Góp mặt cùng đại diện các trường ĐH Công nghệ, Học viện Bưu chính Viễn thông và ĐH CNTT, đội tuyển Feed&Quit của ĐH FPT sẽ tranh tài để tìm ra ngôi vương SMAC Challenge mùa thứ ba.
Sau buổi thi bán kết tại phía Nam, Ban tổ chức SMAC Challenge công bố 4 gương mặt xuất sắc có số điểm cao Nhất – Nhì của hai khu vực Hà Nội và TP HCM được chọn vào chung kết gồm: Feed&Quit (ĐH FPT), Infinity (Học viện Bưu chính Viễn thông Hà Nội), UET-TNA (ĐH Công nghệ, ĐH Quốc gia Hà Nội) và 3TM (ĐH CNTT, thuộc ĐH Quốc gia TP HCM).
Sản phẩm Feed&Quit phát triển sản phẩm của nhóm là hệ thống hỗ trợ dẫn đường (xe bus và xe máy) trên thiết bị thông minh (smartphone, smartwear) bằng giọng nói. Sau vòng loại, Feed-Quit đã bổ sung các chức năng đáng giá như bản đồ offline (có thể hỗ trợ thông báo khi không có 3G), thông báo khi đi sai đường và nhiều thay đổi về giao diện để hỗ trợ người dùng sử dụng đơn giản hơn. “Sản phẩm tương tự Google Map nhưng không hỗ trợ thông báo khi tham gia giao thông, chức năng offline còn rất nhiều hạn chế hay tìm kiếm nhiều hơn hai điểm”, đại diện Feed-Quit nói.
Sản phẩm của Infinity là “iCook – Trợ lý nhà bếp” mang đến gợi ý: Chỉ dẫn công thức nấu ăn, tư vấn món ăn, thống kê hàm lượng dinh dưỡng, chế độ ăn uống cho từng thành viên, nhắc nhở ăn kiêng, hẹn giờ báo thức (tắt lò nướng, tắt bếp), quản lý thiết bị nhà bếp, chia sẻ món ăn lên mạng xã hội.
Trong khi đó, nhóm UET-TNA đến từ ĐH Công nghệ phát triển ứng dụng robot kể chuyện có tên là “Mom and kid” dành cho phụ huynh và các con từ 10 tuổi trở xuống. Với phụ huynh đi xa nhà hoặc bận rộn, điện thoại sẽ trò chuyện với trẻ, làm toán cùng bé với những phép tính cơ bản, chơi game cùng các con số. Thời gian tới, nhóm sẽ phát triển thêm chức năng hỏi và trả lời câu hỏi, các game hướng dẫn trả lời.
Cuối cùng, 3TM với ứng dụng người máy giao tiếp (ứng dụng sẽ giúp theo dõi sự phát triển của bé dựa trên số liệu mẹ cung cấp để tư vấn chế độ dinh dưỡng hợp lý, giúp mẹ tra cứu những triệu chứng, cách phòng bệnh cho bé… bằng lệnh điều khiển giọng nói). Khi vượt qua vòng ý tưởng, nhóm đã thu gọn lại và chỉ chọn một chức năng chính làm trung tâm song song với việc tập trung phát triển tính năng mới cũng như hoàn thiện tính năng cũ. Tại bán kết, 3TM đã bổ sung tính năng tạo lịch chích vacxin cho trẻ theo góp ý của giám khảo ở vòng loại.
Với chủ đề “Số hóa giọng nói”, SMAC Challenge 2015 là cuộc thi đầu tiên tại Việt Nam tìm kiếm và phát triển các ý tưởng công nghệ tương tác bằng giọng nói. Ngoài giải thưởng bằng tiền mặt giá trị lớn, cuộc thi còn mang đến nhiều cơ hội việc làm trong lĩnh vực công nghệ mới, cơ hội được Quỹ FPT Ventures rót vốn đầu tư cho các ứng viên.
Với chủ đề “Số hóa giọng nói”, SMAC Challenge 2015 là cuộc thi đầu tiên tại Việt Nam tìm kiếm và phát triển các ý tưởng công nghệ tương tác bằng giọng nói. Tổng giá trị giải thưởng là 250 triệu đồng. Cơ cấu giải thưởng của SMAC Challenge 2015 gồm một giải Nhất tổng trị giá 100 triệu đồng; một giải Nhì trị giá 20 triệu đồng; 2 giải Ba mỗi giải trị giá 15 triệu đồng cùng hàng trăm giải thưởng có giá trị khác như điện thoại di động, gói truyền hình Internet… được trao trong suốt quá trình diễn ra cuộc thi.
Ngoài ra, cuộc thi còn mang đến cho các thí sinh nhiều cơ hội việc làm trong lĩnh vực công nghệ mới, cơ hội được Quỹ FPT Ventures và các công ty FPT thành viên rót vốn đầu tư.
SMAC Challenge là cuộc thi viết ứng dụng công nghệ thường niên, dành cho các bạn trẻ, do Tập đoàn FPT tổ chức. Sau 2 năm, cuộc thi thu hút được hàng nghìn thanh niên trên địa bàn Hà Nội tham gia. Năm nay, FPT mở rộng phạm vi cuộc thi ra toàn quốc. Cuộc thi được tài trợ bởi Công ty HP Việt Nam (tài trợ Bạc) và Công ty Asus Việt Nam (tài trợ Đồng). Truyền hình FPT và Fshare (thuộc FPT Telecom) là hai nhà đồng tài trợ.
Năm 2014, đội FU-Agile (ĐH FPT) đã giành giải nhất SMAC Challenge. Trước đó, năm 2013, đội SRC PTIT đến từ Học viện Bưu chính Viễn thông đã trở thành nhà vô địch của SMAC Challenge mùa đầu tiên.