Sinh viên Vũ Tây Nguyên (thành viên Câu lạc bộ Vì cộng đồng iGo, Đại học FPT) được biết đến với nhiều thành tích nổi bật trong học tập lẫn các hoạt động xã hội. Sở thích phượt của Tây Nguyên là cơ duyên thôi thúc cô nàng đến với đam mê tình nguyện.
Phong cách sống phóng khoáng, làm những gì mình thích, Tây Nguyên luôn được bạn bè yêu mến. Cô bạn từng tham gia cuộc thi Đường lên đỉnh Olympia thời còn học trung học và top 13 Miss FU 2015.
Điểm khiến người khác ngưỡng mộ ở cô gái 9x này chính là lòng nhiệt huyết với công việc thiện nguyện. Tây Nguyên từng là trưởng nhóm cho những chuyến tình nguyện dài ngày của CLB iGo cũng như tham gia nhiều chuyến đi thiện nguyện khác.
Điều gì đã đưa Tây Nguyên đến với những công việc tình nguyện?
Mình thuộc tuýp người ưa “xê dịch”, thích phượt. Khi vào trường đại học, mình chọn lựa iGo bởi CLB có những chuyến tình nguyện đi nhiều nơi xa. Nhưng khi tham gia CLB, mình thấy được ý nghĩa của công việc tình nguyện và tình yêu dành cho nó ngày càng lớn hơn. Mình từng tham gia khá nhiều chuyến tình nguyện lớn nhỏ. Nhưng những chuyến đi xa và dài thì chưa nhiều. “Con đường mơ ước” là chuyến tình nguyện xa đầu tiên của mình.
Tây Nguyên tham gia iGo được bao lâu rồi? Cảm nhận của bạn về iGo như thế nào?
Mình tham gia iGo được hai năm rồi. CLB được thành lập năm 2011, đến nay đã được 5 năm. Với sự nỗ lực, nhiệt huyết của tất cả các thành viên, CLB đã tổ chức thành công nhiều dự án, chương trình thiện nguyện như Dự án hỗ trợ bệnh viện K, Áo ấm cho em, Áo ấm Hà Giang 2012… iGo là một tập thể vững mạnh, một sân chơi lành mạnh và là một tổ chức vì cộng đồng. Riêng với mình, sau một khoảng thời gian nhất định tham gia CLB, iGo không chỉ là một tổ chức, một sân chơi mà còn là một gia đình ấm áp. Các thành viên trong CLB đối với nhau thân thiết như anh em ruột thịt vậy.
Nguyên ấn tượng như thế nào với chuyến đi “Con đường mơ ước”?
“Con đường mơ ước” là trải nghiệm đi xa đầu tiên của mình. Có lẽ vì vậy nên nó rất đáng nhớ. Đây cũng là lần đầu mình làm trưởng nhóm cho một chương trình tình nguyện khá dài ngày. Ấn tượng trong chuyến đi này có lẽ là tình cảm của người dân cũng như cán bộ địa phương ở Phú Thanh, Thanh Hóa. Mọi người chào đón đoàn tình nguyện rất thân thiện, luôn giúp đỡ chúng mình trong suốt 1 tuần.
Trong vai trò trưởng nhóm, bạn gặp khó khăn gì và vượt qua nó như thế nào?
Mình gặp phải khá nhiều khó khăn. Ví dụ như kinh phí để thực hiện chuyến tình nguyện, phải làm việc qua nhiều thủ tục với các cán bộ hay các bên tài trợ cũng nhiều vấn đề phát sinh trong suốt thời gian chạy chương trình. Ngoài ra còn lo lắng cho sự an toàn của cả đoàn trong suốt chuyến đi, gắn kết các thành viên trong đoàn.
Tuy có nhiều khó khăn nhưng động lực lớn nhất để mình vượt qua tất cả là có bạn bè anh em luôn bên cạnh, ủng hộ, chia sẻ với mình trong suốt thời gian chương trình diễn ra.
Đã bao giờ, Nguyên có ý định bỏ cuộc chưa?
Mình thật sự chưa bao giờ định bỏ cuộc. Đối với mình, việc gì bản thân thích, đam mê, và quyết tâm thì không bao giờ bỏ cuộc dù cho khó khăn thế nào.
Sau mỗi chuyến tình nguyện, điều làm mình ấm lòng và hạnh phúc nhất có lẽ là tình cảm của người dân địa phương và tình cảm của anh em trong CLB. Qua những chuyến đi, mình được trải nghiệm về cuộc sống và dần trưởng thành. Những trải nghiệm thật quý giá và ý nghĩa!
Làm thế nào để Nguyên cân bằng giữa việc học và công tác tình nguyện?
Việc học vẫn là quan trọng, đặc biệt, những đợt ôn thi thì mình rất bận. Nhiều lúc trong giờ học vẫn có điện thoại của địa phương gọi và mình vẫn phải nghe vì công việc. Vậy nên mình thường phải thức đêm ôn bài bù cho thời gian làm các công việc của CLB. Lúc làm việc thì tập trung làm việc, lúc học thì tập trung học, như thế thì vừa nhanh chóng vừa hiệu quả. Vì mình cũng phải dành chút thời gian nghỉ ngơi cho bản thân. Mình cũng mong các bạn khi tham gia hoạt động tình nguyện cũng như hoạt động phong trào nói chung sẽ luôn hài hòa được việc học tập và hoạt động tại trường.
Cảm ơn Tây Nguyên về cuộc trò chuyện này. Chúc bạn thành công trong học tập và giữ vững ngọn lửa đam mê với công việc thiện nguyện!