Gặp gỡ 4 sinh viên IT có công trình kỹ thuật được xuất bản trên tạp chí Symmetry

Với mục đích xây dựng một hệ thống hỗ trợ điểm danh cho giảng viên nhờ sử dụng công nghệ nhận diện khuôn mặt, 4 chàng sinh viên tài năng trường Đại học FPT đã tạo nên một công trình kỹ thuật đầy ấn tượng. Càng vui mừng hơn khi ngày 17/02 vừa qua, công trình này được xuất bản trên tạp chí Symmetry.

Hệ thống hỗ trợ điểm danh cho giảng viên nhờ sử dụng công nghệ nhận diện khuôn mặt, chạy thử nghiệm tại tầng 3 trường FPT Polytecnic

Trải qua nhiều tháng miệt mài, nỗ lực nghiên cứu, cùng sự trợ giúp nhiệt tình từ các thầy trong SAP LAB – đặc biệt là thầy Bùi Ngọc Anh và thầy Ngô Tùng Sơn, 4 chàng sinh viên Đại học FPT gồm Dương Xuân Hòa, Trần Quang Huy, Lê Văn Thành và Lê Đình Duy đã cùng nhau tạo nên một công trình kỹ thuật đầy sự sáng tạo và có giá trị thực tiễn cao. Đặc biệt hơn, dự án của nhóm còn được vinh danh và xuất bản trên tạp chí Symmetry – một tạp chí được xếp hạng Q2 trên Scopus Database và nằm trong danh sách SCIE của Web of Science.

Ngày 17/02, thầy Ngô Tùng Sơn trong niềm vỡ òa, báo tin vui cho cả nhóm

 

Tổng quan của dự án là áp dụng công nghệ sinh trắc học (nhận diện khuôn mặt) vào hệ thống hỗ trợ điểm danh. Trước khi bắt tay vào thực hiên, nhóm đã khảo sát được rằng: khi ứng dụng một hệ thống hỗ trợ điểm danh thì người điểm danh (giảng viên) có thể giảm được một lượng thời gian đáng kể.

“Sau khi nhóm của chúng mình giới thiệu ý tưởng cho trường FPT Polytechnic, thì đã nhận được rất nhiều sự ủng hộ. Vậy nên nhóm càng có thêm động lực để hoàn thành dự án với niềm tin rằng công trình này sẽ thành công và có tính ứng dụng cao.” – trưởng nhóm Dương Xuân Hòa chia sẻ.

Với công nghệ nhận diện khuôn mặt, nhóm đã xây dựng hệ thống hỗ trợ giảng viên, tích hợp kết quả điểm danh tự động vào cổng thông tin học thuật của trường FPT Polytechnic và đạt tỉ lệ sai số gần như là không có. Bên cạnh đó, 4 chàng trai đa tài còn xây dựng hệ thống core để các nhóm sau có thể tiếp tục xây dựng các thành phần khác bổ sung vào, giúp công trình ngày càng hoàn thiện hơn.

Áp dụng công nghệ sinh trắc học vào hệ thống hỗ trợ điểm danh

 

Tuy nhiên, vấn đề lớn nhất là việc giải quyết bài toán một cách hiệu quả và xử lý dữ liệu của một số lượng lớn sinh viên. Quá trình chuẩn bị, quay lấy dữ liệu và sự hợp tác của các bạn sinh viên, khiến nhóm tốn rất nhiều thời gian. Hơn thế nữa, khoảng cách địa lý cũng là một trở ngại lớn. Nhưng với một tinh thần làm việc nhóm hết sức chuyên nghiệp, cùng sự hỗ trợ nhiệt tình từ thầy cô và niềm đam mê với kỹ thuật, cả 4 anh chàng đều hoàn thành “trọn vẹn” công trình.

“Quãng đường di chuyển từ Đại học FPT Hoà Lạc đến FPT Polytechnic cũng khá là xa và phải đi lại hàng ngày. Tuy nhiên, chúng mình được các thầy hỗ trợ rất nhiều và cũng được bên phía trường cao đẳng hỗ trợ cơ sở vật chất nên cảm thấy như được tiếp thêm năng lượng làm việc vậy!” – Quang Huy bộc bạch.

Thầy Ngô Tùng Sơn còn hài hước tâm sự: “Đây dự án nghiên cứu lỗ chổng vó. Sau khi trừ chi phí các thứ thì thứ còn lại được xem là: một bài báo Q2 đưa vào profile và một mớ vật tư khấu hao.” (cười)

Những nụ cười đó có lẽ là phần thưởng tuyệt vời nhất cho 4 chàng IT trường F sau chuỗi ngày ăn ngủ cùng dự án. Không sợ không làm được, chỉ sợ bạn không có niềm tin và đam mê. Hơn nữa được học tập, hỗ trợ, tích lũy kinh nghiệm từ những mentor cùng chung “chiến hào” sẽ giúp bạn thêm trưởng thành, vững vàng trên con đường phát triển sự nghiệp IT mà mình đã theo đuổi.

Việc thực hành, thực chiến tích lũy kinh nghiệm thực tế bên cạnh những giờ học trên giảng đường, những hoạt động ngoại khóa phát triển kỹ năng mềm chính là điểm hấp dẫn khiến của sinh viên Đại học FPT lọt “mắt xanh” những nhà tuyển dụng. Có lẽ bởi thế mà những công ty công nghệ nổi tiếng của Việt Nam và thế giới như: Toshiba, Pise – Nhật Bản, Fsoft, BASE ENTERPRISE, VietIS, VNEXT SOFTWARE, Fintech Nhật Bản, VTI, ACworks Co., Ltd, Leon Urban Development Co., Ltd, VinID, Shopee, Smart OSC, GVN, Viettel… thường xuyên có những chuyến tham quan, làm việc cùng ĐH FPT với mục đích “săn gà nòi”. Và sẵn sàng “ươm mầm” nhân tài khi các em còn là sinh viên năm 2, năm 3.

Cùng ngắm nhìn 4 gương mặt ấn tượng của dự án này:

Dương Xuân Hòa – Xây dựng và triển khai hệ thống

Dương Xuân Hòa là cựu sinh viên K11 – chuyên ngành Kỹ thuật phần mềm, anh nắm chắc vai trò là trưởng nhóm quyền lực, luôn tràn đầy ý tưởng “độc đáo” – với công việc xây dựng và triển khai hệ thống cho công trình. Hiện giờ, anh Hòa là một kỹ sư tài năng ở Viettel Digital phụ trách mảng Viettel Pay.

Trần Quang Huy – Tối ưu hệ thống

Với nhiệm vụ phụ trách tối ưu hệ thống của công trình là Trần Quang Huy. Bên cạnh đó, Quang Huy còn là cựu sinh viên K11 – chuyên ngành Kỹ thuật phần mềm. Nhờ bộ não đầy sáng tạo, ham học hỏi, chàng trai đa tài ấy hiện đang là kỹ sư AI cho một công ty start up.

Lê Văn Thành – Mảng core AI của hệ thống

Và không thể không nhắc đến anh chàng Lê Văn Thành, sinh viên K11 chuyên ngành Kỹ thuật phần mềm, luôn ấp ủ trong mình niềm đam mê cháy bỏng với kỹ thuật. Văn Thành đảm đương trọng trách mảng core AI của hệ thống. Không những vậy, anh chàng hiện đang là kỹ AI tại một công ty có tên tuổi lớn trong ngành Smart City.

Lê Đình Duy – Kỹ thuật và triển khai lắp đặt

Thành viên nhỏ tuổi nhất của công trình là Lê Đình Duy – sinh viên K13 chuyên ngành Khoa học máy tính. Với bảng thành tích nổi bật tại trường, Đình Duy luôn khiến mọi người phải khâm phục. Trong công trình này, cậu bạn tài năng có đóng góp về cả mặt kỹ thuật và mặt triển khai lắp đặt.

Với những công tình nghiên cứu kỹ thuật đầy sáng tạo này, trường Đại học FPT ngày càng khẳng định vị thế của mình trong chất lượng đào tạo công nghệ thông tin. Đây sẽ là cú hích để sinh viên trường F tăng cường nghiên cứu, phát triển nhiều dự án quy mô và có giá trị cao hơn nữa trong tương lai.

Diệu Vi