Chính thức hoạt động được hơn 1 năm, Trung tâm đào tạo lập trình viên trẻ của Tùng hiện có hơn 300 học viên và 15 giảng viên. Rất nhiều sinh viên giỏi đã được tuyển dụng vào các công ty công nghệ hàng đầu. Trong đó, 15 em hiện đang sinh sống và học tập tại nước ngoài. Trong tương lai gần, Tùng dự định đẩy mạnh mảng đào tạo lập trình cho trẻ em độ tuổi từ 10-15 với hy vọng niềm đam mê CNTT mà cựu sinh viên Đại học FPT này có được từ giảng đường đại học sẽ được lan tỏa nhiều hơn nữa tới các bạn trẻ.
Với một trung tâm đào tạo lập trình viên trẻ có nhiều tiềm năng như vậy, ít ai ngờ rằng, Nguyễn Thanh Tùng cũng đã trải qua bao nhiêu sóng gió mới có được ngày hôm nay.
Nguyễn Thanh Tùng, sinh năm 1987 bắt đầu đi làm hay khởi nghiệp đều muộn hơn so với hầu hết bạn bè cùng trang lứa. Theo học một trường Đại học công có tiếng được 2 năm, Tùng bỏ ngang, chuyển sang học ngành Kỹ thuật phần mềm của Đại học FPT với một suất học bổng toàn phần. 8X này cho rằng việc thay đổi môi trường học tập là một trong những bước ngoặt lớn, ảnh hưởng đến cả con người và định hướng sự nghiệp của mình.
Từ khi tốt nghiệp Đại học FPT vào năm 2011 cho đến nay, Nguyễn Thanh Tùng và các cộng sự đã khởi nghiệp 3 lần nhưng có đến hai thất bại trong lĩnh vực CNTT. “Thời điểm đó, mình chỉ còn vỏn vẹn 3 triệu đồng trong tay để sống và tìm cách làm lại từ đầu. Một số cộng sự cũng rời bỏ dự án để tìm kiếm hướng đi mới ổn định hơn”, Thanh Tùng kể.
Với những trải nghiệm sau hai lần thất bại, Tùng nhận ra giáo dục mới là hướng phát triển bền vững và mang lại lợi ích cho cộng đồng. Vận dụng những kiến thức CNTT đã có, cựu sinh viên ĐH FPT nung nấu ý tưởng xây dựng một trung tâm đào tạo lập trình viên dành cho mọi đối tượng đặc biệt là các bạn trẻ. Chọn địa điểm gần một trường đại học CNTT lớn ở Hà Nội, Thanh Tùng cùng nhóm cộng sự bắt tay xây dựng cơ sở đầu tiên.
Để tiết kiệm chi phí, cả nhóm tự làm mọi việc: sửa sang phòng ốc, mua và vận chuyển bàn ghế, dùng chính những chiếc máy tính cá nhân của mình làm thiết bị phục vụ việc dạy và học… Tùng chia sẻ: “Các thành viên trong nhóm khởi nghiệp đều dành tất cả thời gian và sức lực của mình để xây dựng trung tâm. Thậm chí, chúng mình không về nhà mà ăn, ngủ, nghỉ luôn tại đó để tiết kiệm thời gian”.
Công việc diễn ra suôn sẻ được khoảng 1 tuần thì sự cố bất ngờ ập đến khiến nhóm khởi nghiệp của Tùng lao đao. Trong một đêm nghỉ lại tại trung tâm, các thành viên trong nhóm đã bị lấy cắp tài sản cá nhân. “Kẻ gian đột nhập từ tầng 2, lợi dụng lúc nhóm ngủ say, lấy đi toàn bộ xe máy, máy tính, điện thoại, tiền… Sau đêm đó, chúng mình hoàn toàn trắng tay. Thậm chí đối với một bạn trong nhóm, chiếc xe máy là tài sản giá trị duy nhất mà khi mất đi rồi, bạn không còn khả năng mua lại, chưa nói gì đến việc đầu tư khởi nghiệp. Ngoài ra, các bạn bị ảnh hưởng tâm lý nặng nề, ai cũng buồn bã, hoang mang…”.
Thanh Tùng cho biết: “Những đêm ở lại trung tâm khiến chúng mình nảy ra ý tưởng đưa học viên vào các dự án xây dựng sản phẩm trong thời gian ngắn chỉ trong một ngày đêm. Học viên sẽ phải ở lại trung tâm, làm việc nhóm có khi cả đêm như những lập trình viên thực thụ đang chạy tiến độ dự án. Như vậy, các bạn sẽ được nếm trải môi trường làm việc giống thực tế nhất có thể, rèn luyện khả năng làm việc nhóm và chịu áp lực”.
Thời điểm cuối năm 2015, khi Trung tâm của Tùng và các cộng sự đi vào hoạt động, hình thức đào tạo này hoàn toàn khác biệt so với các cơ sở khác. Trái ngược với những lo lắng ban đầu, học viên rất hứng thú với cách học này. Hình thức đào tạo này tiếp tục duy trì và áp dụng với tất cả các học viên từ 16 tuổi trở lên.
Ngoài ra, Tùng còn cố gắng thiết lập mối quan hệ với các doanh nghiệp về CNTT để đưa học viên đến trải nghiệm môi trường làm việc chuyên nghiệp trong thời gian học tại trung tâm.
Tùng chia sẻ: “Học tại Đại học FPT, mình có cơ hội thực tập doanh nghiệp trong trọn vẹn 1 học kỳ, lại được phỏng vấn đi làm việc ở nước ngoài. Trước khi khởi nghiệp, mình đã có gần 4 năm làm việc tại các công ty công nghệ ở Việt Nam, Đức và Mỹ. Giờ đây, mình cũng muốn tạo những cơ hội đó cho các học viên của mình”.