Với sứ mệnh giữ gìn và phát triển các nét đẹp văn hóa Việt Nam mà cụ thể ở đây là nhạc cụ dân tộc, bộ môn Âm nhạc truyền thống của trường đại học FPT cơ sở TP. Hồ Chí Minh mới đây đã tổ chức Triển lãm nhạc cụ “Cung đàn Đất nước”. Sự kiện diễn ra hấp dẫn, tạo cơ hội cho nhiều bạn trẻ trong và ngoài trường được tiếp xúc với các loại hình âm nhạc dân tộc của nước ta.
Triển lãm nhạc cụ “Cung đàn Đất nước” mùa 3 được tổ chức kéo dài từ ngày 13 đến 17/3, tại không gian mở của thư viện trường Đại học FPT ở thành phố Thủ Đức, TP. Hồ Chí Minh, với sự xuất hiện của gần 100 loại nhạc cụ dân tộc Việt Nam và nước ngoài cùng nhiều hoạt động đa dạng thu hút hàng nghìn sinh viên trường đến tham quan, tìm hiểu.
Theo cô Vũ Thị Kim Yến, Chủ nhiệm bộ môn Âm nhạc truyền thống, Đại học FPT TP. Hồ Chí Minh, Trưởng ban tổ chức cho biết, tại đây có trưng bày những hiện vật được sưu tầm trên 30 năm, nhiều món đồ từng được lưu truyền qua 2-3 thế hệ và nhiều nhạc cụ mang giá trị cao tại thời điểm hiện tại.
Mở đầu cho tuần lễ triển lãm nhạc cụ “Cung đàn Đất nước” chính là phần trình bày, giao lưu với nhạc sĩ đàn Guqin (Cổ cầm) vào ngày 14/3. Buổi workshop tạo được nhiều sự thích thú khi khán giả có cơ hội tìm hiểu về đàn Guqin (Cổ cầm), được gặp gỡ trực tiếp với nhạc sĩ Dominic Yin Xiao (隐啸) – nghệ sĩ với nhiều năm kinh nghiệm chơi đàn Guqin và được lắng nghe những chia sẻ về câu chuyện đam mê và tình yêu với nhạc cụ phương Đông của ông.
Toàn bộ giảng viên, cán bộ nhân viên, sinh viên Đại học FPT TP. Hồ Chí Minh và khán giả có niềm yêu thích với nhạc cụ dân tộc đều có thể tham gia chương trình. Ngoài ra, các bạn sinh viên cũng được tận tay nhạc sĩ hướng dẫn chơi đàn vào cuối buổi giao lưu giúp các bạn sinh viên có được trải nghiệm vô cùng với lạ.
Trong khuôn khổ của tuần lễ triển lãm nhạc cụ “Cung đàn Đất nước” mùa 3, các bạn sinh viên trường Đại học FPT còn có cơ hội tham gia trải nghiệm hội làng được tổ chức tại khu vực hồ sen vào ngày 15/3 với chủ đề là “Mùa hẹn” – nơi gặp gỡ sau mỗi mùa Tết. Tại đây, mọi người sẽ được thưởng thức văn hóa và ẩm thực giao thoa hai miền Bắc, Nam với các gánh hàng quán như: Chè lam, nước sấu, gỏi khô bò, bánh bò, bánh da lợn,… Song song, người tham gia còn được thưởng thức các tiết mục đặc sắc và đặc trưng của hai vùng Bắc, Nam với sự góp mặt của Thạc sĩ, nghệ sĩ Ngọc Cần và các nghệ nhân Đờn ca tài tử Bạc Liêu, CLB Quan họ Tình Bắc Sông Cầu, Nhà văn hóa Thể thao quận Tân Bình cùng một số hoạt động như trải bài duyên, bốc thăm trúng thưởng hay xin chữ ông đồ cũng được diễn ra tại đây.
Khép lại tuần lễ triển lãm nhạc cụ Cung đàn đất nước mùa 3, người tham dự được hòa mình vào không gian âm nhạc đậm đà bản sắc văn hoá và hồn sắc dân tộc bởi các tiết mục tại buổi lễ bế mạc ngày 17/3. Ở đây, mọi người được thưởng thức các tiết mục trình diễn thời trang cùng nhạc cụ hay các tiết mục hòa tấu bởi sinh viên Đại học FPT và giảng viên, sinh viên Nhạc viện TP. Hồ Chí Minh, cùng sự góp mặt của dàn nghệ sĩ gạo cội: NSƯT Hải Phượng, nghệ sĩ đàn bầu Phạm Đức Thành, nghệ sĩ đàn đá Duy Đức – Tân Phúc, nhóm nghệ sĩ hát Chầu Văn. Những giọng ca ngọt ngào, tiếng đàn trầm bổng đã cất lên qua màn trình diễn của các nghệ sĩ gạo cội. Buổi lễ bế mạc triển lãm “Cung Đàn Đất Nước” mùa 3 đã đem đến những cung bậc cảm xúc khó quên cho khán giả.
Sau gần một tuần khai mạc cùng các hoạt động đặc sắc, triển lãm “Cung đàn Đất nước” mùa 3 đã khép lại thành công, trở thành cầu nối giữa thế hệ trẻ và các giá trị văn hoá truyền thống. Để triển lãm có thể hoàn thành trọn vẹn những dự án và hoạt động trong sự kiện lần này, chắc chắn không thể thiếu đi sự đóng góp và hỗ trợ vô cùng quan trọng đến từ các quý nhà tài trợ, cố vấn, đối tác & đơn vị bảo trợ truyền thông. Ban tổ chức xin được gửi lời cảm ơn chân thành đến cố vấn cô Vũ Thị Kim Yến, nhà tài trợ Hiệu đàn Đức Ngân, các CLB Nhạc cụ truyền thống, CLB Truyền thông Cóc Sài Gòn, CLB Tổ chức sự kiện thuộc trường Đại học FPT, sinh viên Nhạc viện TP. Hồ Chí Minh cùng các nghệ sĩ gạo cội vì đã luôn quan tâm và đồng hành cùng “Cung đàn Đất nước” mùa 3. Và trong tương lai, chắc chắn “Cung đàn Đất nước” sẽ quây trở lại với nhiều hoạt động hấp dẫn hơn nữa nhằm giữ gìn và phát huy các nét đẹp của âm nhạc truyền thống Việt Nam.