CUỘC THI START-UP UNI: LỘ DIỆN 5 “ỨNG VIÊN” CHO CHỨC VÔ ĐỊCH

Ngày 2/11, cuộc thi chung kết Star-up Uni 2016 sẽ được tổ chức với sự tham gia của Top 5 dự án xuất sắc.

Dự án M.a.D – Quan sát vật thể thật qua thiết bị điện tử

Nhằm kích thích học viên hứng thú với việc học và tiếp thu kiến thức, 8 chàng trai Khúc Hữu Huy (nhóm trưởng), Nguyễn Cao Thắng, Nguyễn Xuân Tùng, Hồ Việt Tuấn, Phan Văn Giang, Nguyễn Hữu Quyết, Mông Quốc Toàn và Nguyễn Hữu Minh đến từ trường Đại học FPT – cơ sở Hòa Lạc đã đưa ra giải pháp sử dụng AR (một công nghệ cho phép con người quan sát những vật thể của thế giới thật thông qua các thiết bị điện tử).

Ứng dụng mô phỏng những bài học và “thực tế hóa” những khung ảnh, nhân vật từ trong sách. Song song với việc đưa ra những giải pháp về chuyên môn thiết kế, kỹ thuật phần mềm, nhóm M.a.D luôn chủ động trong việc đề ra những chiến lược kinh doanh cụ thể và nhạy bén để làm chủ công nghệ, làm chủ thị trường. Dù quá trình khởi nghiệp có nhiều trở ngại nhưng cả nhóm đều tin rằng nếu có đủ đam mê và nhiệt huyết, cả nhóm sẽ cùng nhau tạo nên một sự khác biệt lớn mang lại lợi ích cho xã hội.


Nhóm M.A.D gồm 8 chàng trai trường Đại học FPT

Dự án V-team: Dịch vụ tiện lợi cho hệ thống khách sạn

Cùng đồng hành với M.a.D trong cuộc thi khởi nghiệp Start-up Uni, nhóm 5 sinh viên đến từ Đại học Kinh tế – Luật gồm Thành Luân (nhóm trưởng), Thanh Ngọc, Quỳnh Như, Hoài Thu, Minh Trang đã thành lập nên V-team và sáng tạo nên mô hình “Be Loved Hostel” – một mô hình hệ thống khách sạn gồm những phòng đơn, nhỏ, tiện lợi được cung cấp những dịch vụ kết nối yêu thương giữa khách hàng với nhau.

Được đánh giá là một đề tài có khả năng thương mại hóa cao vì tiết kiệm chi phí, diện tích, lại có thể đáp ứng nhiều nhu cầu và khách hàng đưa ra, nhóm V-team luôn nỗ lực để có thể mang một “Be Loved Hostel” hoàn hảo nhất đến với đêm chung kết Start-up Uni.


V-Team cùng “Be Loved Hostel” hứa hẹn sẽ mang đến nhiều điều thú vị

Cuộc thi Start-up Uni nhằm phát hiện, phát triển và nuôi dưỡng các ý tưởng khởi nghiệp của người trẻ do Đại học FPT, Trung tâm Ươm tạo Doanh nghiệp Công nghệ cao (HBI), Quỹ Đầu tư FPT Venture và Tổ chức phát triển Hà Lan (SNV) đồng tổ chức.

Dự án SE Team: Phòng thí nghiệm thực tế ảo cho học sinh, sinh viên

Một đại diện khác đến từ trường ĐH FPT cơ sở Hòa Lạc và trường Đại học Ngoại Ngữ là nhóm SE Team (Smart Education) gồm Lê Quang Dũng (nhóm trưởng), Đinh Trọng Nam, Đàm Văn Nam, Nguyễn Thị Bích Ngọc cùng Nguyễn Thị Thơ đã xuất sắc vượt qua nhiều vòng thi để đến chung kết với ý tưởng sử dụng công nghệ mô phỏng 3D mang tên Virtual Lab, một phòng thí nghiệm ảo giúp học sinh, sinh viên có thể vừa học, vừa thực hành lại tiết kiệm chi phí, thời gian và công sức.

Hiện tại, nhóm đã từng bước hoàn thiện sản phẩm trên desktop và bắt đầu mở rộng trên nhiều hệ điều hành di động khác nhau giúp người dùng có thể sử dụng một cách thoải mái. Trên con đường hoàn thiện sản phẩm, đối với SE Team, cuộc thi khởi nghiệp này chính là một chặng đường giúp từng người có thể thấu hiểu những người khác trong nhóm để rồi họ có thể giúp đỡ nhau đạt được thành công và thực hiện được ước mơ chung.


SE Team cùng nhau thực hiện ước mơ thông qua khởi nghiệp.

Dự án Kadima team – wesbite học lập trình và thực hành trực tuyến

Đối với nhóm sinh viên Kadima gồm Phan Đăng Lâm (nhóm trưởng), Phạm Anh Tuấn, Len Văn Hậu và Nguyễn Ngọc Hà (Đại học FPT), Start-up Uni đã trở thành một sân chơi giúp phát triển tham vọng, mang sản phẩm của người Việt ra ngoài thế giới.

Website học lập trình và thực hành trực tuyến giúp người mới học lập trình có thể dễ dàng làm quen bằng giao diện dễ hiểu và hệ thống thiết kế nội dung hiệu quả.

Đồng thời, website mang đến nhiều sự hứng thú cho người học bằng tính năng code trực tuyến trên trang web – là tính năng mà Kadima đã kế thừa ưu điểm tiện lợi của nhiều website dạy học ở trên thế giới hiện nay. Với hi vọng có thể giải quyết sự thiếu hụt về kỹ sư công nghệ về cả chất lượng và số lượng, Kadima mong rằng đây là một sản phẩm có thể cạnh tranh với những sản phẩm trong nước và cả ngoài nước trên cùng lĩnh vực.


Kadima hi vọng rằng có thể giải quyết được sự thiếu hụt về kỹ sư công nghệ trong tương lai

Dự án “Biệt đội khẩn cấp”: Phần mềm hỗ trợ cho phượt thủ

Nguyễn Thành Trọng (nhóm trưởng), Lê Thanh Huy, Lê Văn Luân cùng cái tên “Biệt đội khẩn cấp” hi vọng rằng đề tài này có thể mang đến những chuyến đi thú vị cho những phượt thủ để họ không còn gặp những rắc rối và khó khăn khi đi phượt.

“Du lịch phượt Việt Nam” với ý tưởng lập nên các trạm dừng chân nhằm cung cấp các sản phẩm, dịch vụ phục vụ chuyến đi của các phượt thủ sẽ mang đến sự đảm bảo sự an toàn và góp phần hấp dẫn hơn cho chuyến phượt đường dài.

Với văn hóa thích mới lạ và mạo hiểm của giới trẻ hiện nay, đây là một đề tài được đánh giá có thị trường khách hàng rộng lớn và đầy tiềm năng. Mặc dù gặp phải nhiều khó khăn về vốn đầu tư và công sức nhưng một khi đã hoàn thành, nhóm cho rằng, sản phẩm có thể tạo nên một bước đột phá trong ngành du lịch Việt Nam.


Ba thành viên của “Biệt đội siêu cấp” với mong muốn tạo nên bước đột phá lớn cho ngành du lịch Việt Nam.

Trước khi đến với vòng chung kết, mỗi nhóm sẽ nhận được sự hướng dẫn của một chuyên gia – là những nhà doanh nhân thành đạt và có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực khởi nghiệp. Cuộc thi Start-up Uni sắp tiến đến ngày chung kết với 5 đề tài đầy tiềm năng và trên những bước chân đi đến đêm thi cuối cùng, các nhóm còn lại đều đã trưởng thành, họ đều sẵn sàng trong con đường khởi nghiệp của mình trong tương lai. Vòng chung kết sẽ diễn ra vào ngày 3/11 sắp tới tại Đại học FPT Hòa Lạc, Hà Nội.

Theo Enternews