Cóc trường F chinh phục Đàn Tranh và Sáo Trúc chỉ sau 10 tuần

Ngoài việc giỏi ngoại ngữ, sức khỏe dẻo dai với Vovinam, nhiều tài năng MC, Hát, múa, nhảy… sinh siên đại học FPT còn chinh phục luôn cả Đàn Tranh và Sáo Trúc, 2 loại nhạc cụ khá kén người và khó chơi này chỉ sau 10 tuần.

Vừa qua, CLB Nhạc cụ truyền thống FTI – FPT Traditional Instruments trường Đại học FPT đã tổ chức buổi tổng kết khóa học đàn tranh và sáo trúc với sự tham gia và của các bạn sinh viên K13, là học viên của khóa học này.

Khóa học được diễn ra hằng tuần với thời lượng là 10 tuần mang đến cho các bạn sinh viên có niềm đam mê, yêu thích đặc biệt với nhạc cụ truyền thống sáo trúc hoặc đàn tranh có cơ hội được học hỏi, giao lưu, tập luyện loại nhạc cụ “khó chơi” này.

Cô Trang – cô giáo dạy đàn tranh đến từ Nhạc viện TP.HCM đã có đôi lời nhận xét sau những màn biểu diễn đàn tranh của các cô cậu học trò của mình: “Đàn tranh là một loại nhạc cụ dân tộc khó, cần phải có thời gian và sự kiên trì tập luyện. Tuy nhiên, với 10 buổi học thì chỉ có thể hướng dẫn một số kiến thức và kỹ thuật cơ bản liên quan đến loại nhạc cụ độc đáo này như: cấu tạo đàn tranh, cách lên dây, nhịp cơ bản, đọc sheet nhạc, cảm âm, quy tắc 3 ngón tay và cách đánh một số bài cơ bản. Nhưng những gì các bạn thể hiện ngày hôm nay thật sự vượt ngoài mong đợi của chị”.

Trước đây, hầu như tất cả các bạn học viên đều chưa một lần cầm đến cây sáo trúc hay chưa một chạm vào sợi dây đàn tranh nhưng giờ đây các bạn đã có thể tự mình chơi hoàn chỉnh một bài. Tuy vẫn còn khá nhiều sai sót cùng một số lỗi kĩ thuật cơ bản nhưng nhìn chung các bạn đã thực sự cố gắng nỗ lực luyện tập cho buổi tổng kết này.

Bạn Dương Trùng Dương – sinh viên K12 ngành Kinh doanh quốc tế – Chủ nhiệm CLB FTI và cũng là người đứng lớp dạy sáo trúc cho các bạn sinh viên đã chia sẻ: “Các bạn ở đây với xuất phát điểm hoàn toàn chưa biết gì về sáo, thậm chí còn không thể thổi ra tiếng nhưng chỉ sau một khóa học, bằng tất cả những nỗ lực, kiên trì tập luyện mà giờ đây các bạn đã tự mình thổi hoàn chỉnh một bài sáo trúc. Dương thật sự rất vui vì điều này.”

Bên cạnh những bài thi cuối khóa từ các bạn học viên, chàng “soái ca” Dương Trùng Dương đã trình bày ca khúc “Vì yêu là nhớ” và ca khúc “Mẹ tôi” của nhạc sĩ Trần Tiến bằng sáo trúc với sự kết hợp cùng giọng hát truyền cảm của bạn Nguyễn Công Thạnh – sinh viên K12 ngành Kinh doanh quốc tế.

Chị Đặng Vũ Thùy Ngân – Đại diện phòng Phát triển cá nhân PDP tham dự buổi tổng kết khóa học của CLB FTI cũng có đôi lời phát biểu: “Chị thật sự ngưỡng mộ các bạn, những người yêu âm nhạc, những người có đam mê với các loại nhạc cụ truyền thống này. Có thể nói, lịch học trường FPT mình đặc biệt là khá dày đặc nhưng các bạn vẫn dành thời gian 1-2 buổi mỗi tuần để tham gia lớp học nhạc cụ thì thật sự rất đáng khen”.

Khóa học đàn tranh và sáo trúc được tổ chức bởi CLB Nhạc cụ truyền thống FTI dưới sự hỗ trợ và giám sát của phòng Phát triển cá nhân PDP và sự ủng hộ từ phía nhà trường đã tạo điều kiện để lớp học được diễn ra, tạo cơ hội cho các bạn sinh viên được tìm hiểu và tiếp cận với các loại nhạc cụ truyền thống đặc sắc của dân tộc.

FU HCM