Một trong những tiêu chí đánh giá của nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước khi tuyển dụng nhân viên đó là kết quả “test mindset” (bài kiểm tra tư duy nhận thức).
Ngay khi ở giảng đường, sinh viên cần tích lũy những kiến thức, kỹ năng như thế nào để trở thành lựa chọn hàng đầu của nhà tuyển dụng?
Kết quả không chỉ là điểm số
Tại ngày hội việc làm – Job Fair – diễn ra mới đây tại trường Đại học FPT, nhiều doanh nghiệp chia sẻ thông tin về quy trình tuyển dụng, nhu cầu lao động và yêu cầu ứng viên. Bên cạnh ngoại ngữ giao tiếp, kiến thức chuyên môn… không ít doanh nghiệp xem tư duy là một trong những yếu tố giúp ứng viên nổi bật.
Tư duy của ứng viên thể hiện qua bài kiểm tra hoặc vòng phỏng vấn. Chị Trần Thị Khánh Ly – Công ty TNHH Amaris Việt Nam chia sẻ: “Một trong những tiêu chí để chúng tôi đánh giá việc chọn lựa ứng viên đó là mindset. Nếu chỉ biết làm xong công việc được giao, bạn rất khó phát triển. Vì vậy, bài test mindset, ứng viên phải tự đặt câu hỏi cho bản thân rằng “task” (nhiệm vụ) này có quan trọng như thế nào trong dự án, giá trị trong công ty như thế nào. Thấu hiểu được vision (tầm nhìn), bạn sẽ có thái độ làm việc đầy nỗ lực”.
“Tư duy cũng là 1 trong những yếu tố đánh giá và lựa chọn ứng viên” – chị Tạ Duy Phước An -– Công ty TNHH AdNovum Việt Nam nhấn mạnh. Với chị, lĩnh vực công nghệ thông tin luôn phát triển, có tiềm năng lớn và đòi hỏi nhân viên nhanh nhạy. Có một nền tảng tư duy tốt từ đầu sẽ giúp nhân viên tiếp thu và xử lý nhanh.
Cũng đồng tình cho rằng tư duy tốt quan trọng không kém kỹ năng chuyên môn, bà Boulon Aurore – Phòng nhân sự công ty TNHH Amaris Việt Nam cho biết sau khi tiếp nhận CV (Curriculum Vitae), ứng viên sẽ tiếp tục chinh phục nhà tuyển dụng thông qua lần phỏng vấn về “mindset” và “technical” (kỹ năng chuyên môn).
Trải nghiệm là lời giải tư duy
4 loại mindset trong các mối quan hệ công việc gồm tư duy đối tác (Partner Mindset), tư duy nhân viên (Employee Mindset), tư duy lãnh đạo (Leader Mindset), tư duy làm chủ (Owner Mindset). Đo lường chính xác mức tư duy sẽ giúp xác định được chính xác mức độ phù hợp với vị trí công việc.
Đồng tình với quan điểm trên, anh Minh Toàn cùng một số đồng sự tại Công ty TNHH Bosch Việt Nam vẫn luôn tìm những sinh viên có tư duy tốt bên cạnh kiến thức chuyên môn. Đến tham dự buổi đồ án của sinh viên trường Đại học FPT khá sớm, anh chia sẻ: “Biết đến sinh viên Đại học FPT khá năng động với nhiều hoạt động ngoại khóa. Không chỉ vậy, là một đơn vị thành viên của tập đoàn công nghệ lớn tại Việt Nam nên sinh viên được đào tạo có nền tảng vững chắc. Đến tham dự buổi đồ án, chúng tôi mong muốn tìm được một số ứng viên phù hợp với các vị trí tuyển dụng Bosch đang cần” – anh Toàn cho biết thêm.
Trên cơ sở cân bằng giữa kiến thức và kỹ năng, chương trình NINJA (Navigating an Independent Nonstop Journey to Autonomy) phát triển cá nhân thông qua trải nghiệm của Đại học FPT được hình thành. Với nhiều hoạt động thú vị như: 7 ngày trải nghiệm, 48 giờ chuyển động, Hành trình ASEAN P2A… giúp sinh viên Đại học FPT tự chủ, trưởng thành và phát triển toàn diện hơn. Phát triển con người là một nội dung cốt lõi được chú trọng trong đào tạo tại trường.
Bên cạnh đó, những ngày hội tuyển dụng Job Fair, các chuyến tham quan doanh nghiệp Company Tour… tạo cơ hội sinh viên tiếp xúc môi trường doanh nghiệp. Không chỉ vậy, vào năm 3, sinh viên Đại học FPT tham gia kỳ thực tập On the Job Trainning cọ xát với doanh nghiệp và tích lũy kinh nghiệm sớm. Từ đó, thích nghi môi trường doanh nghiệp nhanh chóng.
Theo Tuoitre