Sau khi trường Đại học FPT bị phong tỏa, vẫn còn khoảng 300 sinh viên phải cách ly trong kí túc xá. Dù mong muốn sớm về quê ăn Tết nhưng ai cũng hiểu bản thân cần có trách nhiệm cách ly để bảo vệ cộng đồng. Các bạn để thể hiện tinh thần tích cực khi xem đây như 1 đợt xả hơi và tranh thủ thời gian trang trí Tết cho phòng, học tiếng anh và lan toả tinh thần lạc quan.
Theo công bố của Bộ Y tế, nam sinh 21 tuổi khoa Kỹ thuật phần mềm của trường Đại học FPT đã bị nhiễm Covid-19. Sau đó, trường đã lập tức phong tỏa cơ sở tại Hòa Lạc, huyện Thạch Thất đồng thời thông báo khẩn cấp tới toàn bộ học viên.
Bên trong trường vẫn còn khoảng 300 sinh viên. Dù hi vọng sớm về quê ăn Tết, nhưng ai cũng hiểu trách nhiệm của mình. Tất cả sinh viên đều tự nguyện ở lại cách ly, chờ thông tin chính thức từ những ca F1, F2 vẫn đang kiểm tra.
Theo ghi nhận, trường Đại học FPT vẫn được phong tỏa chặt chẽ, “nội bất xuất, ngoại bất nhập”. Sinh viên hạn chế đi lại xung quanh trường. Dù được cách ly nghiêm ngặt nhưng các bạn sinh viên vẫn có đủ đồ dùng và thức ăn vì canteen vẫn mở cửa thường xuyên phục vụ.
“Mình đã khóc rất nhiều, nhưng cha mẹ động viên ở lại cách ly”
Sau khi biết tin trường FPT có 1 ca nhiễm Covid-19, nữ sinh Khánh Linh (khóa 14 ngành Quản trị Kinh doanh) liền gọi điện cho gia đình. Sau khi nghe được giọng bố mẹ, cô bạn này đã òa khóc vì nghĩ đến cảnh có thể không kịp về ăn Tết bên gia đình.
“Lúc đầu thì mình khá hoang mang khi nhận tin. Chờ một lúc trường có thông tin chính thức thì thấy buồn lắm. Xong rồi khóc. Đến khi bố mẹ gọi điện động viên thì mình bình thường trở lại” – 10x tâm sự.
Khánh Linh tâm sự bản thân sẽ ở lại cho đến khi có tin xét nghiệm chính thức các ca F1 và F2 trong trường thì mới trở về. Nếu được về nhà, cô bạn này cũng sẽ tự giác cách ly thêm một thời gian.
“Mình tự suy đoán bản thân có thể là F3. Nên ở trường chờ kết quả F1, F2 đã rồi mới về. Vì nhỡ mình bị Covid-19 thật thì sợ lây cho người thân trong gia đình. Mình còn trẻ chắc vẫn có thể chữa được, nhưng bố mẹ già rồi thì sợ lắm”.
Sinh viên xếp hàng mua thức ăn
Khi ra ngoài kí túc xá mua đồ, sẽ có bảo vệ trực ở cửa yêu cầu phải đeo khẩu trang
Có khoảng 300 sinh viên đang cách ly trong kí túc xá
Trong 2 ngày qua, Khánh Linh cho biết cuộc sống của bản thân không bị xáo trộn nhiều. Nữ sinh hạn chế đi lại, chỉ khi nào thực sự cần thiết mới mua đồ ăn. Cô bạn dành thời gian học bài cũng như đọc sách, tìm nguồn thông tin chính thống chia sẻ cho các bạn cùng trường bớt lo.
Mỗi ngày, sẽ có nhân viên dọn dẹp kí túc xá. Nhưng nhân viên cũng thường chỉ làm tầm sáng sớm để hạn chế việc tiếp xúc. Nhờ thế việc vệ sinh cũng được đảm bảo kĩ càng hơn.
Dù tự cách ly, nhưng Khánh Linh vẫn đủ đồ dùng vì các cửa hàng trong trường vẫn mở của phục vụ sinh viên. Khi sinh viên bước ra khỏi kí túc xá, sẽ có bảo vệ yêu cầu đeo khẩu trang thì mới được cho ra.
Trước khi bước vào quầy đồ ăn, sinh viên sẽ cần đăng kí tên cũng như thời gian để xác định rõ khoảng thời gian bản thân đến. Khi ăn cũng được yêu cầu hạn chế nói chuyện, ngồi cách xa nhau. Vì vậy ở những nơi công cộng trong trường thì sinh viên vẫn tuân thủ các biện pháp cách ly.
10x tâm sự thêm: “Đây cũng là khoảng thời gian để bản thân mình sống chậm lại. Mình hi vọng sớm trở về quê nhưng vẫn thực hiện cách ly cho tốt đã. Bố mẹ mình lo lắng, nhưng cũng dặn cần phải là công dân có trách nhiệm, bình tĩnh ở lại trường, có gì thiếu thì nhắn gia đình gửi lên”.
Nhiều sinh viên tự nguyện cách ly ở trường vì sợ mang dịch về cho gia đình
Kể từ khi bị phong tỏa do có ca nhiễm Covid-19, trường FPT vắng bóng sinh viên. Thi thoảng mới có một vài bạn đi mua đồ dùng cá nhân như nước uống, đồ ăn… Trước cổng trường, có 2 chốt bảo vệ, một chốt của lực lượng công an và một chốt của lực lượng bảo vệ trường.
Cũng giống như gần 300 sinh viên khác, Đào Ngọc Huyền (21 tuổi) cho biết mình cùng nhiều bạn cùng lớp đã tự nguyện ở lại trường cách ly cho đến khi có kết quả của F1, F2 thì mới về. Nếu kết quả dương tính, 300 sinh viên này sẽ ở lại trường trong khoảng 21 ngày.
Cô bạn cho hay: Khoảng thời gian này trường học rất vắng vẻ, sinh viên cũng chỉ quanh quẩn trong phòng mình với canteen. Nếu trong trường hợp bản thân phải ở lại cách ly qua Tết, sinh viên cũng sẽ không tổ chức bất kì hoạt động nào để hạn chế tiếp xúc nhất có thể.
Dù cách ly nhưng hầu hết đồ dùng cho sinh viên đều đầy đủ
Ngọc Huyền tâm sự: “Lúc đầu mình thấy sợ, vì trường dễ lây lan, bệnh này cũng nguy hiểm. Tuy nhiên khi nghĩ lại thì mình tích cực hơn. Đầu tiên thì trường mình một lớp chỉ có 30 học viên. Mà bạn F0 lại không tham gia nhiều hoạt động ngoại khóa. Cũng may là thời gian vừa rồi mình bận chưa về được nhà nên cũng yên tâm hơn cho gia đình.
Ở trường mấy ngày nay rất vắng vẻ, nhưng mình cũng thấy bình thường, vì tự thấy việc cách ly là có ích cho xã hội. Mình chỉ cảm thấy buồn nếu phải ăn Tết xa nhà. Nhưng nếu có thì cũng có những người bạn bên cạnh”.
Để thực hiện cách ly được tốt nhất, những sinh viên ở đây cũng rủ nhau mua khẩu trang, nước rửa tay, thuốc sát trùng, đảm bảo giãn cách trước khi ra khỏi kí túc xá.
Nam sinh Đức Nguyên (ngành Quản trị Kinh doanh) cũng tâm sự thêm về những dự định sắp tới trong thời gian cách ly: “Thời gian trước mình chạy hoạt động khá căng thẳng nên quyết định dành thời gian này nghỉ ngơi, điều chỉnh sức khỏe của bản thân. Mình đa số ở yên trong phòng vì mọi thứ cũng khá đầy đủ. Nếu phải ra ngoài thì đeo thêm khẩu trang và mang theo bình xịt của mình. Trước khi vào lại phòng, mình cũng đều khử khuẩn cho bản thân trước để an tâm”.
Theo Pháp luật & Bạn đọc