Doanh thu dịch vụ công nghệ thông tin từ thị trường nước ngoài của FPT cán mốc 1 tỷ USD, tăng gấp đôi trong ba năm.
Doanh thu mảng này của FPT đến chủ yếu từ ba thị trường là Nhật Bản, châu Mỹ và châu Á – Thái Bình Dương. Năm nay, các thị trường này đều tăng trưởng trên 30%, riêng thị trường Nhật Bản tăng 54% nhờ nhu cầu chi tiêu cho chuyển đổi số.
Dịch vụ công nghệ thông tin tại thị trường nước ngoài của FPT đã dịch chuyển sang những công đoạn cao hơn trong chuỗi giá trị công nghệ, với 50% tổng doanh thu đến từ chuyển đổi số, tăng gấp gần 6 lần trong 5 năm qua. Trong đó, tăng trưởng cũng tập trung tại các công nghệ mới, như dịch vụ đám mây (cloud) – chiếm 40% doanh thu dịch vụ chuyển đổi số, AI – phân tích dữ liệu (12%), RPA & Lowcode (10%).
Trong năm 2023, tập đoàn đã thực hiện một loạt thương vụ M&A, hợp tác với các đối tác lớn. Chỉ trong vòng 1 năm, FPT đã thực hiện 4 thương vụ M&A và đầu tư vào các công ty công nghệ tại Mỹ, Pháp như Intertec International, Cardinal Peak, AOSIS, Landing AI. Những thương vụ này giúp FPT nâng cao năng lực trong các mảng mới như SAP, Dữ liệu, Cloud, IoT, AI, phần mềm nhúng, các giải pháp thông minh, đồng thời bổ sung nguồn nhân lực chất lượng cao.
Chi tiêu cho công nghệ thông tin của thế giới được dự báo đạt 5.100 tỷ USD vào năm 2024, tăng 8% so với năm 2023. Trong đó, chi cho dịch vụ công nghệ thông tin và phần mềm chiếm 51%, đặc biệt là các khoản đầu tư vào lĩnh vực AI.
FPT cho biết đã triển khai chiến lược mở rộng quy mô và đầu tư theo chiều sâu để khai thác tối đa cơ hội trong những lĩnh vực có tiềm năng. FPT Automotive vừa được thành lập với mục tiêu 1 tỷ USD vào năm 2030, để chinh phục thị trường công nghiệp phần mềm ôtô.
Tập đoàn cũng xác định sẽ tiếp tục đưa Việt Nam trở thành trung tâm công nghệ mới của thế giới với mục tiêu đạt được các cột mốc quy mô doanh thu và lợi nhuận hàng tỷ đôla từ một thị trường, một ngành và một hợp đồng. Trong đó, Chip và AI được đánh giá là những hướng đi trọng tâm trong thời gian tới.