tin đều có chuyên ngành Hệ thống thông tin. Bạn có thể tham khảo một số trường thuộc top đầu trong lĩnh vực đào tạo chuyên ngành Hệ thống thông tin cũng như điểm chuẩn tuyển sinh đầu vào năm 2021 như sau: 

Tên trường Điểm chuẩn 2021
Trường Đại học FPT

(Hiện tại trường có 5 cơ sở trên khắp cả nước: TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Cần Thơ, Đà Nẵng và Quy Nhơn. 

Trường Đại học FPT thực hiện phương án tuyển sinh dựa vào bảng xếp hạng School Rank https://schoolrank.fpt.edu.vn/
Đại học Công nghệ – ĐHQG Hà Nội 28.75
Đại học Công nghiệp Hà Nội 25.25
Đại học Thủy Lợi 24.45
Đại học Sư phạm Huế 16.0
Đại học Duy Tân 14.0
Đại học Khoa học tự nhiên – ĐHQG TP. HCM 27.4
Đại học Công nghệ thông tin – ĐHQG TP. HCM 26.7
Đại học Công nghiệp TP. HCM 25.25
Đại học Cần Thơ 24.25
Đại học Nông lâm TP.HCM 23.25
Đại học Thủ Dầu Một 15.0
Đại học Tài nguyên và môi trường TP.HCM 15.0
Đại học Kỹ thuật – Công nghệ Cần Thơ

Học hệ thống thông tin ra thì làm gì? Cơ hội nghề nghiệp và mức lương sau tốt nghiệp là bao nhiêu?

Đa số các bạn tân sinh viên đều sẽ có những băn khoăn không biết bản thân sau này tốt nghiệp sẽ làm công việc gì? Thực tế đã chứng minh, Hệ thống thông tin là chuyên ngành có thể mang đến cho bạn nhiều vị trí công việc khác nhau, cụ thể: 

Lập trình viên

Định hướng nghề nghiệp được nhiều cử nhân Hệ thống thông tin lựa chọn nhiều nhất chính là trở thành một lập trình viên. Đây cũng là vị trí được nhiều doanh nghiệp săn đón nhất hiện nay. Bạn sẽ phụ trách các công việc như viết phần mềm mới, viết web, tối ưu hóa dữ liệu cho doanh nghiệp, cải thiện phần mềm hệ thống, xử lý các vấn đề trên hệ thống máy tính,…

Chuyên viên phân tích, tư vấn, thiết kế hệ thống thông tin

đảm nhận vị trí này, bạn sẽ đảm nhận vai trò khảo sát, thu thập để đưa ra các đề xuất, giải pháp hoàn thiện cho các quy trình, giao diện của hệ thống phần mềm. Bên cạnh đó, còn phối hợp với các bộ phận khác để chuyển giao thông tin liên quan đến dự án. Hơn thế nữa, đảm nhận công việc này, bạn còn tham gia vào kiểm thử chất lượng phần mềm, sản phẩm trước khi chuyển giao. 

Chuyên viên phát triển ứng dụng cho hệ thống thông tin

Các vị trí công việc của Hệ thống thông tin rất đa dạng, trong đó phải kể đến vị trí chuyên viên phát triển ứng dụng. Đảm nhận vị trí này, bạn sẽ phụ trách vấn đề nghiên cứu, phát triển các ứng dụng mới, đồng thời sẽ quản lý, kiểm thử và vận hành hệ thống hoạt động ổn định. 

Kỹ sư quản lý hệ thống

Không chỉ làm lập trình viên, cử nhân chuyên ngành Hệ thống thông tin còn có thể đảm nhận vai trò kỹ sư quản lý hệ thống mạng thông tin của doanh nghiệp. Bạn sẽ có trách nhiệm thiết kế ra các phần mềm, vận hành, quản lý và xử lý các lỗi hệ thống. Không những vậy còn phải đảm bảo an toàn bảo mật cho dữ liệu, ngăn chặn các tấn công bất hợp pháp từ bên ngoài.   

Giảng viên về Hệ thống thông tin máy tính

 Nếu bạn đam mê với giảng dạy, bạn hoàn toàn có thể trở thành một giảng viên chuyên về Hệ thống thông tin. Bạn sẽ phụ trách giảng dạy các môn học liên quan đến chuyên ngành như: Phân tích và thiết kế hệ thống thông tin, Ngôn ngữ lập trình C, Kiến trúc máy tính…

Ngoài ra, còn rất nhiều vị trí phù hợp với kỹ năng và trình độ của bạn như: 

  • Quản trị viên máy chủ và mạng
  • Quản trị viên các hệ cơ sở dữ liệu
  • Chuyên viên triển khai, vận hành các hệ thống ERP, CRM..
  • Chuyên viên kiểm tra, đánh giá an toàn thông tin cho mạng và hệ thống
  • Chuyên gia rà soát lỗ hổng, điểm yếu và xử lý sự cố an toàn thông tin 

Mức lương sau tốt nghiệp của cử nhân chuyên ngành Hệ thống thông tin

Hiện nay, mức lương trung bình của cử nhân mới ra trường chuyên ngành Hệ thống thông tin sẽ giao động từ 8 – 12 triệu/tháng. Mức lương sẽ tăng dần dựa theo kinh nghiệm làm việc, trình độ chuyên môn, khả năng ngoại ngữ và vị trí công việc, cụ thể: 

  • Kinh nghiệm từ 1 – 2 năm: Mức lương bình quân giao động từ 15 – 20 triệu/tháng.
  • Kinh nghiệm từ 3 – 5 năm: Mức lương bình quân sẽ giao động từ 25 – 35 triệu/tháng.
  • Đối với kinh nghiệm làm việc từ 5 năm trở lên: Lúc này bạn sẽ đảm nhận các vị trí quan trọng trong bộ phận cũng như của doanh nghiệp, mức lương tại thời điểm này sẽ từ 35 triệu trở lên/tháng. 

Học chuyên ngành Hệ thống thông tin có khó không? Có cần tiếng Anh không?

Bạn biết đấy, không có điều gì là dễ dàng nếu chúng ta không biết cố gắng và rèn nỗ lực mỗi ngày. Đối với chuyên ngành này cũng vậy, nếu bạn không có đam mê, không nỗ lực học hỏi, cập nhật kiến thức thì có dễ đến mấy cũng thành khó mà thôi. Hơn thế nữa, trong giai đoạn hội nhập như hiện nay, để có thể dễ dàng phát triển thì bạn cần trang bị đầy đủ kiến thức chuyên môn lẫn kỹ năng vững vàng. Đa số các bạn sinh viên đều có ý thức hơn trong việc trang bị ngoại ngữ cho bản thân. Vậy Tiếng Anh có thật sự cần thiết khi học Hệ thống thông tin hay không? Sự thật đã chứng minh rằng ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh bởi một số lý do sau: 

Toàn bộ ngôn ngữ lập trình đều được viết bằng tiếng Anh, chính vì vậy mà bạn sẽ không thể hoàn thành công việc nếu không thể sử dụng tốt ngoại ngữ trong quá trình làm việc. 

Các loại sách, tài liệu nghiên cứu đều được viết bằng tiếng Anh: Đa số sách, tạp chí, tài liệu của chuyên ngành đều viết bằng tiếng Anh, vẫn có một số được dịch ra tiếng Việt nhưng đợi đến lúc xuất bản sách dịch thì đôi khi công nghệ đó đã bị lỗi thời. 

Tiếng Anh không chỉ giúp bạn có nhiều cơ hội học tập, nâng cao kiến thức mà còn giúp bạn mở rộng cơ hội thăng tiến trong nghề nghiệp. Lợi thế khi có ngoại ngữ giỏi chính là dễ dàng giao tiếp với đối tác nước ngoài, làm việc cho các tập đoàn đa quốc gia. 

Tại Đại học FPT, sinh viên theo học Hệ thống thông tin được trang bị 2 ngoại ngữ là tiếng Anh và tiếng Nhật nhằm tăng cơ hội việc làm không chỉ trong nước mà còn kể cả vươn ra thị trường quốc tế.

Để theo đuổi ngành Hệ thống thông tin bạn cần chuẩn bị những gì?

theo duoi nganh He thong thong tin

Muốn phát triển trong lĩnh vực Công nghệ thông tin nói chung và chuyên ngành Hệ thống thông tin nói riêng, bạn cần rèn luyện và trang bị cho mình những tố chất cần thiết sau đây: 

Niềm đam mê với công nghệ

Nếu bạn đã có đam mê và sẵn sàng theo đuổi thì mọi mệt mỏi, chán nản trong quá trình học tập, làm việc đều không là gì đối với bạn. Nó sẽ tạo cho bạn động lực để vượt qua khó khăn một cách dễ dàng.

Thông minh và không ngừng sáng tạo

Lĩnh vực này đòi hỏi bạn phải có tư duy nhạy bén và khả năng phân tích logic cũng như năng lực tối ưu hóa các giải pháp. Quá trình sáng tạo sẽ giúp bạn tìm được hứng thú trong công việc, hơn thế nữa, chủ động sáng tạo và tìm ra phương pháp xử lý hiệu quả sẽ giúp bạn nhanh chóng thành công trong nghề. 

Tỉ mỉ và chính xác trong công việc

Vì mang tính đặc thù trong công việc, tính tỉ mỉ và chính xác 100% là điều bắt buộc đối với mỗi chuyên gia Hệ thống thông tin. Nếu chỉ cần có một sai sót nhỏ thì tổng thể chương trình mà bạn tạo ra sẽ không thể hoạt động theo như ý muốn. 

Tinh thần học hỏi liên tục

Cuộc đua công nghệ chưa bao giờ dừng lại, nó luôn phát triển và cập nhật xu hướng mới liên tục. Nếu bạn không chịu học hỏi, tiếp thu kiến thức mới để bắt kịp xu hướng, chắc chắn bạn sẽ bị bỏ lại phía sau. 

Bạn đã nắm rõ các thông tin liên quan đến chuyên ngành Hệ thống thông tin? Đại học FPT với kinh nghiệm dày dặn trong việc đào tạo chuyên ngành Hệ thống thông tin chắc chắn sẽ mang đến cho bạn nhiều trải nghiệm tuyệt vời trong quá trình học tập tại đây. Sinh viên sau khi tốt nghiệp sẽ có  nhiều cơ hội việc làm rộng mở với mức thu nhập hấp dẫn.