Trong những ngày cuối của kỳ nghỉ kỳ Sum18, gần 20 bạn sinh viên FPT Hà Nội đã tham gia trải nghiệm Đan guột tại làng nghề Lưu Thượng, Phú Túc, Phú Xuyên, Hà Nội do IC-PDP tổ chức. Tại đây, các bạn sinh viên đã có cuộc sống 5 ngày “nên thơ tới không thể nào quên”
5 ngày với các bạn sinh viên là “cuộc đấu tranh sinh tồn” tại một một ngôi nhà tập thể đặc biệt – nhà văn hóa thôn Lưu Thượng. Là một trong số ít những chuyến đi “tự cung tự cấp”, trải nghiệm này đã giúp các bạn sinh viên trưởng thành hơn rất nhiều qua “những cuộc họp mang tính sống còn” lên “thực đơn” bữa ăn vào đêm muộn, dắt nhau đi chợ quê từ 5 giờ sáng, được thổi cơm trước giờ mọi người đi làm về và “chịu trách nhiệm với chiếc và dạ dày và cái bụng của tất cả mọi người trong đoàn. Hải Trần, sinh viên K13 sau trải nghiệm phân trần: “Lần đầu tiên mình nấu cho hơn chục người ăn, oải thấy Chúa. Nhưng mà mình rất vui vì có teammate rất tuyệt vời.” Bởi vậy có thể thấy 5 ngày trải nghiệm chính là lớp học “nội trợ” cho những đứa trẻ trường F. Trần Hương Ly, cán bộ IC-PDP đồng hành cùng đoàn trong 5 năm ngày trải nghiệm chia sẻ: “Mình phải công nhận sinh viên FPT không chỉ giỏi việc nước mà còn đảm việc nhà”
Ở đây các bạn được học cách chung sống với nhau, 5 ngày trải nghiệm khoảng thời gian kỳ diệu đã tạo nên mối gắn kết vô hình giữa những đứa trẻ. Thay vì tận hưởng những ngày cuối của kỳ nghỉ, được cưng chiều bởi ba mẹ sau một thời gian dài xa nhà các bạn sinh viên lần này chọn về với một thôn quê, sống cuộc sống tập thể, tự lo cho mình từng bữa ăn trong điều kiện thiếu thốn, san sẻ với nhau từng manh chiếu và đều đặn tham gia lao động chân tay cũng với những người dân còn vất vả ở vùng ngoại ô Hà Nội. “Em là em út của đoàn mà ai dè em được các anh chị bắt nạt khủng khiếp. Chắc em không thể quên được cảnh mọi người xếp hàng đánh răng ở hành lang này, kèo ma sói hàng đêm, hay bữa cơm như “bánh đúc” nữa… Đó là thứ bùa yêu khiến em phải lòng trường F hơn nhiều chút” (Minh Hương tân binh K14 hồ hởi chia sẻ)
Chuyến đi là thử thách rèn luyện bản lĩnh cũng như xây dựng một mái nhà chung cho các bạn sinh viên cùng nhau chung sống. Và có lẽ chuyến đi “nên thơ” bởi những khoảng khắc khó quên bên nhau cùng chút bịn rịn nhớ nhau khi phải nói với nhau lời chào tạm biệt.
Chuyến đi lần này không chỉ là trải nghiệm “trong cái khó ló cái khôn” của dân tình nhà F mà còn là khóa học đan guột đặc biệt và đầy kỉ niệm. Giảng viên của các bạn lần này chính là những người dân ít nhiều còn lấm láp, giảng đường của các bạn là những hộ dân còn đầy chật gian hàng, thành quả project của các bạn là những đồ gia dụng, đồ trưng bày được kết bằng mồ hôi công sức lao động chân tay của các bạn.
Và đâu đó công việc này cũng gây không ít khó khăn với những cô cậu sinh viên ở ngôi trường màu cam: “Mình chắc chắn là ông tổ nghề này không chọn mình, mình loay hoay vẫn không có được thành phẩm ưng ý như các bạn khác. Nhưng mà cuối cùng mình cũng hoàn thiện được chiếc thuyền cuộc đời mình” (Tuấn Đức, sinh viên K11 thành thực kể về chiến công của mình). Nhưng cũng không ít bạn sinh viên yêu thích công việc này và có ý định “gắn bó dài lâu”. Trâm Trâm, sinh viên K13 hồ hởi trả lời: “Mình mê lắm, mê đến nỗi mà trong mơ mình còn thấy mình được đan cơ. Mình có dự định là sau này học xong về Phú Xuyên kiếm chồng, thế là không có sợ thất nghiệp.”
Để sinh viên FPT không chỉ giỏi code và marketing, không chỉ thông thạo quản trị và thiết kế, chuyến đi này giúp các bạn sinh viên hoàn thiện hơn sự kiên trì, khéo léo và sắp xếp kỷ luật. “Mình cho rằng trong trải nghiệm này, khoảnh khắc các bạn nâng niu trên tay thành quả lao động của mình sẽ giúp các bạn để tâm hơn, tôn trọng thành quả lao động của người khác.” (Phạm Anh, cán bộ đồng hành trong trải nghiệm tâm sự)
Trải nghiệm vừa qua với các bạn sinh viên không chỉ là hành trình vượt 65km về với ngoại thành Hà Nội mà thực sự chính là chặng đường trưởng thành kỳ diệu dành cho những đứa trẻ trường F. Chúc cho IC-PDP sẽ luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình, đánh thức được nhiệt huyết tuổi trẻ của những ai đã đang và sẽ mang trong mình dòng máu người FPT.