Đề thi tuyển sinh Đại học FPT: Không thể học tủ

Theo những thí sinh đã dự thi kỳ thi tuyển sinh Đại học FPT, đề trắc nghiệm khá dài nhưng không đánh đố thi sính, có khả năng phân loại những thí sinh chất lượng, đề luận sát với thực tế đời sống.

Sáng ngày 15/5/2016, Trường Đại học FPT tổ chức kỳ thi tuyển sinh Đại học hệ chính quy đợt I của năm 2016. Với các khối ngành Công nghệ thông tin, Kinh doanh & Ngôn ngữ và Thiết kế đồ họa. Kỳ thi tuyển sinh đầu vào Hệ đại học chính quy Đại học FPT diễn ra ở cả 3 cơ sở, Hà Nội, Đà Nẵng và TP. Hồ Chí Minh.

Tại Hà Nội, tiết trời mát mẻ tạo điều kiện thuận lợi để các sĩ tử bước vào kỳ thi quan trọng của cuộc đời.

Thí sinh sẽ thực hiện bài thi bằng tiếng Việt. Cả 3 khối ngành đều có môn thi chung là Viết luận trong thời gian 60 phút. Bài thi tự luận nhằm đánh giá năng lực nghị luận thông qua một bài luận có chủ đề thông dụng và gần gũi với học sinh đã hoàn thành chương trình trung học. Đồng thời, thí sinh dự thi khối ngành Kỹ thuật sẽ thi thêm môn Trắc nghiệm Toán và Tư duy logic; thí sinh thi khối ngành Kinh tế – Ngôn ngữ sẽ làm bài thi Trắc nghiệm Toán, Tư duy logic và Kiến thức xã hội; còn thí sinh thi khối ngành Mỹ thuật ứng dụng sẽ làm bài thi Trắc nghiệm Toán, Tư duy logic và Khả năng sáng tạo.

Có nhận xét cho rằng: “Internet là một ân huệ và cũng là tai ương cho thanh thiếu niên”. Hãy viết một bài luận phát triển quan điểm của bạn về ý kiến trên. Hãy củng cố lập luận của bạn bằng các ví dụ từ sách báo, các trải nghiệm cá nhân hoặc các quan sát khác trong cuộc sống.

Rất nhiều thí sinh khi được phỏng vấn về cảm quan cá nhân khi gặp đề bài này chia sẻ rằng, đề bài bàn luận đến một vấn đề tương đối quen thuộc đối với thanh niên, không gây bất ngờ nhưng tạo cơ hội cho thí sinh có thể trình bày quan điểm của mình một cách đầy đủ vì vấn đề liên quan trực tiếp sát sườn hàng ngày đối với thanh niên trong bối cảnh hiện nay khi mà Internet – nền tảng công nghệ cho những ứng dụng khác đã trở thành một phần trong cuộc sống của thanh niên như mạng xã hội, phương tiện giao tiếp hàng ngày email, skype, facebook nhưng lại “có quá nhiều vấn đề nảy sinh khu sử dụng Internet” (Thí sinh Phan Bá Hưng – dự thi ngành Kỹ thuật phần mềm) nhận xét.

Tỷ lệ dự thi của thí sinh tăng ở khối ngành Kinh tế và Ngôn ngữ nhờ những lý do khách quan đến từ dấu hiệu phục hồi trong nước.

“Em thấy đề luận bàn luận về Internet là rất cần thiết, cá nhân em quan tâm về vấn đề này vì Internet có nhiều mặt xấu hơn mặt tốt, dễ lôi léo và làm cho lứa thanh thiếu niên dễ bị sa ngã” – Thí sinh Nguyễn Ngọc Linh, dự thi ngành Kỹ thuật phần mềm chia sẻ góc nhìn cá nhân.

“Đề luận năm nay so với những đề luận của năm trước mà em đã tìm hiểu thì không mới – vấn đề Internet đã được bàn luận rất nhiều tuy nhiên em lại thấy dễ dàng trình bày quan điểm của mình vì khi nghĩ đến các ví dụ em nghĩ ngay đến trải nghiệm của cá nhân mình và bạn bè của mình, đặc biệt em dùng facebook để làm ví dụ phân tích. Sau khi viết xong, em tự thấy Internet gây ra nhiều vấn đề hơn hẳn với lợi ích” – bạn Trần Trung Hiếu chia sẻ sau khi hoàn thành bài thi của mình.

Từ năm 2007, đề thi viết luận đầu vào của Đại học FPT luôn nhận được sự tò mò và thích thú đối với các thí sinh, phụ huynh và các trường Đại học trên toàn quốc bởi hình thức thi đầu vào Toán Logic, và viết luận nghị luận xã hội hoàn toàn mới so với các trường đại học khác. Đề viết luận đề cập đến những vấn đề thực tiễn trong cuộc sống từ các giá trị đạo đức, lối sống cho đến những vấn đề về thực trạng do đó thí sinh buộc phải có những quan sát hoặc lập luận của mình để  có thể làm được bài.

Nhận xét về hình thức bài luận nghị luận xã hội, thí sinh tham dự kỳ thi cũng đưa ra một số quan điểm khác nhau. Thí sinh Lê Văn Việt nhận xét “Đề thi kết hợp giữa kiến thức chuyên môn cũng như kiến thức thực tế”, thí sinh Ngọc Linh cho rằng hình thức đề luận và kiểu đề bài đầu vào của trường “giúp đánh giá được năng lực tư duy lập luận của thí sinh và còn thể hiện sự tìm tòi quan sát để ý những vấn đề xã hội”. Bên cạnh đó một số thí sinh cũng e ngại rằng bài luận cũng khó có thể đánh giá được đúng năng lực sáng tạo của thí sinh vì “thường thì học sinh làm bài này sẽ làm theo kiểu viết văn sẽ làm theo bố cục bài văn và những thứ đã được dạy cứ thế áp dụng vào chứ không sáng tạo được, sẽ có nhưng là số ít!”.

Nói về đề trắc nghiệm, Nguyễn Quang Dũng, dự thi ngành Tài chính ngân hàng ấn tượng với đề thi logic, nó khá dễ. “Trước kỳ thi tuyển sinh, em đã thử sức với dạng đề thi online của trường Đại học FPT.  Dạng đề thi này không phải học trong giáo vở mà đòi hỏi thí sinh phải biết tư duy và nhanh trí”.

Bạn Nguyễn Trọng Thức, dự thi ngành Kỹ thuật phần mềm tự tin bản thân làm được 60 – 70%. “Với đề toán mình ôn không nhiều, chủ yếu rèn luyện khả năng tính nhẩm, tư duy logic”.

Còn Bùi Khánh Phương, dự thi khối ngành Thiết kế đồ họa nói “Mình không bất ngờ với đề toán, nó khá vừa sức với mình, trong đó mình làm ổn nhất là phần 1 và phần 2, tuy phần 3 đề khá dài nên mình làm không kịp thời gian. Cũng mừng là đề khá đều, mình đã hoàn thành được 70%.

Kết quả thi đầu vào của Trường Đại học FPT kỳ thi 15/5 sẽ được công bố sau một tuần trên website của trường.

Q.N