Không rập khuôn với những tập giáo trình, slide giáo án, nhiều giảng viên lại có cách quyến rũ sinh viên như diễn kịch để học Kinh tế vi mô, hát bài tập về nhà hoặc biến mình thành giáo cụ trực quan.
Diễn kịch học Kinh tế
Đến trường ĐH FPT chẳng mấy khó để hỏi thăm thầy Trương Đạt Anh – giảng viên ngành Quản trị Kinh doanh. Thầy chuyên giảng dạy Kinh tế vi mô và Kinh tế vĩ mô. Để sinh viên dễ dàng tiếp thu bài, thầy cho diễn kịch.
Minh Sơn (sinh viên khóa 13 ngành Quản trị Kinh doanh) kể, dạy về khái niệm tiền lương tối thiểu, thầy yêu cầu sinh viên hóa thân thành các nhân vật chủ doanh nghiệp, lao động, nhà nước để diễn kịch. Ba nhân vật đặt trong bối cảnh cuộc hội thảo và mỗi người phải đưa ra ý kiến của mình về vấn đề tiền lương tối thiểu. “Nhờ kiểu hóa thân này mà sinh viên đã có cái nhìn rất thực tế về môn học tưởng chừng rất khô khan”, Sơn nói.
Trong quá trình học tập phải sử dụng tài liệu tiếng Anh, sinh viên gặp không ít khó khăn khi nhớ tên các nhân vật hội thoại thường giống nhau. Thầy Đạt đổi hết thành nhân vật hoạt hình Xuka, Doremon, Nobita… Thầy Đạt cho biết: “Sinh viên đều biết các nhân vật hoạt hình. Vậy nên nếu mang chúng vào trong bài dạy, sinh viên sẽ dễ nhớ, dễ tiếp thu hơn rất nhiều”.
Bắt học sinh… hát lại bài chưa thuộc
Giảng viên Tiếng Anh Đại học FPT- Đinh Cao Tường lại được sinh viên nhắc đến là giảng viên hài hước, dí dỏm.
Sinh viên Lâm Thị Ngọc Ánh cho biết: “Mỗi lần đi học lớp thầy Tường là cười suốt buổi. Thầy tạo nên một không khí gần gũi với những câu nói dí dỏm, giàu biểu cảm. Tự nhiên mình thấy thích đến lớp hơn và cũng ít cúp học hơn nữa”.
Với sinh viên “cá biệt”, lười làm bài tập về nhà, thầy có cách riêng để “trị”. Mỗi người phải chép phạt từ 20 đến 30 lần một bài cho nhớ. Chưa hết, đến khi kiểm tra, sinh viên không chỉ “đọc vo” như thường mà phải… hát lên cho cả lớp nghe. Kiểu phạt bằng cách “hát bài tập về nhà” này nhanh chóng phát huy tác dụng, khiến sinh viên chăm chỉ ôn bài hẳn lên.
Khi sinh viên nhắn tin trên Facebook hay Zalo hỏi bài tập, thầy cẩn thận ghi âm lại lời giải đáp và gửi chứ không soạn chữ. Theo thầy, đó là cách để truyền tải đúng ý mình muốn truyền đạt cho học trò và giúp học trò cảm thấy giống như được nghe giảng trên lớp.
Biến mình thành “đạo cụ”
Giảng viên ngành Thiết kế đồ họa Nguyễn Ngọc Tuấn gây ấn tượng với sinh viên vẻ ngoài lãng tử; sự ấm áp, thân thiện và tâm lý. Không chỉ thể hiện sự tràn trề năng lượng trong các bài giảng, thầy Tuấn còn biến mình làm “giáo cụ trực quan” giúp sinh viên cảm thụ bài dễ dàng.
Trong giờ Hoạt hình (Amination), thầy Tuấn trực tiếp mô tả hình dáng và chuyển động của động vật như gà, ngựa… để sinh viên dễ hiểu bài.
Theo Tienphong