Dòng nhật ký gửi mẹ từ Xuân Hòa

Những dòng nhật ký gửi mẹ trong tháng Rèn luyện tập trung tại Xuân Hòa của bạn Nguyễn Thị Thanh – sinh viên K13 Đại học FPT (Hà Nội).

Vài dòng nhật kí
Vài dòng thư gửi mẹ
Vài câu chuyện hằng ngày kể mẹ nghe
Vài kỉ niệm khó quên thời thơ ấu mình con giữ…
Xuân Hòa, ngày 14 tháng 10 năm 2017
Mẹ của con !
Con đã dần quen với cuộc sống ở đây rồi mẹ ạ. Ngày trước nghe anh chị kể về những ngày tháng Xuân Hòa ác liệt lắm, thế mà con lại thấy vui. Hôm nay, bọn con được đi đọc hồi kí mẹ ạ, thế mà mấy đứa con không biết lại đi dép lê, vì thế mà bị phạt đứng cả buổi đấy mẹ ơi. Con lại nhớ những hôm nắng chang chang con đê ấy hằng ngày lũ trẻ con của bọn con vẫn hú nhau đi chăn trâu chăn bò, nướng khoai rồi luộc trứng, chơi đi hú nữa. Vì mải chơi, lại phải trông cho trâu đỡ ăn lúa bọn con đã buộc chạc trâu vào 1 cái cọc, cứ thỉnh thoảng lại thay đổi vị trí của nó để nó được ăn no. Bãi đất sau đê đó là kỉ niệm tuổi thơ của bọn con, cùng nhau đi chăn châu cùng nhau chơi đùa, cùng nấu nướng, cùng nhau cho trâu tắm. Hồi ấy mỗi khi cho trâu về nhà, bố mẹ biết không bọn con lại phân chia nhiệm vụ cho từng đứa, đứa này mai sẽ mang trứng đứa mang bật lửa rồi đứa này mang khoai, có cái gì có thể nướng được bọn con mang đi hết.
Vì là trẻ quê nên da đứa nào cũng đem nhẻm, con rất ngưỡng mộ các bạn thành phố là thế, và đó cũng là cách hình thành nên con của bây giờ mạnh mẽ, kiên cường như thế này.
Bỗng nhiên nhớ về những ngày tháng tươi đẹp đó quá, mẹ ơi…
Ngày 26 tháng 9 …
Mẹ ơi hôm qua có chuyện này vui lắm. Đây chắc cũng là kỉ niệm nhớ đời của tất cả sinh viên K13 chúng con. Buổi tối mưa khó to, bên trên có thông báo khẩn: “Do ảnh hưởng của cơn bão số 7, khu vực Tam Đảo đã bị ảnh hưởng của bão và sụt lở, hơn 100 hộ dân bị vùi lấp. Cấp trên gửi hoả tốc yêu cầu Trung tâm giáo dục quốc phòng Hà Nội 2 huy động 900 sinh viên đại học FPT chuẩn bị quân trang đồ dùng cần thiết để cứu hộ trong 4 ngày 3 đêm. Yêu cầu tất cả sinh viên chấp hành. 21h có mặt ở sân đại đội!”. Mẹ biết không cả lũ về phòng quét sạch đồ đạc, gọi điện báo bố mẹ chuẩn bị ra trận, vừa đi vừa hát quốc ca, ý chí cứu dân giúp nước được đẩy lên cao ngất trời, tưởng chừng như không gì sánh nổi. Đến cổng đợi xe, thầy Hà balo nặng trĩu đôi vai, nhìn cả lũ trìu mến: “Cấp trên đã điều động cứu viện kịp thời, đã và đang cứu trợ người dân khu vực Tam Đảo. Chúng tôi xin liệt nhiệt biểu dương tinh thần của sinh viên FPT. Bây giờ yêu cầu tất cả sinh viên về phòng thực hiện sinh hoạt hàng ngày” Bọn con vừa giận lại vừa buồn cười. Cả lũ lại kéo nhau về, đến nơi mấy anh thực tập vừa cười vừa nói: “ Đã bảo rồi đường dài mới biết ngựa hay, phim hay phải đến đoạn kết, 30 chưa phải Tết. Tôi chỉ phối hợp diễn thôi mà”
À có một lần, và một lần duy nhất mẹ nói dối con, mẹ nhớ không ?
Kể từ ngày đầu tiên đi học ở Hà Nội, con chưa có dịp đi ăn phở. Nghe nói phở Hà Nội ngon lắm, nhưng chắc có đi đâu hay ăn hàng ngàn lần đi nữa con cũng không quên được vị bát phở đó. Mẹ có nhớ lần con đi thi học sinh giỏi tỉnh không? Ngày đấy học sinh giỏi tỉnh to lắm, ít nhất là to với cái xóm quê nhà mình mẹ nhỉ? Đó là một ngày mưa phùn dài lê thê, con nhớ lắm hai mẹ con phải dậy từ 5h sáng, mặc dù đêm hôm trước con không ngủ được, vượt chặng đường 12km đến địa điểm thi. Trước lúc thi mẹ chẳng dặn dò gì nhiều, thi xong cũng không hỏi han bất cứ điều gì. Mẹ nhớ không, con gái mẹ đã khao khát bát phở thị trấn như thế nào. Nhà quê mà, thi thoảng lần nào nhỡ có đi qua quán phở, quán bún thì cũng chỉ dám nuốt nước bọt mà cố hít bằng hết hương thơm đặc trưng nóng hổi. Mẹ đưa con vào và chỉ mua một tô, con có hỏi, mẹ bảo nãy chờ con lâu quá, mẹ ăn rồi
Mãi sau này lớn, con mới biết, mẹ của con không hề ăn
Bữa trưa của mẹ, đổi lại, cho bát phở bò ao ước của con
Con nhớ như in bát phở 20 ngàn trưa hôm đấy, và có lẽ cho đến giờ và cũng mãi về sau, đó là bát phở ngon nhất, ngọt nhất, ấm áp nhất, của tình mẫu tử, của thời thơ ấu tươi đẹp.
Ngày 5 tháng 10 …
Mẹ !
Đây là trung thu đầu tiên con xa nhà, thực sự nó là một cảm giác rất đặc biệt. Xa nhà, xa bố mẹ, xa không khí trung thu, ngỡ tưởng con sẽ buồn và tủi thân lắm. Nhưng không ! Thật may mắn khi con có những người bạn bên cạnh, những người con mà con chưa từng quen biết. Mẹ ơi, hôm nay sau buổi gặp chủ tịch tập đoàn FPT Trương Gia Bình, thầy Hà huy động tất cả sinh viên về sân sau nhà C2 cơ điện, về phòng thu dọn hết tất cả tư trang cá nhân đổi phòng và nói đây là tình huống thử thách. Không chỉ có con mà còn nhiều bạn sinh viên khác đã rất buồn. Dù chỉ trải qua vài tuần bên nhau, nhưng chúng con đã có biết bao nhiêu kỉ niệm sinh hoạt cùng nhau, rèn luyện cùng nhau, vui có, buồn có, giận hờn có. Vậy mà chỉ còn vỏn vẹn một tuần để kết thúc chuyến “du lịch” Xuân Hòa khó khăn mà tươi đẹp này, bọn con lại phải nhận cái kết không được trọn vẹn hay sao ? Mẹ có tin không cách con vài người thôi, mấy bạn nữ mặt mũi lấm lem nước mắt vừa khóc vừa chạy đi xin đừng chuyển phòng. Càng nhìn thế, con càng buồn thêm. Thế mà lại một lần nữa, bọn con bị đùa cho một vố. Thầy yêu cầu tất cả viết bản cam kết với 100 chữ kí rồi đi về phòng lúc 1h sáng mẹ ạ. Phải nói, dù có hơi bực bội nhưng đứa nào đứa nấy vui ra mặt. Chúng con ở đây, thời gian dẫu ngắn, mà cảm giác như một gia đình vậy, suýt phải đi xa, mà lại được trở về đoàn tụ. Và con nhận ra một điều chỉ Xuân Hòa mới đem lại cho con những “người thân” và gia đình như thế mẹ ạ.
Ngày 5 tháng 10 …
Hôm nay trong trung đội chúng con có một vài bạn không xuống điểm danh ăn cơm, nên cả đội ngồi phải ngồi sinh hoạt kiểm điểm mẹ ạ. Bây giờ là 8h tối, con vừa ăn cơm tối xong. Giờ này nhà mình chắc chuẩn bị ăn cơm rồi mẹ nhỉ? Bố và chị có về muộn lắm không? Con nhớ mẹ nhiều nhưng nhớ cơm mẹ nấu hơn cơ.
Mẹ có nhớ không?
Con gái mẹ thích ăn thịt gà rang và canh cà tím. Cứ đến bữa là tranh nhau với chị đến mức mấy lần mẹ còn phải mắng. Thế mà mắng xong mẹ lại cười. Hồi đấy nhà mình vất vả mà mẹ nhỉ, thỉnh thoảng lắm mới có bữa cơm thịt gà. Mà ăn có bao giờ là đủ đâu cơ chứ. Có lần bố đi nhậu về muộn, con cứ khóc đòi mẹ ăn trước mẹ có nhớ không? Ấy thế mà ngon lắm mẹ ơi, sao con ăn cơm ở đây, chẳng phải tranh giành với ai, thích gì ăn nấy vậy mà sao còn chẳng ăn ngon được mẹ ơi? Con chợt nghĩ không biết mẹ thích ăn gì? À bao nhiêu năm như thế, đã bao giờ con hỏi mẹ thích ăn gì đâu, mẹ cũng không kể.
Mẹ, mẹ thích ăn gì?
Ngày 8 tháng 10 …
Hôm nay là ngày đầu tiên con hành quân sáng. 3h20 sáng chúng con nhận lệnh còi báo động đi hành quân đến chiều. Đứa nào đứa đấy ngáp ngắn ngáp dài, nhìn tội mà buồn cười. Chúng con leo đường đèo, vừa trơn vì mưa, vừa khó đi vì trời nhá nhem tối. Con đi mà lòng lại nhớ đến mẹ, nhớ đến những ngày tháng khó khăn đã qua đó.
Mẹ có nhớ không?
Ngày con nói với mẹ rằng con sẽ quyết tâm thi vào FPT vì đam mê và sự yêu thích ngôi trường này, con nhớ như in nụ cười hiền hậu của mẹ. Rồi lúc con lo lắng về học phí, mẹ đã bảo với con rằng nhà mình còn tiền tiết kiệm mà, miễn là con học tốt, mẹ có thể xoay xở được. Con sẽ không biết gì cho đến khi một hôm được nghỉ học vì cô giáo có việc đột suất nên về sớm. Con sẽ không biết gì cho đến khi thấy mẹ gục trước bậc thềm cửa nhà, quần áo đen sì vì bụi than. Con sẽ không biết gì cho đến khi chạy lại cầm lấy bàn tay mẹ, bàn tay chai sần sứt sẹo đỏ rát, giữa các kẽ ngón tay chỉ toàn thấy than dính chặt lại. Con sẽ không biết gì cho đến khi nhớ lại những đêm mẹ hay đi làm, con hỏi thì mẹ bảo mẹ đi trực ca. Mẹ ơi, vì lo cho con đi học mà những đêm đông rét căm căm ấy, mẹ của con đã phải đi trộm than trên bãi. Những hôm mưa, không thể nào đếm nổi số lần mẹ bị ngã vì leo lên trơn trượt. Có lần may mắn thì không sao, nhưng lần nào thì phát hiện thì chỉ có nước chạy trốn. Sáng tất tả với quang gánh, đêm cũng chẳng được ngủ yên giấc. Vậy mà mẹ chỉ nhìn con cười :
– Than bây giờ được giá con ạ. Con cứ học đi, khó bao nhiêu mẹ cũng chịu được.
Con nín thinh, họng đắng ngắt…
Chẳng biết phải diễn tả bằng ngôn từ nào nữa. Tự nhiên con có cảm giác trái tim như bị ai đó bóp nghẹt lại, hẫng một nhịp…
Con vốn không tin vào chuyện cổ tích!
Nhưng mẹ, mẹ chính là ông bụt của đời con …


Ngày 12 tháng 10 ….
Hôm nay con …. Và con khóc mẹ ạ. Con khóc vì mệt, con khóc vì đau, con khóc vì tủi thân và con khóc vì nhớ mẹ. Đêm muộn, con lại chẳng có điện thoại để gọi cho mẹ. Giờ này ở nhà chắc mẹ sẽ cuống quít chạy đi lấy thuốc, lấy nước, đánh gió cho con rồi. Vậy mà mẹ ơi, thực sự, giọt nước mắt đầu tiên con rơi vì người khác, lại không phải vì mẹ…
Lần đầu tiên con biết yêu. Chúng con học cùng nhau, đi tập bóng rổ cùng nhau, đi tập văn nghệ cùng nhau. Và chẳng biết từ lúc nào có cảm tình với nhau. Mẹ ơi, cảm xúc đầu đời của một cô gái tròn 16 tuổi. Lần đầu tiên con nằm mơ về một chàng trai, về bầu trời hoàng hôn, về rừng thông xen xen nắng. Lần đầu tiên chạm tay nhau đến đỏ mặt vì ngượng nghịu. Lần đầu tiên con biết trốn học thêm bằng cách nhờ bạn xin nghỉ ốm chỉ để la cà khắp dọc đường quen ngày đó. Lần đầu tiên con học đan khăn len, học làm bánh. Lần đầu tiên con cuống cuồng gọi điện cho cậu ấy khi biết cậu ấy bị cảm. Và lần đầu tiên con say, lần đầu con uống bia mẹ ạ. Đó là khi đầu óc con rỗng không, mắt con mờ đi, hai hàng nước nóng hổi trên má từ lúc nào. Và con đóng cửa một mình trên phòng, không nhớ là bao lâu nữa. Tình đầu của con đẹp mà nhanh quá mẹ nhỉ? Tất cả kết thúc chỉ vỏn vẹn hai chữ trong dòng tin nhắn điện thoại. Con đã từng coi người con trai ấy là tất cả nhưng sau cùng người ở lại bên con lại là bố mẹ. Nghĩ lại con thấy mình ngờ nghệch và vô tâm quá.
Hình như tóc mẹ ngày càng bạc thêm, trán mẹ ngày càng nhiều nếp nhăn thêm.
Mẹ, con nhớ mẹ vô cùng …
Chặng đường 18 năm qua, mẹ đã bên cạnh con từ lúc là một đứa trẻ cho đến khi cầm trong tay bằng tốt nghiệp, rồi khi con có kết quả đỗ vào đại học, đã cùng cười cùng khóc cùng con đi qua thành công và cả khi gục ngã. Đã không ít lần con để bố mẹ phải buồn, phải lo lắng, trăn trở. Vậy mà con vô tâm quá. Ngày bé con dễ dàng nói câu con yêu mẹ, con yêu bố mà òa vào lòng. Nhưng bây giờ lớn lên, mọi thứ đều thay đổi, khi con vội vã với cuộc sống ngoài kia, với nhưng bon chen, toan tính rồi những suy nghĩ khác nhau của hai thế hệ, những cuộc nói chuyện thưa dần và điều đó đã vô tình khiến khoảng cách giữa bố mẹ và con xa thêm. Cái việc tưởng chừng như đơn giản ngày bé con vẫn thường làm ấy, giờ đây, thật sự khó khăn. Nhưng bố mẹ ơi, dẫu không nói ra nhưng con vẫn luôn yêu thương bố mẹ nhiều lắm. Cảm ơn bố mẹ vì đã ở bên cạnh con, đã chăm sóc con suốt thời gian qua, đã tha thứ cho những lồi lầm mà chúng con mắc phải, đã dạy cho con những bài học làm người để con lớn lên từng ngày như thế. Cảm ơn những điều giản dị mà quý giá bố mẹ đã dành cho con, là bữa cơm gia đình đầm ấm, là những lời hỏi han ân cần chuyện học hành ở lớp ở trường, là sự động viên mỗi khi con chán chường mệt mỏi… Nhiều, còn nhiều lắm những lời cảm ơn con muốn nói với bố mẹ, và có lẽ sẽ mãi mãi là không đủ. Ngày nào con chỉ muốn lớn nhanh, trở thành người lớn, để đi thật xa, thích làm gì thì làm mà không bị cấm đoán. Vậy mà bây giờ, cuộc sống ngoài kia mệt mỏi quá, cuộc đua ngoài kia khắc nghiệt quá, sau tất cả con chỉ muốn quay lại ngày còn nhỏ vô lo, vô nghĩ, vẫn là đứa bé sẵn sàng khóc nhè đòi mẹ. Nhưng làm sao đây khi con không thể tránh khỏi quy luật của cuộc đời này, rồi sẽ đến lúc con phải tự chọn và bước đi trên con đường của mình. Nhưng con tin dù có đứng trên đỉnh cao hay gục ngã ở cuối con đường thì bố mẹ sẽ luôn bên con, mở rộng vòng tay đón con về. Dù có buồn đau hay cả thế giới này quay lưng lại, con vẫn có một nơi bình yên sau cánh cửa: Đó là nhà, là bố và mẹ. Con sẽ làm được mà, bố mẹ hãy giữ niềm tin nơi con nhé
Những ngày tháng ở nơi này, dẫu buồn, dẫu có vất vả khó khăn, nhưng rồi điều con có được lại là những người bạn tốt, những trải nghiệm tuyệt vời vả cả những kỉ niệm không thể nào quên. Và con cũng nhận ra một điều con của mẹ lớn rồi, lớn thật rồi…
Con kiên cường lắm, mạnh mẽ lắm vì con là con của bố mẹ !
Ngàn lần, cảm ơn mẹ, vì đã là mẹ của con !

Trích từ cuộc thi: Thư gửi mẹ