Dạy gì cho sinh viên thời kỳ cách mạng 4.0?

Trước sự đổ bộ như vũ bão của công nghệ hiện nay, việc dạy và học cần có phương pháp phù hợp. “Theo đó, mục tiêu tối thượng của nghiên cứu là xác định nghiên cứu để làm gì? – là ứng dụng. Áp dụng công nghệ trong tất cả các hoạt động đang trở thành xu thế” – ông Trần Ngọc Tuấn  Phó Hiệu trưởng – trường Đại học FPT đã chia sẻ như vậy tại hội thảo “Conference of Business, Economics, Technology and Education (CBETE) dành cho cán bộ, giảng viên nhà trường.

Tại hội thảo, với những ví dụ thực tế, ông Tuấn nhấn mạnh tri thức cũng là một lực lượng sản xuất và động lực của những nghiên cứu là để ứng dụng.

Động lực nghiên cứu là ứng dụng

Dẫn câu chuyện về Pokémon Go – một trò chơi trên điện thoại di động đã làm nên cơn sốt vào năm 2016, Phó Hiệu trưởng ĐH FPT cho biết cách mạng công nghệ 4.0 với sự xuất hiện của trí tuệ nhân tạo, thực tế ảo VR… đã làm nên bối cảnh mới.

Điểm khác biệt của Pokémon Go với các trò chơi điện tử khác trước đó là ứng dụng thực tế ảo VR. Người chơi có cảm giác lạ lẫm và thích thú khi khung cảnh xung quanh và giao diện trò chơi có sự tương tác. Chưa bao giờ, một trò chơi nhập vai ảo lại có thể tạo được sức lan tỏa nhanh chóng như vậy. Cụm từ khóa Pokémon Go được nhiều người dùng tìm kiếm chỉ trong vài ngày ra mắt.

Ông Trần Ngọc Tuấn chia sẻ về phương pháp dạy và học cho sinh viên trong môi trường đại học.

Bên cạnh thực tế ảo VR với Pokemon, ông Tuấn nói đến Li-Fi (light fidelity). Đây là một xu thế được đề cập đến trong sơ đồ Gartner. Li-Fi xuất hiện năm 2011 bởi giáo sư Đức Harald Haas tại University of Edinburgh. Li-Fi là một kỹ thuật đang được nghiên cứu để truyền tải dữ liệu quãng đường ngắn bằng ánh sáng khả kiến (có thể thấy được bằng mắt người).

So với truyền tải bằng sóng vô tuyến, truyền tải bằng ánh sáng sẽ có được một dung lượng, cũng như tốc độ truyền tải dữ liệu lớn hơn nhiều (Trong phòng thí nghiệm đã đạt được 224 GB/giây). Hạn chế lớn nhất của Li-Fi có lẽ là tính đâm xuyên của nó. Trong các điều kiện văn phòng hoặc căn hộ bình thường, ánh sáng khó mà truyền liên tục từ phòng này sang phòng khác, vì nó không thể đi xuyên qua tường. Tuy nhiên đối với những người có nhu cầu bảo mật cao, điều này chắc chắn được xem là một lợi thế.

Cách mạng công nghệ 4.0 là xu hướng hiện thời trong việc tự động hóa và trao đổi dữ liệu trong công nghệ sản xuất. Nó bao gồm các hệ thống không gian mạng thực-ảo (cyber-physical system), Internet Vạn Vật và điện toán đám mây và điện toán nhận thức (cognitive computing). Những năm gần đây,4.0, trí tuệ nhân tạo hay thực tế ảo đã không còn là khái niệm xa lạ.

Giáo dục luôn áp dụng công nghệ

Trí tuệ nhân tạo được biết đến qua các tác phẩm khoa học viễn tưởng, nó là một trong những ngành trọng yếu của tin học. Các ví dụ ứng dụng bao gồm các tác vụ điều khiển, lập kế hoạch và lập lịch khả năng trả lời các câu hỏi về chẩn đoán bệnh, trả lời khách hàng về các sản phẩm của một công ty, nhận dạng chữ viết tay, nhận dạng tiếng nói  hay bắt được cảm xúc của người học  thông qua nét mặt.

Hội thảo trở thành một diễn đàn chia sẻ khách quan

Với mục đích chính là cung cấp lời giải cho các vấn đề của cuộc sống thực tế, trí tuệ nhân tạo được ứng dụng trong kinh tế, y dược, các ngành kỹ thuật và quân sự, cũng như trong các phần mềm máy tính thông dụng trong gia đình và trò chơi điện tử.

Trước sự đổ bộ như vũ bão của công nghệ hiện nay, việc dạy và học cần có phương pháp phù hợp. “Theo đó, mục tiêu tối thượng của nghiên cứu là xác định nghiên cứu để làm gì? – là ứng dụng. Áp dụng công nghệ trong tất cả các hoạt động đang trở thành xu thế” – ông Tuấn nhấn mạnh.

Với nền tảng từ tập đoàn công nghệ hàng đầu Việt Nam, áp dụng sơ đồ tiến bộ Garter Hype Cycle, trường Đại học FPT đã và đang đón đầu công nghệ và đi đầu về giáo dục áp dụng công nghê, tạo ra những lứa sinh viên hội nhập đáp ứng bối cảnh mới “Sẵn sàng cho sự nghiệp toàn cầu”.

Bên cạnh phần trình bày tổng quan, hội thảo còn ghi nhận nhiều ý kiến của các giảng viên về nền tảng công nghệ như Blockchain và tính ứng dụng trong bối cảnh mới. Tiếp nối thành công, hội thảo dự kiến sẽ được tổ chức để trở thành một diễn đàn của giảng viên chuyên ngành giao lưu.

Hana